Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Mùa Biển Động là một trong những bộ trường thiên tiểu thuyết hoàn chỉnh nhất trong văn học Việt Nam trong nhiều thập niên qua của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Tác phẩm bao trùm được cả cái vi mô lẫn cái vĩ mô, tái tạo không khí xã hội và tâm lý người dân miền Nam trong suốt thời kỳ 20 năm, từ thập niên 60 đến 80.
Toàn bộ trường thiên tiểu thuyết này không phải là một bộ tiểu thuyết lịch sử, chỉ là những biến chuyển tâm trạng của một thế hệ thanh niên trong giai đoạn đó mà tác giả muốn ghi lại. Cho nên mặc dù tác phẩm có mô phỏng một số mẫu sống, một số nhân vật, một số sự kiện lịch sử có thật, nhưng Mùa Biển Động chỉ là sản phẩm của tưởng tượng.
Đâu là sự thực của đời sống? Đó là điều tác giả quan tâm trước tiên khi dự định viết bộ trường thiên tiểu thuyết này.
Đánh giá:
Bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa Biển Động kể lại đời sống vật chất và tinh thần, một thế hệ thanh niên đồng lứa tuổi với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, quay chung quanh mười lăm nhân vật nam và nữ, thuộc ba gia đình ở Huế. Nhân vật chính của Nguyễn Mộng Giác toàn là những thanh niên trí thức thành thị, phần nhiều thuộc thành phần khá giả, bị cuốn vào những cơn bão của lịch sử, trong non hai mươi năm. Tác giả đưa vào tiểu thuyết những sự kiện có thật, nhân vật có khi trùng tên thật của nhiều người thật, nhưng khẳng định rằng Mùa Biển Động không phải là tiểu thuyết lịch sử mà chỉ là những "biến chuyển tâm trạng của [một] thế hệ thanh niên trưởng thành" trong giai đoạn đó.
Hai tập đầu, Những đợt sóng ngầm và Bão nổi, gợi lại phong trào tranh đấu miền Trung khoảng 1964 - 1967 với những biểu tình, xô xát, tuyệt thực, hội thảo, bàn thờ Phật xuống đường, xe tăng lựu đạn đàn áp… được Nguyễn Mộng Giác phản ánh một cách trung thực qua những biến cố dồn dập và nóng bỏng. Cùng với đó là tâm trạng bùng cháy của một lớp thanh niên trong cơn bão lịch sử. Họ đã lựa chọn trở thành con người chính trị mà vốn dĩ bản thân họ không phải là.
Đến Mùa biển động tập 3 (không có tên riêng), tác giả mô tả cảnh thảm sát trong cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968 tại Huế ở một chương áp chót và giải thích hiện tượng đó ở chương cuối, như một tư liệu. Với cách kể chuyện trầm tĩnh, chừng mực và hấp dẫn, Nguyễn Mộng Giác đã khéo gạn lọc những chi tiết làm nổi bật tâm lý của người Huế trung bình lúc đó. Sang Bèo giạt (tập 4), tác giả phát triển tài năng của mình thoải mái với việc đổi không gian: từ Huế, chuyển vào Qui Nhơn, và sau đó là phần nào Sài Gòn. Không khí chính trị trong tập này bớt căng thẳng hơn, tất cả chỉ còn là sự chờ đợi, suốt thời gian hòa hội Paris. Các nhân vật sống nhiều hơn đời sống riêng tư của mình: tình yêu, tình gia đình, tình bạn xen kẽ vào những chương trình thời sự.
Tha hương (tập 5) là hành trình còn lại của những ngày trước và sau 30 tháng tư 1975. Tác phẩm dày hơn 600 trang là tác phẩm đồ sộ nhất trong bộ 5 cuốn và cũng là tác phẩm bao trùm nhiều chủ đề nhất. Tha hương mở ra những mê lộ giữa chiến tranh và hòa bình, giữa sống và chết, mở ra một tình trạng của con người: họ tha hương trên phần đất quê hương của mình, những cuộc tha hương đầy máu và nước mắt.
Có thể nói, trường thiên tiểu thuyết là thuật ngữ Nguyễn Mộng Giác đã dùng để gọi thể loại mà ông sử dụng khi viết Mùa Biển Động: một tiểu thuyết dài nhiều lần hơn mức trung bình, chia thành nhiều tập, đưa ra một tuyến nhiều nhân vật, sống trong một giai đoạn lịch sử dài, và những hoàn cảnh khác nhau. Và Nguyễn Mộng Giác không ai khác chính là chuyên gia về thể loại này.
Nhà văn Thụy Khuê: "Ai cũng có thể tìm thấy rớt rơi đâu đó một khoảnh khắc, một đoạn đời mình trong trường thiên Mùa Biển Động".
Nhà xuất bản: NXB Văn Nghệ
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook:
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Tiểu thuyết VN
Nhận xét độc giả
Thảo luận