Uncategorized

Ngầm – Haruki Murakami

Underground - Murakami Haruki

Đọc Ngầm, tôi sợ. Tôi thấy mình cứ yếu đi dần dần với mỗi chân dung người hiện ra. Chưa có quyển sách nào của Murakami lại khiến tôi sợ đến vậy.

Thường sách của Murakami sẽ khiến tôi hơi khó hiểu chỗ này chỗ kia, bối rối và mệt mỏi truy tìm ý nghĩa một chút. Ngầm thì là sách phi hư cấu, nhưng lại khiến tôi sợ kinh khủng. Không phải nỗi sợ mơ hồ những điều không đoán định được như ma quỷ, mà vì những điều tăm tối nhất trong con người (cả con người tôi, nhất là con người tôi), vốn bị nén chặt ở tầng sâu ý thức, đang được mời lên và truy vấn để lộ diện rõ ràng nhất. Những điều đen tối đó có sức mạnh huỷ diệt và khiến người ta sợ (vì thế người ta mới phải nhốt chúng cho thật sâu chứ.)

Thật ra, Ngầm có 2 phần. Và phần 1 phỏng vấn về những nạn nhân sarin thì tôi không sợ chút nào. Bất cứ câu chuyện về sự vượt qua thảm hoạ và khủng hoảng dù bi thương đến đâu cũng đều mang đến cảm giác dễ chịu và tin tưởng về sức mạnh của con người. Sự hồi sinh sau huỷ diệt, kiểu thế. Suốt cả tuần tôi đọc phần này, thấy lòng mình bình lặng và vui vẻ.

Underground - Murakami HarukiĐến cuối tuần, tôi mới bắt đầu đọc phần Hậu-Ngầm, phần phỏng vấn về những thành viên của Aum, giáo phái tổ chức rải sarin. Trước đó, khi đọc về những câu chuyện của nạn nhân sarin, tôi cũng hết sức thắc mắc về Aum rồi.

Tôi luôn có kiểu thắc mắc về động cơ đằng sau những hành động độc ác của con người. Có dạo tôi đi đọc về phát xít Đức, những kẻ giết người hàng loạt và những kẻ ăn thịt người các loại. Là người hoàn toàn ghê sợ bạo lực dưới mọi hình thức, tôi luôn không thể hiểu nổi điều gì dẫn bất cứ một con người nào đến những hành vi dã man như vậy. Tôi không thể quy dẫn đơn giản, rằng có những người sinh ra đơn giản là độc ác thế. Mình cứ yên tâm đứng ở phía này của Thiện là ok rồi, còn bọn Ác kia thì mặc kệ chúng, với tất cả những hỏng hóc kinh khủng của chúng. Một trong những bài học quan trọng nhất tôi đã học trong thời gian học đại học, là chẳng có gì tuyệt đối đen trắng cả, chỉ có những góc nhìn khác nhau và màu xám là tuyệt đối thôi.

Vậy nên vừa đọc đoạn đầu câu chuyện về vụ sarin năm 1995, tôi vừa thắc mắc mãi. Điều gì dẫn những con người ưu tú và xuất sắc hết mực của xã hội Nhật đi đến hành vi giết hại những người vô tội lạnh lùng như thế. Tại sao họ lại đi theo Aum nếu đó chỉ là một trò hề khủng bố ngu ngốc và độc ác của một tên giáo chủ tuyên bố mình đã đạt được giác ngộ? Tôi xem Youtube, thấy người của Aum mặc áo quần trắng kì dị, nghe cuộn băng thu ma quái lặp đi lặp lại một lời gì đó, thực hành những hình thức hành xác dưới nước trong khi Giáo chủ lẩm bẩm gì đó. Khi giáo chủ ra lệnh, không ai có thể cưỡng lại mệnh lệnh ấy. Trong những bài viết về Aum trên BBC, Guardian và nhiều báo khác, chữ brainwash được lặp đi lặp lại.

Underground - Murakami Haruki

Tôi bắt đầu đọc phần Hậu-Ngầm trong tâm thế tràn ngập định kiến về Aum như một tổ chức ma quỷ tẩy não người, khiến họ mụ mị, đánh mất ý thức.

Thế mà, trong sự kinh ngạc tuyệt đối, tôi nhận ra những cựu thành viên và thành viên hiện tại của Aum lại hoá ra là những người bình thường, có thật, với khát vọng đi tìm một điều gì đó có ý nghĩa hơn đời sống mỏi mòn này. Họ thật tâm đi tìm ánh sáng với những động cơ trong sáng, đẹp đẽ và chân thành nhất. Họ truy tìm ánh sáng, và khi thấy ánh sáng đó, họ sẵn sàng rũ bỏ tất cả để bắt đầu hành trình đến gần với bản thể mình hơn. Họ sẵn sàng bỏ công việc, bạn bè, gia đình, của cải…để gia nhập Aum, cống hiến bản thân cho một lý tưởng cao đẹp, tu tập gian nan để sống cuộc đời có ý nghĩa, thay đổi những điều đang xảy ra trong xã hội.

Đi tìm ánh sáng, họ lại gặp bóng tối. Đoạn cuối của câu chuyện chất độc sarin là hàng thành viên Aum đứng trước vành móng ngựa, với mức án tử hình và chung thân vì tội ác chống lại loài người.

Tôi thích cách lý giải của Murakami, không phải là câu hỏi, tại sao họ lại tham gia Aum trong khi họ là những người ưu tú, xuất sắc nhất, mà là họ đã trở thành tín đồ của Aum vì họ đã ưu tú, xuất sắc và luôn tuyệt vọng muốn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống như vậy. Nhưng rồi lại bị dẫn dắt sai lầm. Giống như là loài động vật giáp xác. Bỏ đi những lớp vỏ để trở nên thành thật nhất và dễ bị lung lạc nhất. Họ đã đánh mất bản thể và bị lung lạc bởi những ý tưởng. Những ý tưởng thật sự nguy hiểm. Nó có sức mạnh kinh khủng để dời non lấp bể, để giết người, để huỷ diệt.

Shoko Asahara

Shoko Asahara – giáo chủ của Aum

Ở Aum, như mọi tôn giáo khác, lại là ý tưởng về sự nhân danh, mục đích vượt trên phương tiện. Từ lý thuyết của Phật Giáo Mật tông, không giống Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa, Mật tông cho rằng có con đường đi đến giác ngộ ngắn hơn. Đi con đường tắt ấy, người ta có thể vượt qua lằn ranh phân biệt thiện và ác. Asahara sử dụng lý thuyết đó để che lấp cho những mầm ác dần dần nảy sinh trong Aum. Tín đồ đầu tiên chết trong một nghi thức hành xác tôn giáo (Để truy tìm sự giác ngộ, Aum sử dụng những phương pháp tu khổ hạnh, gần như là tra tấn, đưa con người đến những giới hạn của cơ thể. Tín đồ phải vượt qua những giới hạn đó để đạt đến những mức khác nhau của sự giác ngộ.) Cái chết bị che đậy để bảo vệ thanh danh cho Aum. Vì một sứ mệnh cao hơn của Aum, Asahara và những lãnh đạo cấp cao của Aum lại quyết định giết một tín đồ khác, để bí mật về cái chết thứ nhất không lộ ra. Dần dần, Aum đi theo con đường bạo lực và khủng bố để loại bỏ tất cả những chướng ngại ngăn trở sứ mệnh tôn giáo và mục tiêu thay đổi thế giới trở thành một nơi tốt hơn của Aum. Và cuối cùng sarin được những nhà khoa học ưu tú nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ điều chế ra để chứng minh và đẩy nhanh hơn đến Ngày Phán xử Cuối cùng sẽ huỷ diệt để từ đó Aum xây dựng lại tất cả theo lời tiên tri của Asahara.

Underground - Murakami Haruki

Toàn bộ câu chuyện nghe như một kịch bản rẻ tiền của một bộ phim rẻ tiền. Vậy mà bấy nhiêu tín đồ đã nhất nhất làm theo. Murakami lý giải, họ tuân theo không phải là vì đó là một kịch bản hay mà vì bản thân việc được nghe theo – cảm giác bình yên khi trao tất cả quyền quyết định cùng tất cả những bất định của họ cho một người ở trên. Chỉ cần nhất nhất đi theo con đường đó, họ được hứa hẹn cứu rỗi. Họ đánh mất bản thể, đánh mất sự tự do, vì họ MUỐN như vậy.

Câu chuyện của Aum làm tôi nhớ đến lý thuyết trốn khỏi tự do (escape from freedom) của Erich Fromm. Fromm sử dụng câu chuyện về Adam và Eva để nói về sự tự do của con người. Khi ăn quả từ Cây Tri Thức và có lý trí, họ vươn khỏi bóng tối mù mờ bản năng của thế giới động vật, họ của không còn là một phần của tự nhiên nữa. Họ trở thành con người, với tất cả ý thức về sự hữu hạn và sự bất lực, nhỏ bé của mình trước tự nhiên. Tự nhiên là lòng mẹ ấm áp mà họ đã không còn đường trở về. Cùng với sự tự do để hành động độc lập theo lý trí của mình, con người luôn luôn cảm thấy nỗi đau chia cách. Con người hiểu rằng họ chỉ là một thực thể bất toàn, bất định và cô đơn giữa thế giới.

Để chạy trốn, họ tìm cách rũ bỏ sự tự do của mình. Trong Aum, các tín đồ quy phục ý chí tối cao của một giáo chủ tuyệt đối để bỏ đi sự cô đơn và bất định của mình.

Vẫn là ý tưởng muôn thuở, con người là mục đích tự thân. Không được hy sinh con người nhân danh bất kì một điều gì cả. Tất cả mọi điều xấu xa trên thế giới này đều sinh ra vì sự nhân danh. Vì bất kì điều tốt đẹp nào. Không được nhân danh Thánh Allah, không được nhân danh Chúa Jesus, không được nhân danh Đức Phật, không được nhân danh toàn thể loài người, không nhân danh công lý, không nhân danh bình đẳng- bác ái. Mục đích tối thượng sẽ làm người ta hy sinh chính con người. Không được biến con người thành phương tiện, vì con người là mục đích tự thân.

***

Underground - Murakami Haruki

Tôi thích đọc Murakami, vì sau khi được dẫn đi sâu thật sâu vào tất cả những tầng tâm thức đen tối đó, tôi lại được dẫn lên, và được chỉ cho thấy, kia là ánh sáng, đây là cuộc sống cứ mới hoài, đi vào cuộc sống đi.

Bởi thế, Ngầm làm tôi sợ vì chỉ cho tôi thấy con người dễ bị lừa mị và thoát khỏi vòng kiểm soát của lý trí biết bao. Ngầm cảnh báo về cái ác, nhưng lại chỉ ra rằng không có cái ác tuyệt đối, mà chính cái ác có thể sinh ra từ khát vọng lương thiện. Kết luận cuối cùng về những người tham gia Aum, Murakami nói “những người gia nhập các giáo phái đều không phải là người dị thường, họ không có điểm gì thiệt thòi, họ không lệch lạc…Có thể họ đã nghĩ về mọi chuyện hơi quá nghiêm túc một chút. Có thể trong nội tâm họ có nỗi đau nào đó họ cứ mang theo. Họ không giỏi bày tỏ cảm xúc của mình cho người khác và có phần nào đó bất an. Họ không thể tìm ra cách thích hợp để tự diễn đạt bản thân, và cứ đắn đo qua lại giữa cảm giác kiêu hãnh và cảm giác mình thiếu năng lực. Tôi rất có thể là như thế. Và cả bạn nữa.”

Đọc xong Ngầm, tôi thấy mình như vừa đi qua những cơn lốc xoáy của những bình nguyên và cánh đồng cuộc sống. Cảm xúc của tôi mạnh đến mức không thể gom những suy nghĩ và cảm xúc của mình thành điều gì khả dĩ đọc được sau đó. Mãi sau 2 tháng, tôi mới mở review này ra để viết lại. Đọc xong Ngầm, tôi thấy mình cần ánh sáng kinh khủng. Tôi như vừa trở lại từ thế giới bên trong, vẫn còn lơ mơ. Không cần chi ánh sáng của tri thức hay hiểu biết, mà chỉ là ánh nắng ấm của cuộc sống hằng ngày thôi.

Thật ra, đôi khi phải trèo xuống sâu trong những suy nghĩ nặng nề của đầu mình, để cảm thấy rõ khao khát ánh sáng đó hơn. Chẳng cần lo gì, vì chỉ cần còn nguyên nỗi khát thèm sống lại này thì sự sống đâu được mệt mỏi và hẹp hòi quá lâu.

Một số hình ảnh về vụ tấn công tàu điện ngầm Tokyo bằng sarin ngày 20.3.1995

Tokyo subway sarin attack

Tokyo subway sarin attack

Tokyo subway sarin attack

Tokyo subway sarin attack

Tokyo subway sarin attack

Chi Mai

KOMO chân thành cảm ơn bạn Chi Mai đã đóng góp bài viết này. 

Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang