Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Minh sư – Chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi là sự đan cài của cuộc chiến tại Quảng Nam trong chiến dịch Mậu Thân 1968 với công cuộc mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng năm 1558.
Theo đó, ba tay chân thân tín của Nguyễn Hoàng hoàn thành công việc của mình, giúp minh chủ mở mang bờ cõi. Đỗ Chiêu yết kiến Luân Quận công Tống Phước Trị - Trấn thủ Thuận hóa – mang sổ sách điền địa trao nạp cho Đoan quận công rồi cùng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ và Uy Quốc công Mạc Cảnh Huống hợp thành bộ ba giúp Đoan Quận công mở cõi. Phạm Dữ thì cùng cha ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn, khai phá dọc hai bờ sông cái. Nguyễn Thiệu tìm cách kết nối với những người Chiêm.
Còn cuộc chiến của những người lính thì mất mát nặng nề. Chỉ có dăm người sống sót còn toàn bộ Bộ tư lệnh sư đoàn 2 gồm các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cầu, hai ban chỉ huy trung đoàn 21 và 31 đều hy sinh.
Không chỉ có những mất mát của chiến tranh, cuốn sách đưa ra những câu hỏi về lịch sử ở cả hai giai đoạn, những khúc mắc ẩn khuất bao năm trong lịch sử đều được đưa ra dưới con mắt của người nghiên cứu.
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn,Phương Nam Book
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 2.04MB
Sách đoạt giải Giải thưởng của Hội Nhà văn
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Tiểu thuyết VN
Đánh giá của KOMO
Minh sư được kể lại theo hồi ức và suy tưởng của nhà nghiên cứu lịch sử Đoàn Minh Thành. Người đọc được dẫn vào cõi lịch sử rối ren của thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Tránh được cái chết trước mắt, Nguyễn Hoàng buộc phải rời kinh để đi sâu vào vùng đất phía Nam, theo lời sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân.”
Quyết định tha chết cho Nguyễn Hoàng bằng việc mở cõi của Trịnh Kiểm không ngờ là quyết định thay đổi lịch sử dân tộc, thay đổi số phận của nhiều người trong cuộc phân chia quyền lực đó.
Bằng những suy tư về lịch sử, trí tưởng tượng phong phú và tư duy của người làm khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử cũng là người lính này đã phác họa cho người đọc ham mê lịch sử chân dung thật rõ nét của Nguyễn Hoàng: dũng cảm, can trường, khôn khéo, quyết đoán những cũng đầy tình cảm. Đồng thời cũng đưa ra những chi tiết về hình sông dáng núi của mảnh đất Ái Tử - nơi Nguyễn Hoàng đặt chân đầu tiên cũng như những vùng đất khác của phía Nam mà những tay chân thân tín của Nguyễn Hoàng dưới lệnh của Chúa công bỏ công chinh phục.
Sự đan cài vào đó là trận đánh của Sư đoàn 2 đi chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Tết Mậu Thân với quân Mỹ. Không miêu tả quá nhiều, nhưng người đọc cũng hình dung được sự khốc liệt của cuộc chiến đó, chỉ còn lại dăm người sống sót. Và trận đánh dường như còn kéo theo mãi đến khi hòa bình, khi hai người phụ nữ của hai vị chỉ huy lặn lội đi tìm mộ chồng.
Công cuộc mở mang bờ cõi của Chúa Nguyễn Hoàng thật vô cùng kỳ khu và gian khổ. Không chỉ chinh phục người Kinh, còn có người Chăm, người Thượng. Hơn thế, lại không ngừng bị tấn công bởi giặc giã, cướp bóc trên những vùng đất mới, và sự đe dọa từ đàng Ngoài.
Và nghi án “giết chết gần hết người Chăm” bởi mâu thuẫn giữa nếp sống của người Chăm và người Việt, bởi những hiểu lầm giữa hai bên do xa cách về địa lý, văn hóa, bởi những kẻ phản loạn… mãi là câu hỏi lớn. Cũng như chị Tư – vợ một vị chỉ huy đã hy sinh, sau này khi lấy người chồng mới lại là sỹ quan cộng hòa – cứ băn khoăn, không hiểu mình hành động như vậy là đúng hay sai?
Cuộc đào thoát của Nguyễn Hoàng khỏi Đông Đô về Thuận Quảng an toàn cũng thật khó lý giải? Cũng như công cuộc mở cõi của ông, liệu là kết quả của một tầm nhìn lớn lao, vượt được mấy trăm năm hay chỉ đơn giản là một cuộc đào thoát khỏi sự truy sát của cha con nhà Trịnh Kiểm, và trong cuộc đào thoát ấy, cách tốt nhất là mở vùng an toàn của mình càng rộng ra càng tốt?
Với lối viết trần thuật, đan xen giữa nhiều giai đoạn: hiện tại, giai đoạn cuộc chiến Tết Mậu Thân, và quá khứ của mấy trăm năm của chúa Nguyễn Hoàng, người đọc sẽ hiểu hơn không chỉ về một giai đoạn lịch sử mà còn hiểu hơn về những con người tưởng đã là huyền thoại. Bên cạnh đó, tác giả Thái Bá Lợi còn cung cấp cho chúng ta những tình tiết lịch sử phức tạp, đưa ra một cái nhìn mới mẻ, nhân văn về lịch sử.
Nhận định chuyên gia
Huỳnh Thu Hậu, ĐH Quảng Nam
Giá trị của tác phẩm Minh sư không chỉ ở nỗ lực cách tân và đổi mới cách viết như sử dụng kỹ thuật dòng ý thức, tổ chức đa điểm nhìn nghệ thuật, tạo nên tiếng nói đa thanh mà còn nằm ở tư tưởng nhân văn và dân chủ mà tác giả gửi gắm qua bức thông điệp về thân phận con người trong và sau chiến tranh đặc biệt là những người phụ nữ, những cách nhìn khác nhau về những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử.
Trần Xuân An
Trong Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi, ở bình diện lịch sử ‘mở cõi/, hầu như Thái Bá Lợi đã dồn hết tâm sức để tái hiện nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng và ba nhân vật hư cấu khác, cùng thuở bấy giờ: Đỗ Chiêu, Phạm Dữ và Nguyễn Thiệu; nhưng ở bình diện thực tại hiện nay, anh chỉ thỉnh thoảng nhấn nhá vẽ nên hai nhân vật hư cấu là Thành và chị Tư Trà.
Qua tiểu thuyết, Thái Bá Lợi hình như cũng muốn nêu ra những băn khoăn về những vấn nạn lịch sử như xung đột Chiêm – Việt để góp phần hóa giải…
Nhận xét độc giả
Thảo luận