Tenzin Gyatso
Tenzin Gyatso là Đức Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 sinh vào ngày 6 tháng 7 năm 1935, tên là Lhamo Thondrup, trong một gia đình nghèo ở Taktser, tỉnh Amdo. Từ Lhamo Thondu có nghĩa là “Thần ban phước cho lời ước nguyện”. Còn tên làng Taktser có nghĩa là ‘hổ gầm’; đó là một ngôi làng nhỏ và nghèo nằm trên đồi, nhìn xuống một thung lũng bao la. Đồng cỏ ở đây còn mênh mông, chưa có nhà ở hoặc trang trại, chỉ có dân du mục qua lại vì thời tiết thất thường ở vùng này. Như Đạt-lại Lạt-ma viết trong tự truyện của mình Tự do trong lưu đày như sau: “Hồi thơ ấu, gia đình tôi là một trong 20 gia đình có đời sống rất bấp bênh trên mảnh đất nghèo đó.”
Cha mẹ của Đạt-lại Lạt-ma là những nông dân nghèo, hầu như chỉ trồng hai loại lúa mạch chính mà dân Tây Tạng thường dùng, xen lẫn khoai tây. Cha của Đạt-lại Lạt-ma là một người tầm thước, tính tình nóng nảy. “Tôi nhớ có một lần tôi kéo râu ông và bị một trận đòn rất nặng.” Đạt-lại Lạt-ma nhớ lại: “Tuy nhiên, ông là người rất nhân từ và không bao giờ thù hận ai.” Đạt-lại Lạt-ma nhớ lại về mẹ mình: “Mẹ tôi có lẽ là người phụ nữ nhân đức nhất đời mà tôi biết được.”
Đức Đạt-lại Lạt-ma có một người chị và ba người anh. Dolma là người chị cả, lớn hơn Đạt-lại Lạt-ma 18 tuổi. Đạt-lại Lạt-ma viết kể: “Khi tôi được mẹ sinh ra, chị Dolma đã giúp mẹ tôi hầu hết mọi việc trong nhà và còn làm cô mụ đón tôi ra đời nữa. Lúc vừa lọt lòng mẹ, thấy tôi chỉ mở một mắt, không chút do dự, chị lấy hai ngón tay banh hai mí của con mắt còn nhắm kia ra. Rất may, chị đã không làm hại gì mắt tôi cả.”
Người anh lớn của Đạt-lại Lạt-ma là Thupten Jigme Norbu, được xem là hóa thân của một vị Lạt-ma cao cấp, Taktser Rinpoche – Gyalo Thondrup hơn Đạt-lại Lạt-ma 8 tuổi và người anh thứ hai, Lobsany Samten hơn Đạt-lại Lạt-ma 3 tuổi. “Dĩ nhiên, không ai trong gia đình tôi nghĩ rằng tôi là một đứa trẻ khác thường. Hầu như người ta khó có thể nghĩ rằng trong một gia đình mà lại sinh ra hai vị Tulku (hóa thân) và chắc chắn cha mẹ tôi cũng không bao giờ ngờ tôi sẽ được tôn làm Đạt-lại Lạt-ma.”
Dù sự kiện cha của Đạt-lại Lạt-ma khỏi bệnh khi ngài ra đời được xem như là một điềm lành, nhưng chẳng ai ghi nhận đó là một dấu hiệu gì trọng đại. “Tôi cũng không hay biết gì về những chuyện sẽ xảy ra.” Đức Đạt-lại Lạt-ma hồi tưởng lại ký ức thời tuổi nhỏ.
“Tôi nhớ có lần mình chứng kiến hai nhóm trẻ đánh nhau, tôi chạy đến giúp vào nhóm đang bị yếu thế… Một việc tôi nhớ rất rõ thời nhỏ tuổi là lần theo mẹ tôi ra chuồng gà lượm trứng rồi nán ở lại đó. Tôi rất ưa ngồi vào trong ổ gà và miệng kêu cục tác giả tiếng gà mái kêu lúc đẻ trứng! Một trò chơi khác lúc còn nhỏ là tôi rất thích xếp đồ đạc vào trong một túi xách, làm như thể là mình sắp đi xa. Miệng lại nói: ‘Tôi sắp điLhasa, tôi đi Lhasa đây.’ Chuyện nầy, cùng với chuyện tôi luôn luôn đòi ngồi đầu bàn, sau được mọi người cho là những dấu hiệu chứng tỏ đời tôi chắc là đã được dành sẵn cho những việc hệ trọng.”
Đức Đạt-lại Lạt-ma được xem là hóa thân của vị Đạt-lại Lạt-ma Tây Tạng thứ 13 tiền nhiệm (vị đầu tiên sinh năm 1351) được xem là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, là Bồ-tát của lòng Từ bi vô lượng, còn được gọi là Liên Hoa Thủ Bồ-tát (vị Bồ-tát tay cầm hoa sen trắng). Thực vậy, nếu tìm về 14 đời trước nữa, thì Đạt-lại Lạt-ma là một chú bé thuộc dòng dõi Bà-la-môn sống vào thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. “Người ta thường hỏi tôi có thực tin như vậy hay không? Câu trả lời không giản đơn tí nào. Nhưng nay với tuổi 56, khi tôi đã quan sát được những kinh nghiệm từ cuộc sống đã cho tôi một niềm tin Phật pháp sâu sắc, tôi tin tưởng một cách dễ dàng rằng tôi có liên hệ tâm linh với 13 vị Đạt-lại Lạt-ma tiền nhiệm, với Bồ Tát Quán Thế Âm và với Đức Phật nữa.”