Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Tôi nghe tôi hát là tự truyện của nữ thương binh sinh ra ở đất Quảng có tên Trần Duy Phương. Với nhiều bạn trẻ, đây là một cái tên khá xa lạ so với những tên tuổi như Đặng Thùy Trâm, Chu Cẩm Phong… Nhưng với những ai từng gặp bà và đọc sách về bà thì người phụ nữ này để lại ấn tượng khá lớn. Trong Tôi nghe tôi hát, ta có thể thấy được sức sống kỳ lạ của một con người kỳ lạ. Đó là sự bất tử của tinh thần kiêu hãnh và kiên trung mà chỉ có tuổi trẻ và lý tưởng của tuổi trẻ chúng ta mới có được.
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn,Phương Nam Book
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.42MB
Đánh giá của KOMO
Tôi nghe tôi hát có lời văn dung dị. Tác giả kể lại những năm tháng ấu thơ cực khổ, những ngày mới thoát ly gia đình theo cách mạng đầy hăm hở, những tháng năm dài tù đày thương tật, những buổi ca hát, văn nghệ trong tù ngục, những đòn thù dã man, những ký ức ấm lòng… Không ai có thể phủ nhận tinh thần lạc quan, lý tưởng cách mạng đã giúp cô gái trẻ Duy Phương vượt qua những ngày tháng thương tật, tù đày... để bền bỉ sống và làm việc.
Cô gái Duy Phương luôn mang trong mình ngọn lửa tuổi trẻ với một lý tưởng mạnh mẽ: sống vì gia đình, quê hương, đất nước. Cô ấm ức tới mức òa khóc vì không được kết nạp Đoàn chỉ vì cô bị nhận xét là tác phong còn “tiểu tư sản” quá. Mà thế nào là tác phong tiểu tư sản? Đơn giản là kiểu ngồi bắt chéo chân của cô khiến chị H. mỗi lần nhìn thấy lại ngứa mắt giáng cho một câu: “Còn nhỏ tuổi mà có kiểu ngồi như bà địa chủ.”
Sự thẳng thắn và chân thật của tâm hồn Duy Phương toát ra từ đầu tới cuối cuốn sách. Không một chữ nào khoa trương, lên gân, cũng không giả vờ ra vẻ khiêm tốn, Duy Phương nói về con người mình: “Khi đã quen thân ai thì hết lòng với bạn, dù đó là bạn trai hay gái. Chính tính cách này của tôi đã khiến con trai rất dễ nảy sinh tình cảm hoặc hiểu lầm tình cảm của tôi dành cho họ.” Có lẽ vì thế nên tới đâu Duy Phương cũng có thật nhiều người yêu mến. Thậm chí cô đi khám bệnh, bác sĩ mổ vết thương cho cô cũng đem lòng mến cô. Những ngày trong tù ngục, không chỉ có “phe ta” ra sức ủng hộ, giúp đỡ, vì cô chịu đòn thù mà thậm chí vài tên trong “phe địch” cũng xao xuyến.
Xuyên suốt những ký ức của Duy Phương, người đọc sẽ thấy được hoàn cảnh của những người chiến sĩ rơi vào chốn tù đày: Đó là những trò chiêu hồi, những màn tra tấn, cái chết rình rập... Các nữ tù phải cùng nhau vượt qua nỗi cực khổ không thể tả bằng sự thông minh và lòng can đảm phi thường.
Nhận định chuyên gia
Nhà văn Thái Bá Lợi
Cuốn tự truyện của Trần Duy Phương, nguyên nữ sinh Trung học Trần Quý Cáp, Hội An mà trong tù tình cờ có tên là Trần Thị Mai thuyết phục người đọc bời lời văn giản dị, các sự kiện được trình bày chi tiết, trung thực, không lên gân, gần gũi với suy nghĩ của mọi người. Cuộc đời của nữ chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi cứ hiện lên bình dị trong khốc liệt, nỗi đau và niềm vui đan xen nhau như đời thường trong cái bất thường của cuộc sống.
Nguyễn Thị Nghĩa - Nguyên Chủ tịch,Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Saigon Co.op
Đó là một cô gái xinh đẹp với cặp mắt to đen nhánh luôn tươi cười thật hồn nhiên và hiền hòa, cô gái giàu nghị lực đã dũng cảm, trung kiên vượt qua số phận nghiệt ngã của một thương binh nặng để sống và chiến đấu ngay trong tù ngục của kẻ thù.
Nguyễn Xuân Sang - bạn trong tù của Trần Duy Phương
Nhìn Phương ốm yếu do hậu quả của thương tật, tù đày thú thật là tôi không nghĩ Phương có thể sống thêm vài năm nữa. Vậy mà kỳ diệu thay, với ý chí, nghị lực và niềm lạc quan cách mạng, Phương đã vượt qua thử thách để sống và chiến thắng.
Hoài Thương – VnExpress
Tôi nghe tôi hát của Duy Phương không hề toát lên sự bi thảm. Lấp lánh đằng sau câu chữ là đôi mắt tinh anh, hiền hậu của một bà lão đã vào tuổi lục tuần, thanh thản hồi tưởng lại quá khứ. Quá khứ ấy có những cực khổ, khó khăn nhưng cũng chen lẫn với hạnh phúc, ấm áp.
Nhận xét độc giả
Thảo luận