Uncategorized

Khi độc giả trở thành dịch giả

gatag-00013172

Khoảng 6 năm trở lại đây, dòng sách văn học lãng mạn mới của Trung Quốc xuất hiện nhiều trên kệ sách dành cho giới trẻ Việt Nam, mang tên văn học ngôn tình và đam mỹ. Hàng loạt đầu sách viết về tình yêu cùng những diễn biến tâm lý phức tạp khi đối mặt với tình yêu và cuộc sống hiện đại của thanh thiếu niên được xuất bản rầm rộ. Ít ai biết rằng nguồn gốc dẫn đến cơn sốt xuất bản này đến từ văn học mạng – nơi hàng nghìn bạn trẻ tự edit (tạm dịch là biên tập) tác phẩm nguyên bản tiếng Trung sang tiếng Việt dù không biết một chữ tiếng Trung nào, với mong muốn chia sẻ niềm đam mê đọc sách của mình đến với mọi người.

Thiếu sách đọc, độc giả tự làm dịch giả

Ngôn tình là sách viết về tình yêu giữa nam và nữ, đam mỹ viết về tình yêu giữa nam và nam. Một editor (người biên tập) biệt danh Nguyệt Cầm cho biết, “Ban đầu mình cũng chỉ là độc giả thôi, mình tìm đọc các tác phẩm ngôn tình và đam mỹ có sẵn trên mạng, cảm thấy rất thích thú và phù hợp với cảm xúc của bản thân. Sau đó mình tìm hiểu và phát hiện ra có nhiều bộ truyện hay mà chưa có ai edit sang tiếng Việt nên mình rất muốn làm. Mục đích chỉ là muốn chia sẻ câu chuyện hay ấy đến với nhiều người”. Từ đó, bạn bắt đầu các bước tìm hiểu trở thành một editor. Công việc edit một tác phẩm ngôn tình, đam mỹ Trung Quốc sang tiếng Việt là một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, vì hầu như các editor đều không biết tiếng Trung. Cũng vì lí do này mà các bạn tự gọi mình là người biên tập chứ không phải dịch giả.

Một editor trước hết phải tìm được bản thảo gốc bằng tiếng Trung của cuốn truyện mình muốn biên tập. Sau đó phải cài phần mềm Quick Translator – một phần mềm dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt vào máy, và thả bản thảo gốc vào phần mềm này để cho ra một văn bản tiếng Việt. Tuy nhiên văn bản dịch thô này có câu cú, ngữ pháp và ngôn từ rất lộn xộn. Lúc này người biên tập mới thực sự làm việc của mình là sắp xếp lại câu chữ của tác phẩm sao cho đúng nhất, thuần Việt nhất và chứa đựng rõ nét nhất văn phong của tác giả. Có một số trang web chứa nguồn bản thảo đã được Quick Translator dịch sẵn như tangthuvien.net, vnsharing.net v.v…, editor chỉ việc vào đây lấy truyện về biên tập. “Trung bình khoảng vài ngày biên tập sẽ hoàn thành một chương truyện, còn tùy vào chương truyện ngắn hay dài và người biên tập chăm chỉ hay không nữa kia”, một editor khác tên Hạnh Như cho biết. Khi được hỏi động lực nào giúp các bạn chăm chú biên tập phi lợi nhuận như vậy, cả hai bạn đều cho biết hoàn toàn vì tình cảm yêu mến đơn thuần dành cho văn học mạng. Ngoài ra, yếu tố thiếu nhạy cảm của các nhà xuất bản khi không bắt kịp dòng chảy của văn học các nước cũng là một lí do khiến các bạn trẻ “tự mình dịch lấy” sách hay để đọc. Đây hoàn toàn là việc dấn thân vào một thế giới “văn học edit” mới vì dù không biết một chữ tiếng Trung nào, độc giả cũng có thể trở thành dịch giả.

Văn học edit phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn editor đã đánh động cho các nhà xuất bản Việt Nam, và đó là lí do khiến hàng trăm đầu sách ngôn tình, đam mỹ xuất hiện ồ ạt trên kệ sách như Anh có thích nước Mỹ không?, Hẹn đẹp như mơ, Này những phong hoa tuyết nguyệt v.v… Đây là nguồn tìm kiếm sách hay mà các nhà xuất bản ngôn tình, đam mỹ thường “tham khảo và thử phản ứng của độc giả trước khi quyết định mua bản quyền về dịch lại, xuất bản ra thị trường”, đại diện Công ty cổ phần sách Bách Việt cho biết. Nói cách khác, văn học mạng đã dẫn đường cho ngôn tình, đam mỹ bước vào xuất bản nước ta.

Văn học mạng: thực sự có giá trị hay chỉ là trào lưu?

Các editor và các độc giả đều tự nhận định rằng ngôn tình và đam mỹ chỉ mang tính chất giải trí. Chúng là những câu chuyện nhẹ nhàng với văn phong giản dị, đôi khi hơi mơ mộng nhưng cũng chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về cuộc đời, lại dễ khiến người đọc đồng cảm và giúp họ phần nào giải tỏa được cảm xúc của bản thân. Vì giá trị đó, một lợi ích không thể chối cãi của phong trào này là thúc đẩy lòng ham mê đọc sách trong giới trẻ và giúp nền văn học mạng phát triển. Nền văn học nước ta nhìn chung buồn tẻ vì người trẻ không hề đọc sách, thay vào đó họ đi cafe, xem phim, lướt web mua sắm… Việc những câu chuyện hay, giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người đến với nhiều độc giả sẽ khơi gợi ở họ hứng thú với sách và năng động hơn là biên tập sách. Không chỉ vậy, nó còn giúp cho không ít người trẻ bắt đầu mày mò việc tự sáng tác truyện. Lê Thị Phượng Nhung, admin một diễn đàn có hoạt động tự sáng tác truyện sôi nổi cho biết: “Mình bắt đầu có hứng thú viết truyện từ sau khi đọc ngôn tình. Sau những lúc làm việc mệt mỏi, đối mặt với xã hội hiện thực thì ngôn tình nhẹ nhàng giúp mình thư thả hơn nhiều, có thêm niềm tin rằng vẫn còn có người tốt đang chờ đợi mình phía trước”. Cô cho biết việc yêu thích tiểu thuyết ngôn tình, đam mỹ… đã giúp mình có kiên nhẫn hơn trong việc sáng tác truyện dài: cứ mỗi ngày sau giờ làm, cô đều viết và mất khoảng một tuần cho một chương truyện chừng 10 trang A4. Đến nay, Nhung đã hoàn thành hơn 20 chương truyện. Quỳnh Vy, sinh viên năm cuối trường Đại học Mở – một tác giả được nhiều bạn trẻ yêu thích lại cho rằng điểm hấp dẫn ở thể loại tiểu thuyết này là lời thoại và những đoạn đặc tả nội tâm dễ khiến người đọc đồng cảm với thực tế và dễ đi vào lòng người”. Tuy nhiên, cô cũng tự nhận ra những ảnh hưởng không tích cực khi đọc quá nhiều ngôn tình: “Ảnh hưởng đầu tiên là thế giới và tình yêu trong phần nhiều truyện đều quá đẹp, khi đọc xong hầu như ai cũng có cảm giác lâng lâng mơ mộng, với tầm lớn như mình thì đủ lý trí để kiểm soát nhưng một số các em nhỏ hơn dễ ảnh hưởng đến thế giới quan, có những ảo tưởng không thật về cuộc sống, hạn chế sự phấn đấu của cá nhân.”

Tình yêu đối với ngôn tình, đam mỹ và các hoạt động sôi nổi của các nhóm, hội, diễn đàn này phần nào giúp các bạn trẻ đam mê sáng tác hơn, đồng nghĩa với việc giúp cho văn học mạng Việt Nam có thêm yếu tố phát triển. Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibooks cho biết, “Việc các bạn trẻ tự edit truyện cho thấy nhu cầu đọc rất lớn đối với dòng văn học này, trong khi các nguồn xuất bản trong nước không đáp ứng kịp điều đó. Việc tự edit truyện và phát tán trên mạng cho thấy mặt tích cực là giúp độc giả nhanh chóng tiếp cận được tác phẩm hay đồng thời kích thích được hứng thú đọc sách đối với một dòng văn học nhất định. Mặt tiêu cực của việc làm này là chúng ta không thẩm định được chất lượng dịch của tác phẩm khi đến tay bạn đọc.”

Bên cạnh đó, nhiều nhóm edit vướng phải vấn đề rắc rối về tác quyền khi những tác phẩm họ edit được nhà xuất bản mua bản quyền từ chính tác giả để dịch lại và xuất bản. Tiểu Châu, thành viên sáng lập một hội rất nổi tiếng trong cộng đồng giới trẻ tự edit truyện trên mạng cho rằng khi những nhà xuất bản đã mua bản quyền, các nhóm dịch cần phải tự giác xóa đi và ngừng phát tán bản dịch của mình trên mạng, hoặc chỉ lưu lại 20-30% nội dung để kích thích người đọc mua sách ủng hộ tác giả, ủng hộ vấn đề bản quyền.

Trang Trần – Diễm Hương

Văn học đam mỹ, văn học ngôn tình là hai thể loại nằm trong dòng chảy văn học lãng mạn đương đại Trung Quốc. Cả hai đều có nguồn gốc phát triển là văn học mạng. Ngôn tình là những chuyện kể  viết về tình yêu giữa nam và nữ, đam mỹ viết vể tình yêu giữa nam và nam. Bối cảnh và nhân vật trong hai thể loại này vô cùng đa dạng, ngoài hai bối cảnh chính là cổ đại và hiện đại còn có xuyên không (người hiện đại lạc về thời cổ đại và ngược lại), võng du (những câu chuyện phát sinh từ các trò chơi trên mạng), huyền huyễn (viết về thần tiên)… Đa số ngôn tình và đam mỹ là do các tác giả trẻ sáng tác, do đó thấm nhuần tư tưởng và tình cảm cùa thanh niên hiện đại Trung Quốc cũng như được thanh thiếu niên các nước cùng khu vực yêu mến.

Lời BTV 

Bạn đọc yêu thích thể loại ngôn tình có thể tìm đọc những ebook ngôn tình có bản quyền của các nhà xuất bản Việt Nam được phát hành tại KOMO ở đường link sau: http://komo.vn/ebook-ngon-tinh-c65.html

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang