Huy Cận
Huy Cận (1919 – 2005) sinh ngày 31.5.1919, tên khai sinh là Cù Huy Cận, nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ Mới, bạn tâm giao của Xuân Diệu.
Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân ở thượng nguồn sông La, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc nhỏ ông học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp, rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng, ông ở phố Hàng Than cùng Xuân Diệu. Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh. Huy Cận từng tham gia quốc dân đại hội tại Tân Trào và được bầu vào ủy ban giải phóng, tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó. Ông từng là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời, đi vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Sau đó, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ.
Huy Cận nổi danh thi ca từ rất sớm. Trước Cách mạng ông từng cộng tác với Tự Lực văn đoàn và nhiều tờ báo, nhà xuất bản uy tín khác.
Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I - năm 1996)
Năm 2001, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm thơ Thế giới.
Tác phẩm tiêu biểu
- Lửa thiêng (1940), gồm những bài đã đăng báo rải rác từ 1936 – 1940
- Kinh cầu tự (1942, văn xuôi triết lí)
- Vũ trụ ca (thơ đăng báo 1940-1942)
Các tập thơ của Huy Cận sau Cách mạng tháng 8:
- Trời mỗi ngày lại sáng (1958)
- Đất nở hoa (1960)
- Bài thơ cuộc đời (1963)
- Hai bàn tay em (thơ thiếu nhi, 1967)
- Những năm sáu mươi (1968)
- Chiến trường gần đến chiến trường xa (1973)
- Họp mặt thiếu niên anh hùng (1973)
- Những người mẹ, những người vợ (1974)
- Ngày hằng sống ngày hằng thơ (1975)
- Ngôi nhà giữa nắng (1978)
- Hạt lại gieo (1984)