Uncategorized

Truyện Kim Dung (Phần 2): Bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

(Tiếp theo phần 1)

Như đã nói ở bài trước, “Câu hỏi lớn đặt ra ở đây là: Tại sao “mồ côi cha” lại là một trong những chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm Kim Dung?”. Ta có thể trả lời câu hỏi này bằng hai bước sau:

Bước một: làm mất một chỗ dựa trong bildungsroman

Dài dòng một chút, nhưng đã viết về Kim Dung thì phải hiểu Kim Dung có gì khác thường.

Nói đến tác gia võ hiệp thì Kim Dung dứt khoát chiếm vị trí đầu bảng, về danh vọng và được ưa chuộng thì ông hơn hẳn những tay viết cùng thời như Cổ Long, Lương Vũ Sinh,… Trước Kim Dung và sau Kim Dung đều có truyện chưởng, nhưng chỉ Kim Dung mới đưa tiểu thuyết võ hiệp lên một tầm cao mới, nếu không vì giá trị nghệ thuật thì cũng vì độ cuốn hút có một không hai. Những tiểu thuyết chương hồi của Kim Dung có sức hấp dẫn mãnh liệt đủ để giúp Minh Báo của ông tồn tại, tạo ra hiện tượng “Kim mê,” trong quá trình đó biến những nhân vật của ông thành một phần không thể thiếu của văn hoá đại chúng. Sở dĩ người ta say đắm Kim Dung không phải vì những thế võ siêu phàm hay bí kíp kỳ ảo, mà vì qua cuộc hành trình văn học cùng Kim Dung ta thấy được con người. Những tác phẩm võ hiệp trước Kim Dung chú trọng mô tả những thế võ chính xác, sống động, nhưng các nhân vật lại cứng đờ vô vị. Chính Kim Dung đã từng nói rằng võ thuật có thể bịa đặt, nhưng tình cảm, cảm xúc, tâm lý của các nhân vật thì phải thật, vô cùng thật. Đó là sự đột phá trong tư tưởng sáng tác của Kim Dung.

than-dieu-hiep-lu1

Một bản in thời kỳ đầu của “Thần Điêu Hiệp Lữ” do nhà in Sam Yuk thực hiện

Tác phẩm của Kim Dung đa phần đều rơi vào thể loại bildungsroman, nôm na là “cuốn tiểu thuyết nói về sự phát triển đầu đời của một nhân vật.” Các trường thiên tiểu thuyết của ông đều theo sát bước chân của các anh hùng từ khi là đứa trẻ cho tới thiếu niên và trưởng thành. Phương pháp này có nhiều lợi ích: giúp người đọc làm quen và “thân” với nhân vật, từ thân thiết dẫn tới gắn bó, từ gắn bó dẫn đến quan tâm, yêu quý. Chúng ta hồi hộp khi các nhân vật đánh nhau một mất một còn, sung sướng khi họ chiến thắng, cùng khóc cùng cười với từng nấc thang cảm xúc của họ. Đó là lý do vì sao tiểu thuyết Kim Dung có thể đăng báo nhiều năm liền mà độ say mê của người đọc không hề sụt giảm, chỉ có ngày càng tăng tiến.

Trong thể loại bildungsroman, các nhân vật nam chính luôn có ít nhất một cuộc hành trình quan trọng mà họ phải trải qua. Trong cuộc hành trình ấy họ có thể có mỹ nhân kề cận, có bạn đồng hành sát vai, nhưng ở những bước tối quan trọng họ đều phải đương đầu thử thách một mình. Vào năm 1949, cuốn sách Vị anh hùng muôn mặt (The Hero with a Thousand Faces) của nhà văn Joseph Campbell đề xuất khái niệm monomyth – mô hình chung về cuộc hành trình của các vị anh hùng xuyên suốt lịch sử văn hóa, thần thoại của con người. Khi khảo cứu từ quá trình giác ngộ của Phật Tổ đến sự hồi sinh của thần Orisis, từ cuộc đời chúa Jesus đến Oliver Twist, từ thần thoại về Odyssey đến chú bé chăn cừu trong The Alchemist, ta có thể nhận thấy mọi câu chuyện đều chứa đựng không ít thì nhiều các yếu tố của monomyth. Những cuộc phiêu lưu của các nhân vật dù hư cấu hay có thật thường bao gồm ba giai đoạn chính: bỏ lại quá khứ, đón nhận thử thách, và quay trở về.

the-hero-with-thousand-faces

Bìa sách “Vị anh hùng muôn mặt”

Những vị anh hùng của Kim Dung trở thành những hình tượng tuyệt vời, sống mãi trong lòng người đọc bởi họ được tôi luyện bởi vô vàn thử thách. Nếu phân tích các tác phẩm thật kỹ, ta có thể thấy một điểm chung: những trở ngại võ thuật, rừng đao núi gươm mà các anh hùng trải qua đều không đau đớn và khó khăn bằng chướng ngại tinh thần. Quách Tĩnh luyện Cửu âm chân kinh không khổ sở bằng quyết định đi ám sát nghĩa huynh Đà Lôi, Dương Quá bị cụt tay không đau đớn bằng khi Tiểu Long Nữ bỏ chàng đi mất, Trương Vô Kỵ đánh bại quần hùng làm Giáo chủ Minh Giáo không hao tổn tâm lực bằng việc minh oan cho nghĩa phụ, Lệnh Hồ Xung bị phế hết võ công cũng không khiến chàng tuyệt vọng như khi bị tiểu sư muội phụ bạc,… Chúng ta cổ vũ những vị anh hùng khi họ luyện được bí kíp cao siêu, oai trấn võ lâm, nhưng chỉ thực sự đồng cảm với họ vì những cảm xúc rất nhân văn như vậy. Mấy người trong chúng ta thực sự có những chuyến phiêu lưu “tiếu ngạo giang hồ,” nhưng những cung bậc cảm xúc yêu, buồn, giận, ghét,… thì ai ai cũng đều trải qua cả.

Quach-Tinh-thieu-nien

Quách Tĩnh tuổi thiếu niên

Đây chính là lời giải đáp cho câu hỏi lớn của chúng ta. Sự vắng mặt của người cha là một xúc tác quan trọng trong quá trình trưởng thành của các anh hùng. Một mặt, nó thúc đẩy sự độc lập của các nhân vật, khiến họ phải lớn sớm hơn, va vấp với cuộc đời nhiều hơn. Các nhân vật nam từ 17, 18 tuổi đã được tác giả mô tả như những người đàn ông trưởng thành, đơn giản bởi họ đơn độc giữa cuộc đời. Mặt khác, một vị anh hùng không cha dễ khiến nảy sinh cảm giác thương mến, cảm thông trong lòng người đọc. Nếu chúng ta biết vị anh hùng của mình đã có sẵn một chỗ dựa vững chãi, chúng ta vẫn mãi coi họ chỉ là những thiếu niên không bao giờ lớn. Ngoài ra sự vắng mặt của người cha có tác dụng thúc đẩy câu chuyện hợp lý và hiệu quả. Như đã nói, cốt truyện trong các tiểu thuyết Kim Dung phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ của các nhân vật đối với cha hoặc sư phụ của họ: hoặc sùng kính hoặc căm hận, hoặc báo oán hoặc báo ân, mối quan hệ đó quan trọng hơn cả những môn võ công họ học được.

Bước hai: từ thân phận một con người tới thân phận một mảnh đất

Ở bước này, chúng ta cần làm một chút công tác “do thám” và suy luận.

Kim Dung là ai? Tên thật Tra Lương Dung, ông sinh ra trong một gia tộc khoa bảng lâu đời và danh giá. Ông cố tổ của Kim Dung là Tra Thận Hành, một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Thanh. Dòng họ ông có một thư viện khổng lồ chứa đầy những cuốn sách cổ, gọi là “Tra thị tàng thư”. Bởi thế Kim Dung được nuôi lớn trong một môi trường tri thức với hàm lượng văn hóa đậm đặc. Ông thông thạo các di sản văn học Trung Hoa, đặc biệt say mê Hồng Lâu Mộng. Lớn lên, Kim Dung vẫn theo nghiệp viết.

jinyong-sketch

Năm 1948, Kim Dung sang Hồng Kông công tác, đây là một bước ngoặt có tính chất quyết định cả sự nghiệp và cuộc đời của ông. Bởi chỉ hai năm sau thôi, gia đình ông bị rơi vào vòng đấu tố trong cuộc Cải cách ruộng đất tàn khốc, cha ông bị quy làm địa chủ, Kim Dung cũng từ đó mất liên lạc với gia đình. Có thể nói, ông đã thoát nạn trong gang tấc. Từ đó Kim Dung ở lại Hồng Kông và bắt tay vào việc viết tiểu thuyết võ hiệp. Khi bắt đầu, Kim Dung không hề có ý định tạo tiếng tăm, càng không có tham vọng trở thành đệ nhất danh gia ở Hồng Kông, ông chỉ muốn dựa vào ngòi bút kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Thật là một ví dụ tiêu biểu của hiện tượng “Vô tâm trồng liễu liễu xanh rờn.”

Kim Dung thời trẻ và vợ (ông kết hôn tất cả ba lần)

Kim Dung thời trẻ và vợ (ông kết hôn tất cả ba lần)

Trạng thái cảm xúc của Kim Dung ra sao khi lâm vào cảnh xa quê nhà? Thật khó nói rõ. Hồng Kông là mảnh đất hứa hẹn đầy cơ hội, nhưng cũng là chốn giang hồ phong ba bão táp. Hội Tam Hoàng, tiền thân của mafia Hồng Kông, vốn xuất phát từ các tổ chức Thiếu Lâm, Thiên Địa Hội… mà Kim Dung hay nhắc tới trong truyện. Sau năm 1949, vì bị chính quyền Mao Trạch Đông trấn áp nên Hội Tam Hoàng di tản sang Hồng Kông, từ đó nơi này biến thành căn cứ địa của xã hội đen. Những mạch truyện trong tiểu thuyết Kim Dung nhuốm không ít màu sắc bang hội, giang hồ, trả thù, ám sát,… một phần không nhỏ bởi đó chính là thực tế mà Kim Dung trải qua. Quả là thời thế tạo anh hùng, Kim Dung tiên sinh ở Hương Cảng không cần Đồ Long đao hay Ỷ Thiên kiếm, chỉ bằng một ngòi bút mà vang danh thiên hạ. Nhưng cảm hứng mà việc sống ở Hồng Kông đem lại cho Kim Dung còn sâu sắc hơn thế.

Trong khảo luận “Gender Politics in Jin Yong’s Martial Art Novels”, nhà phê bình Jianmei Liu cho rằng cảnh thiếu cha của những anh hùng trong tiểu thuyết Kim Dung là sự phản chiếu tình hình địa chính trị của Hồng Kông. Nếu coi Trung Hoa là người cha thì Hồng Kông chính là đứa con trai luân lạc xa quê. Hồng Kông kế thừa di sản tinh thần của Trung Hoa, nhưng mối dây liên kết đã bị đứt. Một mặt, đứa con trai này ngưỡng vọng cha mình, một mặt đứng riêng độc lập, tự tạo nên bản sắc. Về quyền lực kinh tế, Hồng Kông phát triển vượt hẳn so với đất tổ, hóa mình thành con rồng châu Á, không khác gì những anh hùng làm nên nghiệp lớn. Về văn hóa, Hồng Kông vẫn giữ gần như trọn vẹn những kho báu nghệ thuật của Trung Hoa từ tiếng nói, ẩm thực, văn chương,…

sach-cu-Kim-Dung

Bộ sưu tập các tiểu thuyết Kim Dung tại Bảo tàng Di sản Hong Kong

Thế nhưng trong cái riêng rẽ của Hồng Kông có đầy sự ngang tàng ngạo nghễ và nổi loạn chống lại truyền thống. Như nhiều anh hùng của Kim Dung ngậm ngùi nhận ra, hình tượng “người cha Trung Hoa” cũng có đầy những mảng đen tối. Những nhân vật như Nguỵ quân tử Nhạc Bất Quần, Dương Khang xảo trá, Đoàn Diên Khánh tàn ác, Trần Cận Nam thủ cựu, Huyền Từ mồm tụng kinh Phật nhưng làm chuyện bại hoại,… chính là những khía cạnh mà Kim Dung đã sớm nghi ngờ về cái gọi là tư tưởng Khổng giáo cao quý. Khi ông miêu tả lòng trung thành tuyệt đối của Lệnh Hồ Xung hay Địch Vân với sư phụ, ông đưa cả vào đó những yếu tố không thể chối cãi của sự tẩy não (brainwashing) và hội chứng Stockholm. Chính cái tư tưởng hiếu thuận, tận trung, báo quốc của đạo Khổng là một thứ xiềng xích trói buộc, bắt con người ta phải tuyệt đối trung thành với cha, với vua bất chấp lý trí và lẽ phải. Bản thân Kim Dung từ thuở thiếu thời đã cảm thấy gò bó chật chội trong khuôn mẫu nhà nho, ông từng bị đuổi học vì dám viết truyện trào phúng giễu nhại thầy hiệu trưởng. Khi chính ông trở thành vị anh hùng mất cha, lang thang vô định bên xứ Cảng thơm, ông đã nhập tâm lý cá nhân của bản thân mình và cái tâm thế chung của Hồng Kông làm một, rồi lại thổi nó vào những nhân vật trong truyện. Khi ông mô tả sự tôn thờ, thương mến vô điều kiện của các hiệp khách đối với hình tượng người cha, khi ông viết về “identity crisis” (khủng hoảng nhân thân) của họ khi không biết cha mình thật sự là ai, hay khi ông thông qua các nhân vật để phản kháng lại chế độ độc tài phụ hệ của chính quyền Bắc Kinh, đó đều là những mảnh ghép thật trong cái psyche (trạng thái tâm lý) của Kim Dung nói riêng và Hồng Kông nói chung. Hồng Kông vẫn chưa bao giờ hoàn toàn chịu sự quản lý của Trung Hoa, cuộc Cách mạng ô dù năm 2014 là một ví dụ điển hình. Người đọc có thể không nhìn ra mối liên kết này, nhưng việc tác phẩm của Kim Dung bị cấm tại Đài Loan và Đại lục trong suốt một thời gian dài là minh chứng rõ ràng: có một thông điệp chính trị không thể chối cãi ẩn dưới những cuộc xung sát võ lâm.

Lee-Chi-Ching-ve-ai

Tại hội chợ sách Hồng Kông Kim Dung uỷ quyền cho nghệ sĩ Lee Chi Ching khắc hoạ một số nhân vật (đố các bạn đọc đây là ai?)

Ngày nay, lệnh cấm tác phẩm Kim Dung đã không còn hiệu lực. Bất chấp khoảng cách về chính trị và địa lý, các tiểu thuyết Kim Dung vẫn được tái bản đều đặn khắp châu Á, hàng năm lại có thêm những tác phẩm truyền hình mới dựa theo tác phẩm được sản xuất khiến người xem hào hứng bàn tán không dứt. Ở hai bờ đối lập có Tưởng Kinh Quốc và Đặng Tiểu Bình đều tự nhận là người say mê Kim Dung. Bản thân Kim Dung cũng đảm nhiệm vai trò thành viên Uỷ ban giám sát sự chuyển giao Hồng Kông về với chính phủ Trung Quốc. Khi viết tới chương cuối của Lộc Đỉnh Ký (cũng là cuốn tiểu thuyết cuối cùng trong sự nghiệp của mình,) Kim Dung để thân phận Vi Tiểu Bảo mãi là một dấu hỏi lớn: y là ai? Vi Tiểu Bảo không mang một thân phận rõ rệt, chính mẹ y cũng không biết ai là cha y. “Thằng con con đĩ” Vi Tiểu Bảo chính là sự tổng hòa của năm dân tộc Mãn Hán Tạng Hồi Mông. Tư tưởng đại đồng, hoà hợp dân tộc ấy chính là niềm hy vọng “điều anh thầm mơ, biết đến bao giờ,…” của Kim Dung dành cho cố quốc, và cũng là nốt nhạc kết của 15 bộ truyện.

Bài: Anh Nguyễn

Nguồn: soi.today

Lời BTV:

Các bạn có thể tìm đọc các tác phẩm của Kim Dung qua ebook kiếm hiệp có trên KOMO tại đây: http://komo.vn/tac-gia/77.html.

Untitled

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang