Trần Duy Phương
Trần Duy Phương sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Bà ngoại của chị là con gái ông Tán Thừa, một nhà nho yêu nước chống Pháp nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20 ở đất Quảng. Cậu Hai của chị (tức con trưởng của ông bà ngoại chị) là con rể của nhà nhân sĩ yêu nước Trần Cao Vân. Cậu ba của chị là cháu rể của khoa bảng yêu nước đất Quảng, Hoàng Diệu. Cha của chị từng giữ chức Chủ tịch huyện Phước Sơn, Quảng Nam trong thời kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, ông ở lại hoạt động tại địa phương, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đây để lại vợ dại, con thơ.
Trần Duy Phương mồ côi cha lúc mới đang học lớp Nhất (tương đương lớp năm bây giờ). Thuở nhỏ, chị học rất giỏi ở Trường Trung học Trần Quý Cáp (Hội An) bất chấp hoàn cảnh gia đình khó khăn về mọi mặt, lại bị chính quyền địch soi mói. Sự tàn phá của quân xâm lược trên mảnh đất quê hương cùng cái chết của người thân dưới tay kẻ thù đã thôi thúc Trần Duy Phương đi theo con đường cha chị đã đi, khi mới vào thời thiếu nữ. Khi tuổi chưa trưởng thành, trong một trận càn của địch, chị đã thoát ly theo kháng chiến làm các nhiệm vụ: dạy học, kinh tài, tuyên giáo… Tháng 10/1968, đơn vị của chị bị địch bao vây, chị trúng đạn vào cột sống bị liệt nửa người.
15 tuổi đi theo cách mạng, 19 tuổi chị bị địch bắt tống vào lao tù. Ngay trong lần thẩm vấn đầu tiên, chị buột miệng khai với viên an ninh Mỹ tên mình là Trần Thị Mai - cái tên này theo chị qua các nhà tù cho đến khi được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris tại Lộc Ninh vào năm 1973. Bốn năm trải qua các “địa ngục trần gian” như Trại giam tù binh Non Nước (Đà Nẵng), Trại giam tù binh Phú Tài (Quy Nhơn)… đã biến cô nữ sinh xinh đẹp của Trường Trần Quý Cáp (Hội An) trở thành một người tàn phế suốt cuộc đời. Khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Trần Duy Phương mới bước qua tuổi 20 nhưng chị vĩnh viễn không còn mùa xuân cuộc đời, bốn mươi năm qua người chiến sỹ anh hùng ấy lại tiếp tục cuộc chiến đấu để chiến thắng bệnh tật, giành giật sự sống.
Vào năm 2013, ở tuổi 63, cựu nữ tù binh năm xưa cho ra mắt cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát” ghi lại những năm tháng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của mình và đồng đội. Cuốn sách có độ dày hơn hai trăm trang được Trần Duy Phương viết trong khoảng ba tháng: “Lúc khoẻ tôi viết mỗi ngày khoảng hai đến ba trang, có ngày được bốn trang, có ngày không viết được gì…” Trong khi tự truyện của một số nhân vật nổi tiếng thường mượn người chấp bút thì Duy Phương không những tự mình viết lại câu chuyện của mình mà còn viết trong tư thế đặc biệt: “Tôi nằm gõ bằng hai ngón tay. Ngồi không nổi vì tôi bị thương cột sống. Cứ nằm nghiêng và gõ một tay thôi.” Ban đầu chị không định phổ biến rộng rãi cuốn tự truyện của mình, viết để khuây khoả, để xua đi những cơn đau bệnh tật ngày đêm hành hạ nhưng một trong những người bạn thân của chị, nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà Văn, đã quyết định công khai tác phẩm đặc biệt này. Tự truyện khi dựng thành sách hoàn toàn tôn trọng bản thảo của tác giả, ngay cả tên sách Tôi nghe tôi hát cũng do Trần Duy Phương tự đặt.