Uncategorized

Lũ Trẻ Đường Tàu – Không phải ai cũng nên viết câu chuyện đời mình

Điều cảm nhận đầu tiên của mình khi cầm trên tay cuốn sách Lũ Trẻ Đường Tàu của E. Nesbit (Nguyên Tâm dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2014) đó chính là Sách rất Đẹp. Đẹp từ cái bìa đến những trang giấy.

“Hy vọng thì luôn có nhiều nhưng ngoài hy vọng còn cần thêm nhiều thứ nữa”

“Hy vọng thì luôn có nhiều nhưng ngoài hy vọng còn cần thêm nhiều thứ nữa.”

Mình biết (thực ra là đọc rồi thì mới biết), nói là Lũ trẻ đường tàu vậy thôi, chứ thực ra chúng vốn dĩ không phải là trẻ con đường tàu. Ba chị em Bobbie (Roberta), Peter và Phillis sinh ra không phải là lũ trẻ đường tàu, bởi chúng là những đứa trẻ may mắn (nói vậy không có nghĩa là lũ trẻ đường tàu thì không may mắn), có nhà là ngôi Biệt Thự Đỏ, có Cha Mẹ tử tế, được yêu thương chăm sóc giáo dục đàng hoàng, lại có thêm con chó James làm bạn, chưa kể chúng thật sự rất hạnh phúc.

Vậy thì do đâu chúng trở thành lũ trẻ đường tàu?

Một tối, cha đi khỏi nhà cùng hai người đàn ông lạ mặt và không trở về.

Đấy, lý do chỉ đơn giản có vậy thôi. (Còn tại sao cha đi khỏi nhà và không về thì gần cuối cuốn sách có nói đấy. Hoặc đang đọc mà đoán mò thì cũng ra thôi). Cha đi và không về, Mẹ thì lẳng lặng gói ghém đồ đạc đưa ba chúng nó rời khỏi Biệt Thự Đỏ để đến với ngôi nhà nhỏ màu trắng mang một cái tên rất ông-già-Noel – Ba Ống Khói. Để rồi từ đó trở đi, đường tàu trở thành trung tâm cuộc sống của ba chị em chúng nó.

Như đã nói, Sách rất Đẹp và tất nhiên cả câu chuyện trong Sách cũng rất Đẹp. Cái cách lũ trẻ mô tả khu vườn lần đầu tiên nhìn thấy khi chuyển đến Ba Ống Khói thật thú vị biết bao. Rằng đó là “một bức tường thấp có cây cối bên trong” hay đó là “cái chảo hứng mỡ đầy những bắp cải đen”. Ngay cả định nghĩa về giọt mồ hôi của chúng cũng thật là “lung linh” – giọt mồ hôi đọng trên trán “như những giọt sương trên cây bắp cải trắng”. Thật, phải học bao nhiêu từ và phải tưởng tượng xa bao nhiêu dặm mới định nghĩa “đơn giản” đến vậy? Hay như cái cách Mẹ lý giải nguyên nhân vì sao chiếc xe lửa mô hình của Peter bị nổ tung, rằng “chỉ vì thằng đinh vít bị ốm”. Mặc dù mình biết, những định nghĩa này là do E. Nesbit nghĩ ra cả, nhưng mà có sao đâu, bởi nghĩ ra định nghĩa là ý tưởng của Nesbit, còn lũ trẻ và những người khác trong sách chính là người thực hiện nó :D.

0000221335

Những đứa trẻ đáng yêu ấy, chúng rất hiếu thảo và thương yêu nhau, tương trợ nhau. Thỉnh thoảng Bobbie vì lý do cá nhân nên có đi một mình nhưng hầu như bất cứ lúc nào ba chị em cũng đều ở bên nhau, đi cùng nhau. Kể từ khi cha biến mất không lý do, chúng đương nhiên có hụt hẫng và đương nhiên không hề quên ông nhưng rồi qua thời gian, chúng cũng cùng nhau quen với việc cha vắng nhà. Chúng còn rất biết suy nghĩ nữa, điều này được minh chứng qua việc Bobbie dặn dò Peter và Phillis: “Nếu Mẹ không muốn cho bọn mình biết là Mẹ khóc, bọn mình sẽ không biết”, hay như khi Bobbie nói với Mẹ rằng “Mẹ thật dũng cảm vì có thể tỏ ra không sao khi đang cảm thấy như thế”. Như thế là như thế nào? Chỉ có Mẹ và Bobbie biết.

Ba chị em làm gì cũng có nhau. Tuy thỉnh thoảng cũng có cãi nhau, nhưng luôn biết nghĩ cho nhau. Bobbie khi biết Peter có ý định làm điều gì đó sai trái thì ngay lập tức bảo em “Nếu sai trái thì em đừng làm, để chị làm cho”. Còn Phillis thì đơn giản hơn nhưng mục đích cũng là vì muốn ba chị em làm gì cũng phải làm chung, “Em cũng muốn làm điều sai trái nếu anh chị làm”. Peter thì “đàn ông” hơn khi trong những phút nguy hiểm đều lao vào làm trước (vì nó biết chắc nếu nó không làm thì chị Bobbie của nó sẽ làm, mà con gái thì không nên làm những điều nguy hiểm và Mẹ thì cũng dạy nó như thế). Rất thích những lúc Peter gọi chị Bobbie của nó là “chị khờ”, “chị ngố”, “chị ngố điên” và giải thích với Phillis rằng “gọi như thế thực ra là cách gọi khác của Bobbie mà thôi”.

