Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
"Giữa dòng chảy lạc" của Nguyễn Danh Lam là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của nhà văn trẻ này sau một thời gian ở ẩn. Quyển sách kể về nhân vật "anh" đang thất nghiệp, sống bám vào tiền trợ cấp của "bà chị" ở nước ngoài, luôn cảm thấy lạc lõng giữa dòng chảy của xã hội. “Anh” đã tình cờ mà gặp hai cô gái khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, họ, từng khiến "anh" thay đổi lối suy nghĩ, nhưng vẫn không thể khiến "anh" thay đổi lối sống nhạt nhòa, vô vị vốn có của mình.
"Cô", cô gái bán bảo hiểm thông minh, nhưng luôn cảm thấy mất thăng bằng với cuộc sống của chính mình, cũng là một dòng chảy lạc của xã hội ngoài kia. "Cô" đã gặp "anh", cùng "anh" chung sống, nhưng không thể tìm được sự đồng cảm.
“Ông anh rể”, có mối tình năm ngày với chị gái "anh", về nước, điên cuồng lao vào tìm kiếm những thú vui hạ cấp mà phần "con" lấn át cả phần "người".
“Ông họa sĩ”, một người đầy tài năng, nhân cách, có cả kinh nghiệm sống nhưng đến lúc về già lại phải sống nốt quãng đời còn lại một cách lạc lõng và chán chường nơi xứ người.
Tất cả các nhân vật trong "Giữa dòng chảy lạc" đều khác nhau, từ tuổi tác, giới tính, suy nghĩ, và các vấn đề trong cuộc sống, nhưng có cùng một điểm chung, tất cả họ đều là những cá thể lạc lõng của xã hội, là những con người đáng thương trên cuộc hành trình khó khăn của cuộc đời.
Nhà xuất bản: Phương Nam Book,NXB Văn Nghệ
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.34MB
Sách đoạt giải Giải thưởng của Hội Nhà văn
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Tiểu thuyết VN
Đánh giá của KOMO
Nguyễn Danh Lam từng nói: "Tất cả các nhân vật của tôi đều không có tên". Đó là điểm đặc biệt riêng của quyển sách, những nhân vật đều được gọi bằng các đại từ nhân xưng phổ biến như "anh", "chị", "cô", "ông anh rể", "ông họa sĩ", "cậu em vợ",… Khác với những tác phẩm đặt nặng quá nhiều vào chiều sâu, cách sử dụng từ ngữ đầy ẩn dụ trước kia, "Giữa dòng chảy lạc" chỉ đơn giản kể về một cuộc hành trình dài, có khi là cả một đời, về nỗi khắc khoải của những con người nhỏ bé, đầy cô đơn và tuyệt vọng trong xã hội, họ, mỗi ngày vẫn hoài đi kiếm tìm hạnh phúc, và lý tưởng sống cho riêng bản thân mình. Từng trang sách, đưa bạn gần hơn, hiểu hơn về những lý do cho sự lựa chọn của mỗi nhân vật, để theo dõi, để chờ đợi và day dứt với diễn biến của câu chuyện. Có thể, quyển sách là một tác phẩm khô khan đối với một số người, và hơi khó hiểu khi từng nhân vật trong truyện không có một cái tên cụ thể. Tuy nhiên, ở một mặt nào đó, điều đó lại làm nổi bật lên cái thần của tác phẩm, mỗi nhân vật trong quyển sách là đại diện một phần nào đó trong mỗi người chúng ta, khát khao tìm kiếm hạnh phúc, nhưng không biết cách, không dám dấn thân, chấp nhận chọn sự an toàn, chọn cuộc sống thụ động, họ, như những "dòng chảy lạc" giữa xã hội ngày càng biến động và thay đổi không ngừng. Nhân vật chính là "anh", sau hai lần bị hai người con gái rời bỏ, cảm nhận được sự bất lực của mình nhưng tiếp tục chọn cuộc sống vất vưởng, không mục đích. Nhưng không phải là "anh" đã không từng nghĩ khác, dù sống thụ động, nhưng cảm xúc của "anh" đối với "cô" là thật, nó từng giúp anh có ý nghĩ thay đổi chính mình. Nhưng ngay cả bản thân "cô" lại luôn cảm thấy mất cân bằng, và lẽ đương nhiên, mỗi người họ, tự rời đi trong chính cuộc sống mà mình từng mong muốn. Hay việc "ông họa sĩ", người "anh" xem như điểm tựa tinh thần ra đi, cũng khiến ý nghĩ sống khác trong "anh" chao đảo, để rồi chấp nhận "lạc" vì những nỗi ám ảnh bản thân sau đó…Tác giả, được cho là đã miêu tả những cuộc hội thoại giữa "anh" và "cô" một cách rất thông minh và tinh tế, cũng như diễn tả các cuộc hội thoại giữa "anh" và cha mẹ cô gái, hay giữa "anh" và ông họa sĩ già. Tất cả chiều sâu của tác phẩm xoay quanh nhân vật "anh" với biết bao ý nghĩ, triết lý ẩn dụ qua giọng văn sâu sắc, nhưng trầm ấm và đôn hậu của tác giả. Đọc "Giữa dòng chảy lạc" của Nguyễn Danh Lam, một tác phẩm với những câu chuyện mang đầy tính hiện sinh, để suy ngẫm về "những dòng chảy - những con người lạc", lạc trong những mâu thuẫn ý nghĩ mà họ đã tạo ra, để biết nghĩ khác, biết yêu thương và trân trọng những con người, những sự vật xung quanh ta.
Nhận định chuyên gia
Sài Gòn giải phóng
Nguyễn Danh Lam đã nhấn nhân vật của mình trong Giữa dòng chảy lạc vào chỗ tận cùng của sự vô nghĩa trong cuộc sống. “Anh” trong tác phẩm là kẻ dù biết rõ sự tạm bợ, chán ngán và vô nghĩa của mình nhưng lại không muốn hay nói cách khác, không đủ bản lĩnh để thoát ra khỏi cuộc sống đó.
Nhận xét độc giả
Thảo luận