Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Đêm nay, tôi viết xong chuyện Đất.
Đặt bút xuống, tôi thấy lòng bâng khuâng, uất nghẹn, không thanh thoát như khi viết xong Quán gió. Mùa rét năm vừa qua, bước chân về đất Tề, thấy cần phải ký thác ngay một chút ưu tư, một chút suy nghĩ nơi đất đỏ cho giấy trắng, không thì… chết mất!
Xã Bèo, cái con người sống an phận, cam đành như một con gà bới sâu nhặt bọ bờ tre vườn vắng này, ít lâu nay chới với trong tâm tưởng tôi, như một cánh bèo khô trôi trên giòng phù sa nổi bão. Ngày đêm tôi nghĩ đến Xã Bèo. Và tôi đã viết ra, kể lại cuộc sống không có gì là phi thường cả, của con người quê kệch ấy.
Những biến chuyển của Bèo trên mảnh đất làng Nguyệt Đức, thật vậy, sẽ không có gì đáng kể đâu, một khi anh đã nhảy từ chỗ đôi vợ chồng nai lưng đi làm thuê gánh mướn để đến cái ngày dựng được năm gian nhà trên nền đất tổ, mua được trâu, tậu được vài ba mẫu ruộng, rồi đó, anh xúng sính chiếc áo the thâm, ra ngồi dựa cột đình với cái lễ anh nhiêu xã, gọi là bằng người ta một tí.
Thế rồi thì cách mạng.
Anh nhà quê ngơ ngác trước giông bão của cuộc đời, như gã A.Q. của Lỗ Tấn ngơ ngác trước cuộc cách mệnh gớm ghê lật đổ Đế chế Mãn Thanh.
Bèo sợ sệt, giẫy giụa một cách yếu ớt như con vật trôi trên mặt đê vỡ lụt. Sợ hãi, phục tùng vốn là cố tật của người dân quê, suốt một đời họ khom mình xuống, cúi sát đầu xuống như con giun dế lẩn vào chân cỏ rậm. Bèo mở to mắt, há to mồm, nhìn tất cả cơ nghiệp, mồ hôi nước mắt của mình băng băng cuốn theo con sóng phù sa dồn dập vỗ.
Quả vậy, Xã Bèo thoạt đầu đã giẫy như con lợn nghẹt cổ và vướng lạt, nhưng rồi cuộc sống đày gai lửa và ngút cháy kia đã khiến anh bừng tỉnh giấc như tất cả mọi người, để nhận rằng giòng thác lũ hùng mạnh đó cần phải có, để cuốn rửa, để gạn lọc, để xây dựng một cái gì.
Sự nhận định, hiểu biết của Bèo bàng bạc mong manh như sương khói phủ đồng hoang. Anh chỉ có thể hiểu rằng một sự thay đổi cần phải có. Thế thôi, người dân quê ấy không cần biết gì hơn.
Anh tản cư, và anh xin đất cày bừa, bởi vì suốt cả một đời, anh chỉ nghĩ rằng đất là xương là thịt. Phải có đất! Phải có đất! Xã Bèo bám chặt vào đất, cho dẫu là đất của thiên hạ. Con người, con trâu vật nhau với đất tha phương, rút cục không nên cơm cháo.
Anh Bèo lại trở về làng cũ, vật nhau với đất quê hương mà bao năm nay hai vợ chồng đã rỏ mồ hôi xuống. Người dân cày của tôi, trong cơn khói lửa mù trời, chỉ còn trông thấy đất. Anh cam chịu sống trong kìm cặp, chỉ vì yêu đất. Thế rồi, con trâu chết chưa kịp no cỏ nội, con nghé chết đang khi rúc bầu sữa mẹ. Con trâu đã chết, thế là hết ý nghĩa cuộc đời anh.
Anh dân quê nghiến răng nhai nuốt nỗi căm hờn. Người vợ thay trâu, rỏ nước mắt vào lòng đất. Người chồng ngửa mặt nhìn trời, để kêu trời một tiếng. Nhưng trời cao xa lắm, đất thì dằng dặc những tội lỗi, những bất công, những oán thù. Anh Bèo của tôi không kêu nữa, bởi vì đã có tiếng một loài chim kêu cái tiếng kêu gớm ghiếc kia. “Bắt cô trói cột!”. Tiếng loài chim này ám ảnh, vang vọng bên tai tôi khi bỏ bút. Tôi có cảm tưởng nó kêu ở gần tôi, ở xa tôi, trên những mảnh đất rơi rắc máu và nước mắt.
Và tôi cũng nghĩ rằng vợ chồng anh bạn Xã Bèo của tôi vẫn bừa chưa xong mảnh ruộng nước gạch cua ngầu như máu loãng, giữa lúc tôi vừa cày xới xong những luống chữ bỏng cháy này.
Ngọc Giao
Ô Quan Trưởng, Hà Nội.
Mùa đông loạn 1949.
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook:
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Tiểu thuyết VN
Nhận xét độc giả
Thảo luận