Bằng cái nhìn vô cùng lạc quan với cuộc sống mới, ba chị em chúng nó đã cùng nhau vượt qua mọi “sóng gió” dù rằng bên cạnh đó chúng cũng đã làm nên không ít những việc làm anh hùng và vĩ đại. Không biết bao giờ cha sẽ về, hàng ngày chúng đều canh đoàn tàu chuyến 9h15 sáng để vẫy vẫy tay nhờ ai đó chuyển tình yêu của chúng đến với cha. Rồi thì qua hành động đó chúng đã có cơ hội được biết đến Ông Cụ Lịch Lãm – người mà chúng đã viết thư “nhờ vả” khi Mẹ bị ốm mà không có cách nào khác:

Đây là bức thư khiến mình vừa cười vừa mếu :D

Đây là bức thư khiến mình vừa cười vừa mếu 😀

Hay như ông trưởng ga – người đã bỏ qua cho ba chị em khi chúng “khai thác than” trái phép hay còn gọi là ăn cắp than, rồi thì chú trực cổng ga Perks – người đã kể cho chúng nghe những câu chuyện về đường tàu, về đèn tín hiệu và chia sẻ những quả dâu khi đến mùa dâu chín, người có nụ cười quá hiền từ với mọi thứ, người đã gọi những đoàn tàu là “cô ấy”… Lũ trẻ đã rất may mắn khi gặp toàn những người tốt, những người luôn giúp đỡ chúng khi chúng cần một điều gì đó. Tất nhiên, chúng cũng gặp những trở ngại như gặp phải “ông sà lan” Bills hay ông lão “ngủ quên” trong giờ trực tàu, nhưng rồi chúng cũng vui vẻ đón nhận vì “Mọi người trên thế giới đều là bạn nếu ta có thể cho họ thấy ta không muốn là người thiếu thiện chí”.

Mình chẳng có gì là không hài lòng với cuốn sách này nếu không muốn nói đây là 1 trong những cuốn sách khiến mình yêu-chết-đi-được. Mặc dù biết rằng những câu chuyện đẹp và những cuộc trò chuyện thú vị luôn làm thời gian trôi qua rất nhanh và bất cứ cái gì cũng đến hồi phải kết thúc, nhưng không phải ai cũng có thể/nên viết câu chuyện đời mình. Bởi lẽ như Mẹ nói, rằng nếu chúng ta viết nên câu chuyện đời mình, rất có thể chúng ta sẽ phạm sai lầm, thay vào đó hãy để Chúa (ai thần tượng người nào thì thay người này bằng người khác nha haha) viết câu chuyện của chúng ta, và Chúa sẽ biết cách làm thế nào để mọi thứ được kết thúc tốt đẹp.

Và đó là lý do câu chuyện đã kết thúc vô cùng tốt đẹp và từ đó trong ngôi nhà Ba Ống Khói màu trắng, mọi người chung sống với nhau hạnh phúc suốt đời. Mặc dù cũng vẫn có một điều duy nhất khiến mình không thích cuốn sách này đó là kết cục, E. Nesbit đã không cho mình bước vào ngôi nhà trắng của bọn họ để xem chuyện hạnh phúc gì đang diễn ra trong đó mà thôi. 😀

0000221329Một vài điều hay ho rút ra từ Lũ Trẻ Đường Tàu:

  • Không ai có thể vui trong bóng tối trừ bọn cú mèo và chuột sóc.
  • Thỉnh thoảng trong những giây phút cực kỳ cấp thiết, chúng ta có thể làm những điều kỳ diệu mà trong đời sống hằng ngày chúng ta có mơ cũng khó lòng làm được.
  • 1 nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ, nhưng nếu ta mỉm cười quá thường xuyên, nụ cười sẽ có xu hướng rập khuôn như nụ cười của linh cẩu. Và trông nó không còn thân thiện nữa, mà chỉ là ngớ ngẩn.
  • Có những nỗi đau đẹp.
  • Bạn làm gì không quan trọng bằng việc bạn có ý gì.
  • Tuổi trẻ là cứ phải vô tư mà sống, cứ thoải mái mà phạm quy.
  • Một người phụ nữ càng dịu dàng, càng dễ bị tổn thương thì càng can đảm khi làm điều phải làm…

Một điều đặc biệt nữa, đó là đọc Lũ Trẻ Đường Tàu, mình mới biết bộ môn thể thao xé gió dữ dội nhất chính là con tàu khi từ miệng hầm lao ra, mà như ba chị em mô tả thì là “trông giống như một con rồng lao vụt ra từ tổ rồng”. Bao nhiêu năm đi tàu, ngồi trên các toa tàu, quả thực mình không biết cái lúc đoàn tàu “xé gió” như thế là như thế nào.

Nhor

KOMO chân thành cảm ơn bạn Nhor đã đóng góp bài viết này.

Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn.

Nếu bài viết được duyệt đăng blog KOMO, bạn sẽ được tặng một ebook bất kì trên KOMO do bạn tự chọn.

Lời BTV

Độc giả có thể tìm đọc những tác phẩm về câu chuyện những đứa trẻ qua các ebook có trên KOMO dưới đây:

Manolito Trên Đường – Elvira Lindo

300x384-manolito-tren-duong

Karlsson Trên Mái NhàAstrid Lindgren

300x384-karlsson-tren-mai-nha

Cuộc Chiến Khuy CúcLouis Pergaud

300x384-cuoc-chien-khuy-cuc

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang