Uncategorized

Thành phố và Lũ chó – Mario Vargas Llosa

LC-3Thành phố và Lũ chó kể về một đám nhóc bị tống vào Trường quân sự Leoncio Prado, Peru, có thể vì chúng hư hỏng, có thể vì ba mẹ chúng không vừa mắt chúng, hoặc họ muốn chúng trở nên cứng cáp, bản lĩnh, hoặc cũng có thể là để trốn chạy cuộc sống hiện tại,… Đủ mọi thứ lý do trên đời để bọn chúng vào học Trường này.

Bọn chúng, những đứa học sinh năm Năm, năm Tư đặt biệt danh cho tụi mới vào trường, lũ học sinh năm ba, là “Lũ chó con”. Những thằng “chó con” ấy, khi mới vào trường, đều trải qua một cuộc “khai tâm” còn khắc nghiệt hơn cả địa ngục do đám đàn anh bày ra. Từ đánh đập, bắt quỳ ngoài trời lạnh, bị ép uống nước tiểu,… chúng không chừa bất cứ trò chơi tồi tệ nào.

Nhưng cuối cùng cũng có ngoại lệ. Sau lần đầu tiên được “khai tâm”, một nhóm học sinh Năm Ba mới vào trường đã thành lập nên Nhóm Bạn, nhằm chống đối lại những trò tiêu khiển ấy của tụi đàn anh. Chúng không được gọi thẳng bằng tên, mà chỉ được gọi bằng những biệt danh lạ lùng: Báo Đen, Trăn, Xoăn, Người rừng Cava, Nhà Thơ,… Mọi hành động của chúng đều lọt khỏi tai mắt của cấp trên, chúng cùng nhau “khai tâm” ngược lại tụi đàn anh, cùng nhau chung sống trong môi trường bạo lực, lừa lọc, luồn lách nội quy và thỏa mãn những dục vọng của mình.

Sau đó, qua một sự việc khá nghiêm trọng, Nhóm Bạn bị cấp trên ép phải giải tán. Nhưng tuy không còn tồn tại một cách chính thức, những mối liên hệ giữa chúng vẫn còn đó. Chúng trò chuyện, đánh đập nhau, cười đùa, xúc phạm lẫn nhau, và tiếp tục cùng nhau phá luật, trốn trại, uống rượu, hút thuốc, đến nhà thổ,… Lúc này, câu chuyện dần đi sâu vào quá khứ và cuộc sống của Bốn đứa trong số đó. Qua cuộc sống khắc nghiệt, hành hạ lẫn nhau trong trường học Quân sự và Qua cuộc sống đời thường của chúng bên ngoài bức tường ấy, câu chuyện đã đem đến cho người đọc một cái nhìn khá trực quan về đời sống trong trường Quân sự của đất nước Peru xa xôi, cũng như những vấn đề mang tính nhân văn khác.

thanh-pho-va-lu-cho-jpg-1359455611_500x0Cái bạn trẻ thích ở tác giả, chính là ông kể chuyện rất rối rắm. Nếu chỉ đọc lướt qua, bạn sẽ không thể biết được mọi việc đang diễn tiến tới đâu. Thời gian, không gian trong truyện luôn được kể lại một cách không liền mạch, cứ cảnh này chuyển qua cảnh khác, người đọc cũng khó phân biệt được nhân vật nào đang được nhắc đến. Thay vì dùng ngôi thứ ba hay ngôi thứ nhất một cách đồng nhất xuyên suốt câu chuyện, tác giả lại dùng hai ngôi xen kẽ nhau, có khi là lời trần thuật, có khi lại là lời kể. Chẳng hạn như lần đầu người đọc biết đến quá khứ của Alberto, cậu vừa được tác giả “kể” lại, nhưng cũng đồng thời, những nhận xét, tư duy của cậu cũng được lồng ghép vào đó. Từ hiện tại, câu chuyện có thể nhảy sang quá khứ. Từ Nô Lệ, câu chuyện có thể nhảy sang Trăn hay nhảy sang cuộc sống của chúng trong trường Quân Sự. Tác giả đã xây dựng nên một Mê cung khiến người đọc rất dễ lạc lối nhưng lại hợp lý, có ra có vào rõ ràng. Cách viết của ông rối rắm, nhưng lại có thể hướng được người đọc theo mạch chính của câu chuyện.

Không đơn giản là những khắc nghiệt mà bọn nhóc phải trải qua trong trường Quân sự. Tác giả còn viết về những cảm xúc, những cách hành xử và tính cách của từng đứa. Dần dần, từ câu chuyện trước khi vào học Trường Quân sự, trong khi học tại Trường và sau chót là khi Ra khỏi trường, người đọc có thể nhận ra được những thay đổi từ Lũ chó con, sau đó thành Lũ chó năm thứ năm và cuối cùng, thành một con Người. Không chỉ có bạo lực, không chỉ có căm hận, choảng nhau, mà qua đó, câu chuyện còn thể hiện được cả tình bạn, tinh thần trách nhiệm, ý thức về bản thân, tình yêu tuổi mới lớn, những ảnh hưởng từ gia đình tới tính cách lũ trẻ,…

Chúng cãi nhau, chúng đánh đập lẫn nhau, chúng chửi mắng, sỉ nhục nhau, xúc phạm nhau, xâm hại nhau, nhưng chúng vẫn là bạn, một khi có thằng nào bị tổn thương, bọn chúng cũng chính là những kẻ đau đớn nhất. Như khi thằng Người rừng Cava bị tống cổ khỏi trường do bị chỉ điểm ăn cắp đề thi môn Hóa, bọn chúng đã đứng nghiêm túc như thế nào, uất ức nuốt nghẹn tức giận ra làm sao,… Hay như khi bọn chúng hè nhau làm thịt con gà mái trong Nhà vệ sinh giữa khuya hay xâm hại nhau trong quán rượu của lão Palano, tuy bọn chúng ăn nói với nhau như những đứa vô học, nhưng thông qua đó, bọn chúng vẫn thể hiện sự quan tâm lẫn niềm tin vào nhau.

Tình yêu của bọn chúng cũng không nhuốm màu u uất mà thay vào đó là những phút giây rất nhẹ nhàng nhưng cũng sôi nổi của tuổi mới lớn. Như cảnh một cậu học sinh tích góp từng đồng một, không tiêu vào Nhà thổ mà chỉ để mua tặng “em” một hộp phấn hay một món quà. Hay như lúc một học viên khao khát được ra ngoài để tỏ tình đến mức trở thành Kẻ chỉ điểm chỉ để được Hủy bỏ lệnh cấm trại. Hay như lúc cùng “em” đi xem phim, chợt nhận ra em chẳng đẹp, nhưng lại thu hút mình đến thế. Tình cảm thiếu niên trong truyện hãy còn ngây ngô, bỡ ngỡ, cũng nhiều ngại ngùng. Nhưng song song với đó, dù sao thì bọn chúng vẫn là Lũ chó, vẫn cần có nơi để xả dục vọng của mình, thế nên vẫn có Gái điếm, vẫn có Nhà thổ, vẫn có xâm hại lẫn nhau để thỏa mãn bản thân. Xen kẽ với tình yêu nhẹ nhàng tuổi mới lớn là những đoạn đầy lửa dục, thậm chí bọn chúng còn thiếu thốn tới mức phải mua truyện đồi trụy, khiêu dâm mà thằng Nhà Thơ sáng tác để đọc.

LC-1Nói một chút về tình yêu đối với Động vật. Bạn trẻ rất thích tình cảm giữa Trăn và con Chó cái của trường Quân sự. Giữa hai chúng nó tồn tại một liên kết vô hình, dù cho thằng Trăn nhiều khi bực lên cũng hành hạ Chó Cái chả khác nào nó là Đồ bỏ đi. Thậm chí Trăn đã suy nghĩ, nếu bị đuổi khỏi trường học, nó sẽ đánh cắp Chó cái về nhà nuôi. Thằng Trăn yêu Chó Cái hơn bất cứ ai khác, nó có thể xông vào bất cứ đứa bạn nào dám hành hạ con chó ấy. Dường như hai đứa nó là bạn tinh thần của nhau ấy.

Về tinh thần trách nhiệm, về ý thức, không gì bằng câu chuyện rối rắm giữa Alberto Nhà Thơ, Báo Đen và thằng Arana Nô Lệ. Có lẽ đây chính là đỉnh điểm của toàn chuyện, khi thằng Người rừng Cava bị đuổi học khiến Báo Đen tức điên lên, khi thằng Nô Lệ lúc diễn tập bị chết do súng bắn và khi thằng Nhà Thơ Alberto tố cáo Báo Đen là kẻ đã bắn chết Nô Lệ. Từ những sự việc này, bọn chúng dần hiểu về nhau hơn, dù điều đó dương như quá muộn màng. Đồng thời thông qua sự việc, người đọc còn nhận ra được bộ mặt lấp liếm của Bộ phận cấp trên trong Bộ máy quân sự. Những kẻ được xem là “nghiêm khắc nhất, xem trọng luật lệ nhất” thật ra cũng chỉ là những kẻ “ham quyền, ham chức”, chỉ nghiêm túc, sáng sủa về mặt giấy tờ. Tất cả những tố cáo, những vụ bê bối khi vỡ lỡ ra đều bị bưng bít một cách kín đáo. Cũng như hình bìa của quyển sách, nếu như về phía học viên, sẽ là những đứa trẻ Không được nói, không được thấy những bất công của bản thân, còn về phía Cấp trên, chính là Không muốn nói, không muốn thấy những bất công ấy.

Qua từng cách hành xử của từng đứa, nhiều lúc người đọc sẽ cảm thấy phẫn nộ, cảm thấy xót thương, cảm thấy đồng cảm, nhưng tất cả đều hợp với nhau đến kỳ lạ. Có lẽ bạn sẽ khó chịu với Nhà Thơ khi nó không dũng cảm khai ra sự thật, hay có lẽ bạn sẽ khó chịu với lũ học viên hùa nhau tố cáo Báo Đen là Kẻ chỉ điểm,… nhưng tất cả đều có nguyên do của nó.

Nói riêng một chút về Báo Đen. Nó là thằng nổi trội nhất, nhưng lại là đứa thông tin mù mờ nhất trong cả đám. Còn tại sao lại như vậy, khi đọc chắc chắn bạn sẽ nhận ra điều đó. Cái cảm giác Báo Đen đem lại mỗi lần xuất hiện chính là cảm giác đàn áp, đầy mạnh mẽ và cũng đầy bạo lưc, cảm giác khi gặp một tên du côn thực thụ. Nhưng người đọc lại luôn cảm nhận được rằng nó vốn là một thằng hiểu chuyện, đàng hoàng, tử tế hơn bất kỳ đứa nào. Bạn trẻ rất thích những lời Báo Đen nói lúc cuối truyện, khi thằng Nhà Thơ hỏi nó Tại sao không khai ra Nhà Thơ mới là kẻ chỉ điểm. Lúc ấy Báo Đen chỉ nói, đại loại như Chính lúc ấy tao mới hiểu được Nô Lệ hơn. Chính lúc ấy tao cũng hiểu được những điều tao làm cho bọn kia chả là gì với bọn nó, chính lúc ấy tao mới biết được con người thật của tụi nó. Việc Báo Đen làm, tuy đầy bạo hành, nhưng nó chính là muốn bảo vệ tụi cùng lớp. Chỉ có điều khi mọi việc vỡ lỡ, Báo Đen lại là người bị hắt hủi.

Còn về Nhà Thơ Alberto. Thú thật bạn trẻ cũng khá bực mình nó nhiều chuyện. Nhưng chẳng trách, bởi vì bản tính nó vốn là một thằng ích kỷ. Mà thú thật, thằng nào không ích kỷ thì thằng đó là Thánh. Alberto tố cáo Báo Đen giết Nô Lệ, bạn chẻ chẳng biết đó là vì nó thương cảm thằng Nô Lệ thật, xem Nô Lệ là bạn thật hay đó chỉ là nó ngộ nhận trong khi bản thân chỉ không muốn cảm thấy tội lỗi với thằng Nô Lệ. Từ đầu chí cuối, Alberto mãi là một thằng hèn, nó cố chạy trốn mọi thứ, cố đổ lỗi cho người khác, thậm chí những hành động nó làm ra vẻ “vì người khác” thực chất cũng là vì giải tỏa cho chính nó.

Tuy nhiên, bạn trẻ không trách được Alberto. Bởi vì nó cũng chả khác gì bạn trẻ, nó chả khác gì đa phần người đọc. Thật ra có mấy ai đạt đến cái ngưỡng có thể thẳng thắn đối mặt với mọi lỗi lầm mình gây ra? Bạn là người ngoài cuộc, đọc đến đó khiến bạn cảm thấy bất công, tức giận nhưng nếu đặt trường hợp là bản thân bạn, bạn có dám đứng trước toàn thể học viên, đứa nào đứa nấy sẵn sàng tung cho bạn một cú đấm, mà tuyên bố rằng “Tao mới là kẻ chỉ điểm!” không? Có thằng khác nhận tội cho, còn gì tốt hơn thế? Chẳng phải làm “con rùa rút đầu” cũng vẫn có thể sống tốt sao, thậm chí cuối năm còn được tuyên dương vì đã quá gương mẫu suốt cả năm?

Hãy xem Tướng Gamboa, quyết điều tra mọi chuyện, quyết lôi mọi thứ ra ánh sáng, nhưng lại bị bản báo cáo đầy chân thật ấy đẩy ra ngoài biển cát xa xôi, khi vợ ông vừa mới sinh hạ đứa con.

Quan trọng là bạn có Dũng khí để đối mặt hay không? Bạn căm ghét Alberto, thế thì chẳng phải bạn cũng đang căm ghét chính bản thân mình à?

Tuy chỉ là tác phẩm hư cấu, nhưng Thành phố và Lũ chó gần như đã đem đến cuộc sống của những đứa trẻ tại Trường Quân sự đến người đọc một cách rõ nét nhất. Thông qua đó, nó còn đề cập đến những vấn đề về cách đối xử giữa người với người, những ý nghĩa về tình bạn, về tình yêu và cũng như về gia đình, tình đồng đội. Mặc dù vậy, đây không phải là quyển sách dễ đọc, vì nó khá nặng nề, cũng như cách viết quá rối rắm và đầy bạo lưc, dục tính.

Darklion0810

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang