Lloyd Alexander
Lloyd Chudley Alexander (30 tháng 1 năm 1924 – 17 tháng 5 năm 2007) là nhà văn người Mỹ nổi tiếng với thể loại tiểu thuyết giả thưởng dành cho thanh thiếu niên.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Biên Niên Sử Xứ Prydain gồm 5 tập. Trong đó, tập cuối, Đức Thượng Hoàng được trao giải Newbery Medal dành cho tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc nhất. Ông cũng đoạt giải National Book của Hoa Kỳ vào năm 1971 và 1982.
Ít có nhà văn nào giành được nhiều tình cảm quý mến lẫn khâm phụ của độc giả mọi lứa tuổi như Lloyd Alexander. Tuy nhiên, đã có lúc dường như trở thành nhà văn là điều không tưởng đối với ông. Cha mẹ của Alexander không có đủ tiền để ông học đại học. Cho nên khi nhà băng Philadelphia tuyển người đưa thư, ông đến đó làm việc. Cuối cùng, khi đã dành dụm đủ tiền, ông nghỉ việc và đăng kí học đại học địa phương.
Bất mãn vì cảm thấy trường học không trang bị đủ để trở mình thành nhà văn, ông bỏ ngang sau học kì đầu tiên. Ông quyết định những chuyến phiêu lưu mới là điều cần nhất để có vốn sống mà viết truyện. Lúc bấy giờ, nước Mỹ đã tham gia Thế Chiến thứ hai. Tin rằng đây là cơ hội để tôi luyện lòng can đảm thực sự, ông nhập ngũ. Một thời gian ngắn sau, Alexander bị chuyển về Texas nơi ông trở thành một pháo binh hạng quèn kiêm quân y hạng bét.
Cuối cùng, ông được chuyển về trung tâm tình báo quân sự ở Maryland. Tại đây, ông được huấn luyện để trở thành thành viên đội biệt kích dù để đưa sang Pháp hoạt động chung với quân kháng chiến. “Kế hoạch đó bị hủy bỏ, tôi thở phào nhẹ nhõm”, Alexander nhớ lại. Thay vào đó, Lloyd và đội của ông đến xứ Wales để hoàn tất chương trình huấn luyện. Vùng đất cổ xưa, lạnh giá với những lâu đài, đồi núi, thiên nhiên hùng vĩ và vẻ đẹp ngôn ngữ của nó đã để lại ấn tượng sâu đậm trong Alexander.
Trong chiến tranh, Alexander đã chiến đấu ở Alsace-Lorraine, Rhineland và Nam Đức. Khi cuộc chiến kết thúc, ông được giao nhiệm vụ tiếp tục hoạt động phản gián ở Pháp. Sau đó, ông xuất ngũ để đi học ở đại học Paris. Tại đây, ông gặp một cô gái người Pháp xinh đẹp, Janine, và nhanh chóng kết hôn với cô ấy.
Cuộc sống hải ngoại tràn đầy niềm vui, nhưng rốt cuộc Alexander vẫn nhớ nhà nhiều hơn. Cặp vợ chồng trẻ quay về Drexel Hill, gần Philadelphia, nơi Lloyd viết hết quyển tiểu thuyết này tới quyển tiểu thuyết khác mà các nhà xuất bản từ chối một cách không ngại ngần. Để sống, Ông làm họa sĩ hoạt hình, nhân viên viết quảng cáo, họa sĩ dàn trang cho đến cộng tác viên biên tập cho một tờ tạp chí. Alexander tốn đến 7 năm liên tục bị từ chối cho đến khi quyển tiểu thuyết đầu tiên của ông được xuất bản.
Trong 10 năm tiếp theo, ông viết cho độc giả trưởng thành. Sau đó, ông viết cho người trẻ. Trong khi nghiên cứu tài liệu lịch sử, ông phát hiện ra nhiều tư liệu về thần thoại xứ Wales. Kết quả là Sách Về Bộ Ba và những quyển khác trong bộ truyện Biên Niên Sử Xứ Prydain ra đời.
Với tác phẩm The Remarkable Journey of Prince Jen, Alexander lại khám phá một thế giới dị thường khác. Bao trùm trong không khí của vùng đất Trung Hoa cổ đại, quyển tiểu thuyết nhiều tầng nghĩa này được giới phê bình đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của ông.
Hầu hết các quyển sách của Lloyd Alexander đều được viết dưới dạng giả tưởng. Tuy nhiên, ông tin rằng giả tưởng chỉ là một trong nhiều cách khác nhau để biểu đạt cảm xúc và ý tưởng về con người thật, về những mối quan hệ và vấn đề thực tế trong cuộc sống.
Tác phẩm tiêu biểu
- Tiểu thuyết đầu tay And Let the Credit Go, 1955
- Bộ truyện Biên Niên Sử Xứ Prydain, 1964 – 1968 (Đã xuất bản ở Việt Nam, NXB Hội Nhà Văn, Nhã Nam, 2011)
- Bộ truyện Westmark, 1981 – 1984
- Bộ truyện Vesper Holly, 1986 – 2005
- Time Cat: The Remarkable Journeys of Jason and Gareth, 1963
- The Marvelous Misadventures of Sebastian, 1970
- The Cat Who Wished to Be a Man, 1973
- The First Two Lives of Lukas-Kasha, 1978
- The Remarkable Journey of Prince Jen, 1991
- The Iron Ring, 1997
- Gypsy Rizka, 1999
- The Rope Trick, 2002
- The Golden Dream of Carlo Chuchio, 2007