Uncategorized

Những người đàn ông không có đàn bà

1442486192_11999644_10153650327602495_6853046434013244253_o

Sau Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, đã một năm rồi tôi mới có dịp đọc tiếp một tác phẩm mới của Haruki ra mắt bản dịch tiếng Việt trong năm nay: Những người đàn ông không có đàn bà. Khi lật sơ lược qua toàn thể tập truyện ngay khoảnh khắc vừa cầm nó trên tay, tôi đã có một cảm giác khác lạ, một cảm giác trước đây tôi chưa từng trải qua. Tôi biết ngay được nguyên nhân nằm ở đâu: trong bảy truyện nằm trong tập truyện ngắn này thì có hai truyện tôi đã đọc trước đây trên mạng. Trong kinh nghiệm đọc sách của tôi, đây là lần đầu tiên tôi đọc một quyển sách mà nội dung của nó không hoàn toàn là thứ tôi chưa đọc. Những thứ tôi đã đọc giờ đây xuất hiện dưới một dạng thức khác và đang hòa lẫn vào thứ tôi chưa đọc. Hai truyện ngắn mà tôi đã đọc trước đó là YesterdaySamsa đang yêu. Tính trong vị trí tương quan các truyện nằm trong tập truyện thì hai truyện này vô tình nằm ở vị trí đối xứng nhau: Yesterday là truyện liền sau truyện thứ nhất và Samsa đang yêu lại là truyện liền trước truyện cuối cùng. Vậy là vô tình tôi có hai điểm neo quen thuộc trong hành trình khám phá hải cảng mới này. Cảm giác ấy khá lạ lẫm. Nó chẳng phải là cảm giác hồi hộp, háo hức khám phá một người bạn mới nhưng đồng thời cũng không phải là cuộc hội ngộ để tìm hiểu lại về nhau giữa những người bạn cũ. Bây giờ, sau khi đọc xong tập truyện ngắn này, tôi nhận ra rằng không chỉ là cảm giác khi đọc mà chính bản thân việc đọc tập truyện này với tôi cũng mang tính “lưỡng nghĩa” giống như khi Kino trầm tư về ý nghĩa việc bầy rắn bò quanh nhà anh vậy. Tôi nhận ra những thay đổi của Haruki trong suy tư (hay ít nhất là tôi nghĩ vậy), tôi nhận ra những thay đổi trong cách nghĩ của mình về lối viết của Haruki, và rồi tôi nhận ra những thay đổi của chính mình thông qua việc nhận biết chuỗi thay đổi diễn ra trước đó. Và sự thay đổi này, tôi cũng không rõ có thể định danh nó là tích cực hay tiêu cực.

Khi quay lại thì không còn chính xác là nơi cũ nữa

20150527210943

Trước khi tiếp tục viết cảm nhận của mình về Những người đàn ông không có đàn bà, tôi muốn viết bên lề một chút về cách tôi vẫn gọi ông trong tâm thức và khi trò chuyện với bạn bè. Như những gì tôi đã viết ở trên, tôi luôn gọi ông là Haruki, chưa bao giờ tôi gọi ông là Murakami cả. Việc này đến với tôi thật tự nhiên. Ngay từ lần đầu đọc tên ông, tôi đã nghĩ nếu có thể gọi ông bằng một cái tên ngắn gọn hơn, tôi sẽ gọi ông là Haruki. Tôi thích gọi tên một người nào đó hơn là họ của người ấy dù không có đủ sự thân thiết. Lí thuyết là ta không thể gọi tên một người Nhật trống trơn nếu không đủ thân thiết, ta chỉ có thể gọi người đó bằng họ. Nhưng trên thực tế, có những người ta sẽ không bao giờ có đủ sự thân thiết với họ để chuyển đổi xưng hô, vậy nên tôi tự cho phép bản thân mình gọi những người đó bằng tên nếu như tôi thích gọi họ như thế. Haruki. Mỗi lần gọi tên ông như thế, tôi lại liên tưởng đến cảm giác thân mật trong tâm tưởng. Tôi nghĩ những mối quan hệ chỉ thân mật trong tâm tưởng là những mối quan hệ thật đặc biệt. Ít ra đó là một trong những điều tuyệt vời mà một người có thể tận hưởng nó trong vai trò là độc giả đối với tác giả mình yêu thích. Trong vai trò của người đọc, bản thân việc được thưởng thức tác phẩm hay đã là điều tuyệt vời nhưng sự chia sẻ mối quan hệ thân mật trong tâm tưởng với người viết mình yêu thích cũng là một điều thú vị không kém. Tuy vậy, không phải lúc nào tác giả mình yêu thích cũng đồng thời là người mang đến cho mình cảm giác thân mật đó. Ít ra, với trường hợp của tôi là như vậy và Haruki là một trong số ít tác giả đồng thời mang đến cho tôi hai cảm giác đó: vừa yêu thích, vừa thân mật. Việc gọi ông là Haruki trở thành điều hiển nhiên đến mức khi tôi gặp ai đó gọi ông là Murakami, tôi lập tức cảm thấy rất xa lạ. Từ lâu tôi vẫn luôn nghĩ rằng nếu chỉ gọi ông là Murakami thì chẳng phải sẽ dễ bị nhầm lẫn với Murakami Ryu sao? Mỗi lần nghe ai gọi ông là Murakami, tôi lại hỏi như thế. Câu trả lời tôi nhận lại luôn là sẽ không có sự nhầm lẫn đáng kể vì ở Việt Nam Murakami Haruki nổi tiếng hơn Murakami Ryu, khi nhắc đến Murakami, người ta sẽ nghĩ đến Haruki nhiều hơn Ryu. Nhưng như thế chẳng phải là có chút bất công cho Ryu sao? Về điểm này, tôi nhận thấy mình khá cực đoan. Tuy không muốn phân biệt nhưng tôi nhận ra mình dễ dàng nói chuyện về Haruki với những người cũng gọi ông là Haruki hơn những người gọi ông là Murakami dù tôi biết rằng cách gọi nào cũng đều là ông và đó không phải điều quan trọng lắm.

Nhưng tại sao tôi lại viết điều không quan trọng lắm ấy ra đây?

Bởi vì qua những truyện trong tập truyện ngắn Những người đàn ông không có đàn bà, Haruki lại một lần nữa giúp tôi nhận ra có những điều dù thoạt nhìn qua có vẻ như nó không quan trọng lắm nhưng nếu soi chiếu thật sâu, có thể ta sẽ tìm ra những ý nghĩa của nó mà ta đã vô tình bỏ sót, cũng có thể ta sẽ nhận ra đó lại chính là điều quan trọng. Drive my car, Yesterday là những truyện soi vào các điều tưởng chừng không quan trọng ấy. Drive my car mở đầu bằng việc Kafuku muốn tìm một người lái xe thay anh trong khoảng thời gian anh không thể lái xe, Yesterday mở đầu bằng lời bài hát Yesterday trong tiếng Kansai do Kitaru viết lại lời… Những việc đó, thoạt đầu khi vừa đọc qua, ta sẽ thấy có vẻ như đó là những điều không mấy quan trọng nhưng bằng sự tỉ mỉ trong quan sát như mọi khi, Haruki dần cho người đọc cảm nhận một cách tự nhiên rằng dường như có điều gì đó quan trọng hơn vẻ bề ngoài không mấy quan trọng của những hành động này, dường như có điều gì đó ẩn giấu sau những suy nghĩ của Kafuku về việc ngồi trong xe do đàn ông lái hay phụ nữ lái, thói quen chạy xe, sử dụng xe của anh; dường như có điều gì đó khuất lấp sau Kitaru-một người vùng Kantou lại học tiếng Kansai hết sức bài bản và nhiệt thành như thế… Và cứ thế, chúng ta từ từ khám phá câu chuyện của họ, dần dần nhận ra có những khoảng trống nào đó chen vào giữa những điều tưởng chừng không quan trọng ấy, cố gắng tìm hiểu những khoảng trống đó, cùng nhân vật lấp đầy nó bằng những hồi ức được hé lộ. Thế nhưng, khoảng trống giữa các sự kiện ấy trong những truyện của Haruki không bao giờ được lấp đầy hoàn toàn.

140609_r25121-844

Drive my car, Cơ quan độc lập, Scheherazade, Những người đàn ông không có đàn bà đều bắt đầu bằng một sự kiện mà người đọc không biết được nguyên nhân khởi điểm, điều này dễ khiến người đọc có cảm giác mình đột ngột bị ném vào câu chuyện này trong khi chưa nắm được điều gì đã xảy ra trước đó. Và sau đó, bằng việc tiếp tục theo dõi câu chuyện, người đọc biết được những sự kiện đã xảy ra trước đó để lấp vào khoảng trống mà mình không hiểu rõ khi câu chuyện vừa bắt đầu để rồi sau đó lại quay về điểm khởi đầu hoặc cùng nhân vật đi tiếp các sự kiện diễn ra sau sự kiện khởi đầu và kết thúc câu chuyện. Kiểu cấu trúc này gợi ra hành trình tìm hiểu bản thân bằng cách quay về quá khứ-đồng nghĩa với việc thoát khỏi bản thân ở hiện tại, rồi cuối cùng lại trở về với bản thân ở hiện tại. Nhưng vì khoảng trống không được lấp đầy hoàn toàn hoặc khi ngược về những sự kiện trước đó, ta lại thấy xuất hiện thêm những khoảng trống khác nên ta không hoàn toàn thực sự quay về khởi điểm của câu chuyện. Cảm giác này có lẽ cũng tương tự cảm giác của Kafuku khi nhận định về việc diễn xuất của anh: “Thoát khỏi bản thân, rồi lại trở về với bản thân. Nhưng khi quay lại thì không còn chính xác là nơi cũ nữa.” Tôi nghĩ đó cũng chính là điều tuyệt vời ở bốn truyện ngắn này của Haruki khi mà ở điểm kết thúc, người đọc nhận ra mình được đẩy xa hơn điểm khởi đầu của câu chuyện dù bản thân câu chuyện đang quay trở lại điểm khởi đầu của nó, ngay cả những nhận định, cảm giác về các sự kiện khởi đầu của người đọc cũng được thay đổi-không phải theo kiểu chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác mà là chuyển từ góc nhìn này sang góc nhìn khác khi biết được những sự kiện trước nó hay những sự kiện hỗ tương cho nó. Quá trình theo dõi bốn câu chuyện này cũng làm tôi nhớ đến một câu nói quen thuộc mà không nhớ là của ai nói: “Cuộc sống giống như là đến rạp chiếu phim trễ và chúng ta đang xem một bộ phim đã chiếu từ trước đó vậy. Ta không hiểu chuyện gì đang xảy ra và chỉ bằng cách xem tiếp hay sống tiếp, cố gắng kết nối những sự kiện mới lại với nhau, nhận ra cấu trúc của nó, dần dần chúng ta mới hiểu được mình hơn trong quá khứ và biết được rốt cuộc chuyện gì đang diễn ra.”

Nếu Scheherazade biến mất…

141013_r25575-877

Xét ở một góc độ khác, tất cả những truyện trong tập truyện ngắn Những người đàn ông không có đàn bà (ngoại trừ truyện Samsa đang yêu vốn không nằm trong tập truyện gốc) đều được viết dưới góc nhìn của người kể lại những gì đã qua, không phải của người đang trải nghiệm những điều ấy ở thì hiện tại trong câu chuyện cùng người đọc. Vì thế, người đọc luôn ở trong biên độ hiểu biết về câu chuyện ít hơn nhân vật và chính điều này duy trì sự bí ẩn của nhân vật với người đọc. “Rõ ràng có chuyện gì đó trước đây đã xảy ra với người này, một điểm gãy đổ nào đó đã diễn ra. Liệu người đó có kể ra hết tất cả những chuyện đã xảy ra trong quá khứ để mình hiểu hơn về điểm gãy đổ đó không?” Trong quá trình đọc tập truyện ngắn này, tôi thường hay tự hỏi mình những câu tương tự như thế và nhờ đó mà nhận ra rõ ràng rằng khi người đọc tiếp xúc câu chuyện với dữ kiện thông tin ít hơn nhân vật rất nhiều thì trong vô thức, có thể người đọc sẽ cảm thấy bồn chồn, lo lắng rằng liệu khi kết thúc câu chuyện, nhân vật-cái người trên cơ ấy có chịu tiết lộ cho độc giả-những người dưới cơ biết hết những gì đã diễn ra hay không? Trong trường hợp của Haruki hay những nhân vật của Haruki thì câu trả lời không hẳn là có mà cũng không hẳn là không. Bởi lẽ có những truyện rõ ràng ông không tiết lộ hết, có những truyện dù ông tiết lộ hết nhưng chính từ góc nhìn của một người kể lại, người đọc không thể tránh khỏi việc tự chất vấn về tính toàn vẹn của câu chuyện mà truyện điển hình nhất là Cơ quan độc lập vì sự kiện quan trọng nhất trong truyện không được người kể chuyện chứng kiến mà chỉ là kể lại dựa trên lời kể lại của một người khác. Thế nhưng sự mơ hồ và lưỡng nghĩa đó ở văn phong của ông vẫn luôn là thứ thu hút người đọc. Haruki đã đưa người đọc đến gần với tâm trạng của Habara khi nghe những câu chuyện do Scheherazade kể: “Nếu Scheherazade biến mất, Habara sẽ không còn được nghe chuyện của cô nữa. Mạch chuyện bị ngắt, những câu chuyện kì lạ, bí ẩn lẽ ra được kể cứ thế biến mất mà không bao giờ được kể.” Khi đọc truyện của Haruki, tôi thường có tâm trạng sợ rằng câu chuyện sắp kết thúc, nhân vật sắp biến mất mà mình vẫn chưa kịp hiểu rõ về họ, chưa kịp biết những dữ kiện thông tin mình muốn biết. Như thế, Haruki đã thực sự trở thành Scheherazade và người đọc hạnh phúc khi thấy mình là Habara.

Bên cạnh việc duy trì khoảng cách, cảm giác bí ẩn của người đọc đối với nhân vật, tôi nghĩ rằng lối kẻ lại cũng tạo được cảm giác “bình tĩnh đến kì lạ” mà ở bìa 4 cuốn sách, Nhã Nam có viết. Bởi lẽ khi người đọc theo dõi một câu chuyện không phải từ điểm nhìn đồng hành cùng nhân vật lúc nó đang xảy ra mà nhận thức được rõ đây là câu chuyện do nhân vật đã trải qua và kể lại thì trong chính lời kể của nhân vật, trong chính tâm thức của người đọc sẽ có một lớp màng mỏng phân cách giữa thời gian việc được kể thực sự xảy ra và thời gian kể câu chuyện. Sự phân tách rạch ròi đó, sự biết rằng dù sao đó cũng là việc đã xảy ra rồi có lẽ chính là một phần tạo nên thứ cảm giác “bình tĩnh đến kì lạ” ấy.

Những cái tên, người kể chuyện, sự chắc chắn và không chắc chắn

150223_r26182-881

Đọc Những người đàn ông không có đàn bà, đôi chỗ tôi không thể tránh khỏi cảm giác “biết tỏng như thế rồi” khi bắt gặp những chi tiết quen thuộc thường xuyên lặp lại trong truyện của ông. Cái tên Kafuku trong Drive my car, thoạt tiên khiến tôi liên tưởng ngay đến Kafka trong Kafka bên bờ biển. Tôi tin là ông đã nghĩ đến Kafka khi đặt cho nhân vật tên Kafuku. Chi tiết Misaki hỏi lại Kafuku rằng liệu Kafuku có phải họ thật của anh không cũng làm tôi nhớ đến truyện Tony Takitani, việc Tony Takitani luôn nhấn mạnh rằng đó là tên thật của anh. Thế nhưng, ngay chính giây phút nhân vật luôn nhấn mạnh rằng đó là tên thật của mình lại là lúc tôi cảm thấy câu chuyện trở nên mờ ảo hơn. Nếu như tất cả các nhân vật trong thế giới của Haruki đều chấp nhận một cái tên lạ so với người Nhật, chúng ta sẽ không còn quá băn khoăn về tính chất của cái tên nữa, tên lạ ấy mặc nhiên sẽ trở thành một hiện thực được chấp nhận trong thế giới hư cấu của ông. Nhưng Haruki không chỉ dừng ở việc gán cho nhân vật một cái tên lạ, ông còn ném vào cái tên ấy giả thuyết đó có thể là tên không thật cùng với lời khẳng định đó chính là tên thật như bất cứ tên thật nào. Có lẽ ông không muốn người đọc dễ dàng chấp nhận tên lạ như một điều hiển nhiên, người ta phải tự vấn trong một khoảnh khắc và rồi sau đó lại nhận ra thật giả cũng không quan trọng vì trong thật có giả, trong giả có thật, hệt như cách các nhân vật của Haruki trao đổi thông tin cho nhau vậy: luôn có một điều gì đó không chắc chắn trong thái độ chắc chắn và một điều gì đó chắc chắn trong thái độ không chắc chắn.

Ở tập truyện ngắn này, một lần nữa người đọc lại có thể thấy hình bóng Haruki rõ ràng qua hai truyện ngắn: Yesterday, Cơ quan độc lập. Trong hai truyện ngắn này đều có chung một nhân vật là nhà văn Tanimura. Ngay từ cái tên, Tanimura cũng dễ khiến người đọc liên tưởng đến ông-Murakami do cùng có điểm tương đồng là ‘Mura’. Điều này cũng tương tự với lối chơi chữ mà ông từng xây dựng cho nhân vật nhà văn Makimura Hiraku (gần giống với Murakami Haruki) trong Nhảy Nhảy Nhảy. Trong cả hai truyện mà Tanimura xuất hiện, nhân vật này đều đóng vai trò là người kể chuyện ngôi thứ nhất nhưng dường như lại nằm bên lề câu chuyện (Cơ quan độc lập), hoặc chỉ là người đóng vai trò trung gian để làm nổi bật nhân vật khác (Yesterday). Điều này khiến tôi nhớ đến cách kể chuyện của Haruki trong Sputnik Sweetheart. Sputnik Sweetheart, nhân vật tôi cũng không phải là nhân vật chính và chỉ đơn thuần đóng vai trò kể chuyện lại. Lối kể chuyện này không phải là hiếm hay mới mẻ nhưng trong trường hợp của Haruki, tôi nhận thấy ông ít khi kể chuyện theo lối này. Ông thường kể theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba, có thể đơn tuyến hay đa tuyến. Việc chọn ngôi thứ nhất để kể lại câu chuyện của những nhân vật ở ngôi thứ ba khiến tôi tự hỏi liệu việc này có phải là biểu hiện cho sự tương tác nhiều hơn giữa ông và những người xung quanh không? Ông đã tìm được mối liên kết vững chắc hơn với họ và bây giờ ông cúi mình xuống, lắng nghe những câu chuyện của họ. Đó là điều mà tôi chỉ mới nhận thấy trong tập truyện ngắn Những người đàn ông không có đàn bà, là điều mà tôi nghĩ rằng đó là sự thay đổi nơi ông.

Cuộc đối thoại ấm áp trong thế giới còn nhiều điều phải học

131028_r24119-879

Ngoài ra, các truyện ngắn trong Những người đàn ông không có đàn bà còn có một điểm chung khiến tôi lưu ý: mật độ đối thoại. Ngoại trừ Kino, Những người đàn ông không có đàn bà có ít đối thoại, sáu truyện ngắn còn lại đều dành rất nhiều dung lượng cho đối thoại giữa các nhân vật với nhau (Yesterday, Drive my car, Cơ quan độc lập) hoặc đôi khi người đọc còn có thể nhận thấy chính mong muốn được đối thoại lại là thứ thúc đẩy câu chuyện diễn tiến (Scheherazade, Samsa đang yêu). Điều này không làm tôi thấy khó chịu, ngược lại tôi còn thấy vui. Trong nhiều tác phẩm trước đây của Haruki, các nhân vật cô đơn thường hay chọn sự im lặng; những khi đối thoại với nhau, họ ít nói ra điều mình hoang mang; những khi gặp biến cố lớn, phản ứng của họ thường là im lặng hoặc biến mất. Nhưng trong Những người đàn ông không có đàn bà, tôi nhận thấy các nhân vật của Haruki bây giờ dù vẫn cô đơn nhưng họ đã chịu cởi mở hơn với số ít những người gắn bó trong thế giới của họ. Cuộc đối thoại giữa Kafuku và Misaki, giữa Tokai và Tanimura, giữa Samsa và cô gái lưng gù là những cuộc đối thoại khiến tôi cảm thấy vui và ấm áp nhiều nhất trong tập truyện ngắn này. Bởi lẽ tôi nghĩ đó là những cuộc đối thoại không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp trong các tác phẩm của Haruki, đó là những cuộc đối thoại giữa hai con người tưởng chừng không có chút điểm nào chung nhưng thông qua việc trò chuyện cùng nhau, họ trở nên cởi mở với nhau hơn, chân tình với nhau hơn và dù ít, dù nhiều, họ nhận lại được sự đồng cảm nơi người kia. Những cuộc đối thoại như thế cho tôi cảm giác rằng Haruki ngày nay đã vững vàng hơn rất nhiều trong niềm tin dành cho con người, ông không còn dễ dàng để mọi thứ mong manh trôi qua trong sự hoài nghi và im lặng nữa. Samsa đã rất mạnh mẽ bày tỏ mong muốn được gặp lại cô gái lưng gù dù còn nhiều điều trong thế giới này anh chưa hiểu và cần phải học nhưng anh đã biết rõ điều mình mong muốn. Tôi tin rằng anh sẽ có thể gặp lại cô gái ấy. Và tôi tin rằng Haruki cũng đang tiến gần hơn đến những câu trả lời mà ông luôn tìm kiếm. Nhưng kể cả không tìm được, có lẽ bây giờ ở khía cạnh nào đó ngay cả chính những câu hỏi cũng khiến ông hạnh phúc với tâm thế như một người vẫn còn đang học hỏi về thế giới. Có lẽ giống như Samsa vậy. Có lẽ đó không còn là sự đau khổ và tạm chấp nhận giống Toru ngày xưa nữa. Tôi tin là như thế. Có lẽ.

Kodaki

KOMO chân thành cảm ơn bạn Kodaki đã đóng góp bài viết này. 

Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn. Nếu bài viết được duyệt đăng blog KOMO, bạn sẽ được tặng một ebook bất kì trên KOMO do bạn tự chọn. 

Lời BTV

Độc giả yêu thích Murakami Haruki có thể tìm đọc tác phẩm, fanfic, cảm nhận về những tác phẩm của ông qua các ebook có trên KOMO dưới đây:

ScheherazadeMurakami Haruki
Scheherazade

Cảm nhận phim Rừng Na Uy – Kodaki

RNU

Cảm nhận phim Tony TakitaniKodaki

 Tony Takitani

Ở Rừng Cây Có Rễ Màu TrắngKodaki

(fanfic Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương)

Kodaki

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang