Uncategorized

Cuộc cách mạng một cọng rơm và Những thiếu thời lơ lửng đạt giải Sách hay 2016

Cuộc cách mạng một cọng rơmNhững thiếu thời lơ lửng là hai tác phẩm đạt giải tại hạng mục Phát Hiện Mới của Giải thưởng Sách Hay 2016, do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) và Quỹ Phan Châu Trinh công bố vào ngày 18/9/2016 vừa qua tại TPHCM, với sự tham gia của đông đảo giới thức giả, chuyên gia, các độc giả trẻ yêu sách trên khắp cả nước.

banner_blog_sach-dat-giai-2016

Giải Sách hay là giải thưởng thường niên của dự án Sách hay do Viện IRED và Quỹ Phan Châu Trinh tổ chức, nhằm “lựa chọn, quảng bá và lan tỏa tri thức những quyển sách hay, đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ trong xã hội”. Qua đó, Ban tổ chức đóng vai trò như một “màng lọc tri thức” giúp công chúng có thêm kênh để tiếp cận với những tri thức và những chuẩn giá trị tiến bộ của Việt Nam và thế giới. Theo đó, Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm (miễn phí tại KOMO) và Những Thiếu Thời Lơ Lửng của tác giả Hạnh Nguyên (20.000đ/ebook tại KOMO) đã vinh dự có tên trong danh sách đạt giải này tại hạng mục “Phát hiện mới”.

banner_cong rom_moi

Cuộc cách mạng một cọng rơm – Dịch phẩm vừa đạt giải “Người trẻ chọn sách cho người”, vừa đạt giải “Phát hiện mới”

Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.

Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.

Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.

Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.

Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.

Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.

Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.

Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.

Những thiếu thời lơ lửng

Tác phẩm: Những thiếu thời lơ lửng, Tác giả: Hạnh Nguyên, Quảng Văn Books và NXB Văn học. Giải “Phát hiện mới”

Sách gồm 11 truyện ngắn và ba mẩu ghi chép nhỏ mà tác giả Hạnh Nguyên gọi bằng cái tên bất kỳ: phiếm truyện, tản mạn. Những thiếu thời lơ lửng – đúng như cái tên của nó – là một thế giới của những con người trẻ tuổi. Nhưng thế giới của họ dường như không nằm ở mặt đất, không ở đâu đó ngoài xã hội xô bồ, đó dường như là một không gian trong suốt và vô hình, vừa đan cài, vừa len lỏi trong những khoảng trống vắng của linh hồn thành phố đồ sộ, nơi có “xa lộ cô đơn”.

Được biết, Ban tổ chức bình chọn Giải thưởng Sách hay 2016 đã làm việc nghiêm túc trong hơn 5 tháng, với 6 hạng mục được đưa ra gồm: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học và Thiếu nhi; giải Phát hiện mới. Bên cạnh đó còn có thêm hạng mục Người trẻ chọn sách cho người trẻ do Ban Cộng Đồng gồm các đại diện đến từ các cộng đồng sách Kafka, Bookaholic, Trạm Đọc-Readstation, BooknestSách Hay bình chọn. Trong đó, dịch phẩm Cuộc cách mạng một cọng rơm nằm trong danh sách 6 cuốn sách khuyến đọc đến giới trẻ được Ban cộng đồng bình chọn cùng với tác phẩm Tôi tự học và 4 dịch phẩm: Walden – một mình sống trong rừng, Bắt trẻ đồng xanh, Khuyến học, Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì.

Theo thông tin từ ban tổ chức, hai đơn vị xuất bản có sách đoạt nhiều giải nhất là NXB Tri Thức và NXB Trẻ.

Kết quả giải sách hay 2016:

* Sách Nghiên cứu

– Tác phẩm: Văn minh vật chất của người Việt, Tác giả: Phan Cẩm Thượng, NXB Tri Thức.

– Dịch phẩm: Hiện tượng con người, Tác giả: Pierre Teilhard de Chardin, Dịch giả: Đặng Xuân Thảo, NXB Tri thức.

* Sách Giáo dục

– Tác phẩm: Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn, Tác giả: Nguyễn Văn Trọng, DT Books và NXB Tri Thức.

– Dịch phẩm: Sự ra đời trí khôn ở trẻ em, Tác giả: Jean Piaget, Dịch giả: Hoàng Hưng, NXB Tri Thức.

* Sách Kinh tế

– Tác phẩm: Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam, Tác giả: Trần Văn Thọ, NXB Tri Thức.

– Dịch phẩm: Hiểu nghèo thoát nghèo – Cách mạng tư duy để thoát nghèo trên thế giới, Tác giả: Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo, Dịch giả: Nguyễn Lê Bảo Ngọc, NXB Trẻ.

* Sách Quản trị

– Tác phẩm: Một đời thương thuyết; Tác giả: Phan Văn Trường; ĐVXB: NXB Trẻ

– Dịch phẩm: Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, Tác giả: Inamori Kazuo, Dịch giả: Nguyễn Đỗ An Nhiên, NXB Trẻ.

* Sách Thiếu nhi

– Tác phẩm: Bộ sách: Đồ thông minh ngốc xít, Cổ tích mới, Cô gái lơ lửng; Tác giả: Nguyên Hương, NXB Trẻ.

– Dịch phẩm: Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp, Tác giả: Luis Sepulveda, Dịch giả: Bảo Chân, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn.

* Sách Văn học

– Tác phẩm: Cõi người rung chuông tận thế, Tác giả: Hồ Anh Thái, NXB Trẻ.

– Dịch phẩm: Lâu đài, Tác giả: Franz Kafka, Dịch giả: Trương Đăng Dung, NXB Văn Học.

* Sách “Phát hiện mới”

– Tác phẩm: Những thiếu thời lơ lửng, Tác giả: Hạnh Nguyên, Quảng Văn Books và NXB Văn học.

– Dịch phẩm: Cuộc cách mạng một cọng rơm, Tác giả: Masanobu Fukuoka, Dịch giả: XanhShop, Phoenix Books và NXB Tổng hợp TPHCM.

– Dịch phẩm: Bí ẩn nữ tính; Tác giả: Betty Friedan, Dịch giả: Nguyễn Vân Hà, ĐH Hoa Sen và NXB Hồng Đức.

* Người trẻ chọn sách cho người trẻ

– Tác phẩm: Tôi tự học, Tác giả: Thu Giang – Nguyễn Duy Cần, NXB Trẻ.

– Dịch phẩm: Walden – một mình sống trong rừng, Tác giả: Henry David Thoreau, Dịch giả: Hiếu Tân, NXB Tri Thức.

– Dịch phẩm: Bắt trẻ đồng xanh, Tác giả: Jerome David Salinger, Dịch giả: Phùng Khánh, Nhã Nam và NXB Văn học.

– Dịch phẩm: Cuộc cách mạng một cọng rơm, Tác giả: Masanobu Fukuoka, Dịch giả: XanhShop, Phoenix Books và NXB Tổng hợp TPHCM.

– Dịch phẩm: Khuyến học, Tác giả: Fukuzawa Yukichi, Dịch giả: Phạm Hữu Lợi, Nhã Nam và NXB Thế Giới.

– Dịch phẩm: Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì, Tác giả: Samuel Smiles, Dịch giả: Phạm Viêm Phương và Thư Trung; Ban Tu Thư Đại học Hoa Sen, Phương Nam và NXB Hồng Đức.

Tổng hợp

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang