Uncategorized

Tim Park – Kể hay không kể

Kể Hay Không Kể
Tim Park
Nguyễn Thị Hải Hà dịch

TimPark

Italo Svevo, tranh của Tullio Pericoli

Chồng bà ấy buồn lắm khi bà ấy xuất bản quyển truyện…

Bố tác giả tỏ ý ghê tởm những điều tác giả viết…

Vợ ông ta nổi cơn lôi đình…” vân vân.

Loại tin tức này có bao giờ quan trọng hơn chuyện ngồi lê đôi mách? Chúng ta có thể học hỏi gì về văn chương bằng cách suy nghĩ về phúc đáp từ gia đình và người thân của tác giả? Điều người bạn đời của Christina Stead nghĩ về quyển Letty Fox, Her Luck, lấy thí dụ, người viết đã miêu tả cô con gái của ông với người vợ trước, là một người đàn bà lợi dụng cơ hội để thỏa mãn tính lang chạ. Hay là phản ứng của Emma Hardy khi bà nhìn thấy những vấn đề liên quan đến tình dục của bà được bàn tán công khai trên tờ báo Jude the Obscure. Hoặc là sự hỗ thẹn của cha mẹ của nhà văn Faulkner khi ông xuất bản quyển Soldiers’ Pay.

Những nhà phê bình “nghiêm túc” ít khi mạo hiểm vào lãnh vực này. Vì đây là những điều hạ tiện so với phẩm cách của họ. Đối với giới học giả: chỉ nên chú trọng nội dung quyển sách, và đừng để tiểu sử tác giả chi phối cách đọc. Thế nhưng, độc giả bình thường và một số nhà điểm sách cảm thấy khó tránh được sự suy nghĩ về cơn sóng ngầm trong cuộc đời của tác giả và nó liên hệ với tác phẩm như thế nào. Người kể chuyện trong quyển Deception của Philip Roth, người này cũng có tên là Philip Roth, nói với vợ ông ta: “Khi tôi viết tiểu thuyết người ta bảo là tự truyện, còn khi tôi viết tự truyện người ta bảo là tiểu thuyết, và bởi vì tôi khù khờ còn người ta quá thông thái, hãy để họ tự quyết định cái nào là tiểu thuyết cái nào là tự truyện.” Đối với Roth,còn một số điều cấm kỵ cần được phá hủy vào tuổi này và bất cứ người bạn đời nào của ông cũng có thể hiểu là đã được cảnh báo trước. Với những nhà văn khác thì có thể gặp nhiều khó khăn hơn.

Tôi không thể nào viết được một quyển sách như thế,” một người bạn cũng là nhà văn đã nói với tôi về quyển truyện đầu tay của tôi, “bởi vì tôi sợ những điều mẹ tôi sẽ nói.” “Những người ở gần nhất và thân thiết nhất của nhà văn Parks ơi,” nhà văn Patrick Gale viết, khi điểm sách một quyển sách khác của tôi, “phải đợi từng quyển sách của Tim được xuất bản với sự rúng động càng lúc càng tăng.” Đối với Gale, một phần kinh nghiệm trong việc đọc truyện là suy nghĩ về căn nguyên và hậu quả của quyển truyện. Câu truyện trên trang giấy ám chỉ về cuộc đời nằm bên ngoài tác phẩm.

Câu hỏi được đặt ra: Có thể nào quyển truyện ảnh hưởng đến những liên quan mật thiết với tác giả được tác giả viết ra mà không quan tâm đến hậu quả của nó? Liệu một quyển truyện như thế sẽ được “sửa chữa thay đổi” để tránh né những hậu quả tai hại nhất? Hay chính sự nhận thức về những phản ứng có thể xảy ra là một phần năng lượng nuôi dưỡng quyển sách? Quyển Coscienza di Zeno của Italo Svevo bắt đầu bằng mẩu chuyện khôi hài về việc nhân vật Zeno cố gắng cai thuốc lá, luôn luôn bị ngăn cản bởi anh ta quyết định tự đãi mình l’ultima sigaretta, điếu thuốc cuối cùng, thường là một trong những điếu thuốc ngon nhất. Bạn bè của Svevo nhận biết chi tiết này hoàn toàn có thật. Quyển sách tiếp tục với câu chuyện Zeno ve vãn cả ba chị em; cuối cùng sau khi bị hai người xinh nhất khước từ, Zeno kết hôn với người nhan sắc tầm thường. Một lần nữa, vợ của Svevo biết những chi tiết này từ chính cuộc đời của ông. Và bây giờ chúng ta có một truyện về sự ngoại tình, những diễn biến của sự ngoại tình này được kể lại một cách chăm chút và rất dí dỏm, với những chi tiết diễn biến của tâm lý rất thuyết phục. Cuối cùng, chúng ta đọc tiếp đến những chương sách về sự nghiệp thương mại của Zeno, cũng tương tự như cách Svevo đã điều hành công ty sơn của chính ông. Tuy nhiên, vợ tác giả luôn luôn nói vô cùng điềm đạm, bà chắc chắn chồng bà chưa bao giờ phản bội bà, và niềm tin này không rung chuyển ngay cả khi bà được kể lại những lời cuối cùng của ông, khi được kéo ra khỏi xe trong một tai nạn, “Hãy cho tôi l’ultima sigaretta.”

Thế thì, có phải đoạn khởi đầu về cuộc ngoại tình trong quyển truyện là một thử thách dành cho bà? Bà phải tin rằng chuyện này chỉ là bịa đặt. Hay có một sự đồng ý giữa ông bà, công khai hay ngầm, bất cứ điều gì họ biết họ sẽ giữ trong lòng, bất cứ sự thật nào liên quan đến vấn đề này sẽ được chối bỏ mãi mãi? Svevo phải giới thiệu người tình vì câu truyện đòi hỏi phải như thế? Nếu đúng như vậy, liệu ông có lo ngại bà vợ sẽ không đồng quan điểm với ông, và liệu điều này sẽ có thể ảnh hưởng đến cách ông viết những chương này?

Điều tôi muốn nói là trong cái cội nguồn của một quyển truyện, hay bất cứ một tác phẩm văn học nào, thường có những sự ngún ngấu riêng tư mà độc giả bình thường không nhận biết và sự ngún ngấu riêng tư này cũng đóng góp vào những quyết định trong công việc sáng tác. Nếu, lúc ấy, độc giả nhận biết sự ngún ngấu này, sự nhận biết này sẽ thay đổi sự suy nghĩ của người đọc đối với quyển sách. Nhiều năm trước, khi đọc quyển tiểu sử dày cộm của Dostoevsky do Joseph Frank biên soạn, so sánh ngày tháng và các chi tiết trong phần ghi chú, tôi kinh ngạc nhận ra rằng, lúc tác giả viết quyển Notes from the Underground, trong đó có đoạn người kể chuyện quá vụng về, đã làm cô điếm trẻ sợ hãi vô cùng, bởi vì hắn tiên đoán cô sẽ chết vì bệnh lao phổi ngay trong nhà thổ, thì người vợ trước của tác giả cũng đang lịm chết vì bệnh lao phổi ở phòng bên cạnh. Khi ông tưởng tượng ra một nhân vật nói với cô gái điếm là cô sẽ phải tiếp tục nhận lãnh những cái ve vuốt vụng về của thân chủ khi cô ho ra từng búng máu, ông cũng nghe vợ của ông đang ho từng búng máu ở bên kia tường. Cái “chuyện” giống tự truyện này – với những trường hợp Dostoevsky dựa vào để viết thành tác phẩm của ông – đã thay đổi và làm tăng phần thú vị của quyển truyện trong tôi, nếu chỉ vì căn bệnh của người vợ và cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc với bà (ông trở về sau một cuộc cờ bạc xả láng và một cuộc ngoại tình) rất có thể cái tư tưởng xấu xa nặng nề này xuất hiện trên những trang chữ của ông.

Liệu chúng ta có thể đặt giả dụ là trong khi sáng tác một quyển truyện, tác giả dùng nhiều cách biểu lộ, từ những lời trao đổi trực tiếp với những người thân cận nhất của tác giả, có thể xem là đặc biệt dành riêng cho chàng hay nàng, cho đến những lời trao đổi với mọi người? Vì thế vài khía cạnh nhất định của quyển truyện chỉ là, hay cũng là, những chuyện nghe lóm, và vì thế trở nên hấp dẫn hơn là dễ hiểu? Có phải điều này đã tạo nên sự bí ẩn trong tự truyện của nhà văn, sự tràn trề cảm xúc vượt qua giới hạn nội dung được thể hiện trong tác phẩm?

Thế thì, ai là “mọi người” mà tác giả đang nói đến? Chắc chắn không phải độc giả trong quá khứ, những người đã chết và không thể đọc tác phẩm của ông ta. Cũng không phải những người ở những nơi có nền văn hóa xa lạ, hoặc những người trong tương lai xa vời, ý kiến và thái độ của họ tác giả không biết và cũng không dễ dàng có điểm tương đồng. “Mọi người” ở đây có nghĩa là những người tác giả nghĩ là sẽ đọc quyển sách. “Tôi mới vừa kiểm soát lại lần cuối quyển Lady C [Lady Chatterly’s Lover],D. H. Lawrence viết năm 1928. “Tôi hy vọng nó sẽ làm cho bọn họ hú lên – và hãy để họ làm những điều tầm thường nhỏ mọn nhất của họ, sau đó.” Trong trường hợp này “họ” là đại diện giới quyền hành của Anh quốc. Họ là những người Lawrence đã nhắc đến, không phải chúng ta (người đọc), không phải công chúng Đức hay Ý, không phải một học sinh của thế kỷ hai mươi mốt ở Seoul đang viết một luận án Tiến sĩ về Lawrence. (Có rất nhiều, nhiều quá mức bình thường,luận án Tiến sĩ về Lawrence xuất phát từ Nam Hàn.) Tuy nhiên, chúng ta chỉ nghe lóm cuộc tranh luận của Lawrence với những người Anh đương thời với ông; Hiểu thêm thêm về họ và ông sẽ giúp chúng ta hiểu biết hơn và cảm nhận sâu sắc hơn khi đọc truyện của ông.

“Những phê bình gia nghiêm túc” của chúng ta không có vấn đề với điều này; họ công nhận hoàn cảnh chung quanh tác phẩm có thể giúp ích cho chúng ta khi đọc tác phẩm trong quá khứ, hoặc của quốc gia khác. Nhưng phải chăng điều này tuyệt đối đồng nghĩa với việc một quyển sách ảnh hưởng đến những mối quan hệ tình cảm thân thiết của tác giả? Chắc chắn điều này quan trọng với tác giả hơn là với công chúng. Nói cho cùng Lawrence thường xuyên và công khai đặt những người quen biết vào tác phẩm của ông và sau đó thích thú xem mọi người nổi giận. Joyce cũng thế.

Eugenio Montale, một thi sĩ đang kết hôn nhưng vẫn có những cuộc ngoại tình lâu dài với nhiều người đàn bà khác, tỏ ý hối tiếc về sự chìm vào lãng quên một thể luật thơ sonnet thịnh hành vàohơn 500 năm trước; theo ý của ông, luật làm thơ này đã sáng tạo ra loại thơ mọi người có thể góp chung vào những câu thơ mà không ai thắc mắc về tiểu sử của thi sĩ; điều làm Montale chú ý đến loại thơ stilnovisti vào thế kỷ thứ mười ba – thơ của những thi sĩ miền Tuscan trước thời thi sĩ Dante – là, thơ của họ là thơ tập thể, vì thế bất cứ những lời ong tiếng ve gì về những chi tiết trong tiểu sử của từng cá nhân đều trở nên vô nghĩa. Rõ ràng, điều Montale tìm kiếm là sự tự do sáng tác, qua những bài thơ ông đã viết cho nhiều phụ nữ, chọn lựa giữa hư cấu hay kể sự thật, mà không bận tâm bị người khác chất vấn. Cùng lúc ấy, chúng ta phải ngầm hiểuphần lớn những nguyên tắc được dùng trong nghệ thuật sáng tạo đều tùy thuộc vào sự mong ước tìm thấy một cách biểu lộ công khai về những điều cần phải giữ kín trong cuộc đời riêng, như trường hợp một nhà văn có vợ khi viết về người tình có thể tuyên bố là đã làm chuyện này chuyện kia, có thể những chuyện ấy thật sự xảy ra, bởi vì cách viết này đã tạo nên một luật viết rất tốt đẹp mà người viết muốn tham gia, không phải bởi vì họ có tình nhân, và cũng không phải vì họ muốn tưởng tượng rằng họ có một người tình nhưng thật ra họ chẳng có ai, một điều mà một số người hôn phối của nhà văn hay nhà thơ có thể không hài lòng.

Rõ ràng, tự truyện cố gắng thỏa mãn hai nhu cầu mâu thuẫn với nhau: kể ra hay không kể. Nhà nghiên cứu nhân loại học Gregory Bateson, đã viết rất nhiều về công dụng của nghệ thuật được xem như là một phương pháp chấn chỉnh xã hội, đã gợi ý rằng bất cứ mối quan hệ thân mật lâu dài nào cũng tùy thuộc vào sự kính trọng lẫn nhau của hai người và thái độ của hai người đối với những điều cấm kỵ; đó chính là sự im lặng thỏa thuận về những điều cốt lõi khiến cho mối quan hệ được tốt đẹp như mối quan hệ hiện có, một hiện tượng mãn tính hay nói một cách lạc quan hơn, đó là một tình cảm vững bền. Nếu đúng như quan niệm của Bateson, câu hỏi hấp dẫn về những tác phẩm văn học có thể tạo nên sự thù nghịch từ những người thân yêu của tác giả là: Có phải cái sức hấp dẫn và thúc giục của truyện thật sự tùy thuộc vào việc tác giả đã vi phạm, hay chưa hẵn đã vi phạm, những điều cấm kỵ? Hoặc là, có phải tác giả tìm thấy trong tiểu thuyết một phương pháp thầm lén nhét vào một thông điệp qua điều cấm kỵ, nhưng một cách chính thức không hề vi phạm điều cấm kỵ? Cuối cùng, người ta có thể nhìn thấy phần lớnvăn chương chỉ là sản phẩm hạnh phúc từ về vấn đề kinh niên là không biết cách giao tiếp với nhau.

Nguyễn Thị Hải Hà dịch (Blog Chuyện bâng quơ)

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang