Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Cuối đời nhà Minh, triều đình mục nát, gian thần hoành hành, dân tình thống khổ. Viên đại tướng quân bị tên thái giám gian tặc Ngụy Trung Hiền hãm hại mà thác oan. Các bộ tướng của ông hết lòng phụ tá con ông là Viên Thừa Chí, ước mong một ngày nào đó giang sơn sẽ yên bình trở lại. Trên núi Hoa Sơn, Viên Thừa Chí được Chưởng môn nhân phái Hoa Sơn Mục Nhân Thanh truyền thụ võ học chính tông Hoa Sơn, đồng thời tình cờ phát hiện ra Kim xà kiếm và Kim xà bí kíp - di vật của Kim xà lang quân Hạ Tuyết Nghi.
Một người một kiếm hạ sơn, lưu lạc giang hồ, liệu Viên Thừa Chí có trả được nợ nước thù nhà?
Mối quan hệ tình cảm tay ba giữa Thừa Chí, Hạ Thanh Thanh, và A Cửu rốt cuộc sẽ đi về đâu?
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 2.27MB
Đánh giá của KOMO
‘Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên’
Bích Huyết Kiếm là bộ trường thiên tiểu thuyết thứ 13 trong 2 câu thơ ghép từ tên các trước tác trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Kim Dung tiên sinh.
Viên Thừa Chí vốn là con một trung thành tiền triều. Được các thủ hạ trung thành của cha cứu giúp, cùng với những cơ duyên xảo hợp, Viên Thừa Chí trưởng thành và luyện được một thân công phu có thể sánh vào hàng võ lâm đệ nhất cao thủ. Cũng từ đó, cuộc đời chàng bị cuốn xoay vào những ân oán tình thù trong giang hồ, cùng mối quan hệ tay ba với Hạ Thanh Thanh và A Cửu.
Hai hồng nhan tri kỷ của Viên Thừa Chí có những nét đẹp riêng, mỗi người một vẻ. Hạ Thanh Thanh tuy mang tiếng sinh trưởng ở danh thế gia, nhưng ra đường thì bị chửi là con hoang, bị mọi người trong nhà khinh rẻ. Tiếng tiêu của Thanh Thanh vì vậy, cũng rất cô đơn. Không ai hiểu cô, không ai chia sẻ được cùng cô. Có lẽ, đã không biết bao lần cô khóc nức nở vì tủi phận mình không có cha, bị không những người đời mà còn các ông của mình chà đạp. Thanh Thanh và mẹ cô có một vườn hoa riêng, tưởng như họ rất được nuông chiều. Nhưng thực chất các ông của Thanh Thanh chỉ làm vậy để Thanh Thanh đi cướp đồ giúp họ, để họ khỏi phải làm mà cũng được ăn. Cô chẳng qua cũng chỉ là một công cụ kiếm tiền cho các ngoại công mà thôi! Trong nhà toàn là những người đầu trộm đuôi cướp, giết người như giết sâu bọ, điều đáng quý là tuy cô chứng kiến những cảnh này hằng ngày, hàng giờ và lớn lên trong một môi trường như thế mà vẫn giữ được trọn vẹn trái tim và tâm hồn lương thiện. Và Thanh Thanh đã trao trọn nó cho Viên Thừa Chí, không chút hối tiếc!
A Cửu, lại là một thân phận khác, cô đã sống những ngày rất vô tư lự với sư phụ của mình, không phải là cô không được thương yêu mà là cuộc sống trong cung rất bó buộc, không hợp với cô nên cô xin phụ vương Sùng Trinh cho phép xuất cung sống cho thoải mái Chỉ khi cô bị nước mất, nhà tan thì lúc đó mới là đau khổ thật sự.
Số phận của A Cửu là một câu chuyện lãng mạn nhưng có kết cuộc bi thương, một chuyện tình thường hay gặp trong tiểu thuyết. Còn cuộc sống của Thanh Thanh chứa những nỗi đau rất "thật", rất đời thường: ghen tuông nhỏ mọn, chịu khổ vì những thành viên ác độc trong gia đình, ngoại công đồng thời là kẻ thù hãm hại cha.
Hình ảnh Thanh Thanh thổi tiêu có thể nói bất phân thắng bại cùng A Cửu thổi lá tre. Nó chứa đựng một sự cay đắng, mỉa mai và cô đơn. Nếu sánh nỗi buồn của A Cửu đột ngột và cháy bỏng như bão táp, thì nỗi buồn của Thanh Thanh kéo dài âm ỉ và giằng xé khác nào cơn mưa hạ lê thê, rả rích không bao giờ ngừng… Hai mỹ nữ nhu tình liên miên, hai số phận, hai tính cách trói chặt Viên Thừa Chí, khiến chàng băn khoăn nan giải…
Có thể nói, với Bích Huyết Kiếm, Kim Dung đã không quá chú trọng chữ Kiếm, mà những ân oán giang hồ, nợ nước thù nhà dường như chỉ là nền cho chữ Tình được nổi bật. Thế nên, dù không được đánh giá trong danh sách những tác phẩm đỉnh cao của Kim tiên sinh, Bích Huyết Kiếm vẫn có sức thu hút riêng, chỗ đứng riêng vững chắc trong lòng người hâm mộ.
Nhận định chuyên gia
Vũ Đức Sao Biển
Kim Dung là nhà văn lớn phương Đông thế kỷ XX. Về mặt trước tác, tác phẩm của ông đồ sộ hơn bất cứ nhà văn nào khác. Bút pháp của ông lôi cuốn, hấp dẫn người đọc một cách lạ lùng. Và hệ thống kiến thức của ông từ y học đấn địa lý, lịch sử, võ thuật, tâm lý, bệnh học, tôn giáo... hoàn chỉnh một cách vô song. Ông xứng đáng là nhà văn bậc thầy của những bậc thầy trong thế kỷ chúng ta.
Nhận xét độc giả
Thảo luận