Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Vút một tiếng, mũi tên gắn lông bắn lên từ phía sau hẻm núi phía đông, xé gió vạch một đường ngang bầu trời, xuyên vào cổ con nhạn đang bay. Nhạn bị trúng tên lộn mấy vòng trên không rồi rơi xuống mặt đất đầy tuyết phủ.
Cách mấy chục trượng về phái tây, bốn tay kỵ mã giẫm trên tuyết trắng đang phi nhanh tới. Vừa nghe tiếng tên bắn, họ không hẹn nhau liền dừng ngựa. Bốn con ngực đều là loại thần câu vạm vỡ, vừa ghìm cương là lập tức dừng vó. Người cưỡi giỏi, ngựa lại đều đã được huấn luyện lâu ngày, nên vừa ghìm cương là họ từ trên yên nhảy xuống ngay, rất nhịp nhàng. Bốn người thấy con nhạn bị trúng tên rơi xuống, bụng đã khen thầm, đang muốn xem người bắn mũi tên đó là ai.
Chờ một lúc, vẫn không thấy ai từ hẻm núi đi ra, chỉ nghe thấy tiếng vó ngựa. Người bắn mũi tên đó đã bỏ đi rồi. Trong số bốn người cữa ngựa, có một lão nhân cao gầy, thần sắc lanh lẹ, lão hơi nhíu đôi lông mày, rồi nhảy lên phi nhanh vào hẻm núi. Ba người kia cũng phóng theo. Rẽ qua rìa núi, chỉ thấy phía trước mặt khoảng một dặm có năm tay kỵ mã đang phi nhanh, vó ngựa làm tuyết bắn tung toé, bờm ánh màu bạc tung theo gió, thấy khó mà truy đuổi cho kịp...
Nhà xuất bản: Phương Nam Book,NXB Văn Học
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.75MB
Đánh giá của KOMO
So với những bộ trường thiên nổi tiếng khác của Kim Dung như Thiên Long Bát Bộ, Xạ Điêu Tam Bộ khúc…, thì Tuyết Sơn Phi Hồ và Phi Hồ Ngoại Truyện chỉ là truyện ngắn với vỏn vẹn hơn 400 trang cho mỗi cuốn. Tuy nhiên, đây vẫn là những tác phẩm rất hay của Kim Dung.
Trước hết, cần phân biệt giữa Tuyết Sơn Phi Hồ và Phi Hồ Ngoại Truyện. Tuyết Sơn Phi Hồ ra đời trước, một năm sau Kim lão gia mới chấp bút viết Phi Hồ Ngoại Truyện. Tuyết Sơn Phi Hồ tập trung miêu tả về mối ân oán của bốn nhà Hồ, Miêu, Phạm, Điền, Miêu Nhân Phụng và Hồ Nhất Đao từ kình địch trở thành bạn tri âm như thế nào, chuyện tìm kho báu, mặt khuất xấu xa của những “giang hồ hảo thủ”… Hồ Phỉ, ngoại hiệu là Tuyết Sơn Phi Hồ, tuy là nhân vật chính, nhưng chỉ thực sự xuất hiện trong khoảng 1/5 của cuốn sách. Trong khi đó, Phi Hồ Ngoại Truyện kể về cuộc đời Hồ Phỉ, những cơ cực mà chàng thiếu niên ấy phải gánh chịu, những cuộc phiêu lưu chàng trải qua, những cô gái chàng gặp… Vì thế, có thể nói 2 tác phẩm này tuy hai mà một, có sự tương thiết, liên quan chặt chẽ với nhau và thường được gộp chung khi chuyển thể thành phim truyền hình hay điện ảnh.
Trên núi tuyết, câu chuyện về chiếc hộp sắt của Thiên Long Môn dần được kể lại, những bí mật bảo khố Sấm vương được hé lộ. Cùng với đó là những chuyện liên quan, mối ân oán bốn nhà Hồ, Miêu, Phạm, Điền, theo sự hiểu biết của từng người được kể lại từng chút một. Các mối nghi ngờ dần được giải tỏa, những hiểu lầm dần được đính chính. Những chuyện xấu xa dần bị lật tẩy… Mọi ân oán đã được giải quyết (hay tạm gác một bên), mọi người đồng lòng đi tìm kho báu. Và khi tìm được kho báu, những bộ mặt xấu xí ấy lại xâu xé lẫn nhau…
Với nghệ thuật kể chuyện gián tiếp, câu chuyện phức tạp ân oán tình thù của 4 dòng họ Hồ, Miêu, Phạm, Điền được kể dưới dạng hồi ức của từng nhân vật, xen lẫn với tình cảm của người kể, dấy lên nhiều cảm xúc nơi người đọc. Từng bước, từng bước, những câu chuyện lớn của những con người vĩ đại đã được kể lại một cách vô cùng hàm súc, tinh túy, mà cũng rất cảm động qua từng trang sách khiến người đọc không thể dứt mắt mà ngừng theo dõi theo diễn biến câu chuyện được.
Thủ pháp độc đáo này không khỏi gợi nhớ tới mô típ hồi tưởng thường dủng trong điện ảnh, nhất là tác phẩm điện ảnh kinh điển của Nhật Bản Rashomo (La Sinh Môn) và Anh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu sau này. Tiếc thay, hầu hết các bản chuyển thể từ Tuyết sơn phi hồ và Phi hồ ngoại truyện đều đã đánh mất, không giữ được nét độc đáo này trong nguyên tác của Kim lão gia.
‘Quý hồ tinh bất quý hồ đa’, Tuyết Sơn Phi Hồ và Phi Hồ Ngoại Truyện với nghệ thuật kể chuyện đa góc nhìn đã thật sự đưa Kim Dung vượt xa những bậc tiền bối của mình trong hệ tiểu thuyết chương hồi, xác lập vị thế độc tôn của mình cho tới tận ngày nay trong thể loại tiểu thuyết võ hiệp kì tình Trung Hoa.
Nhận định chuyên gia
Vũ Đức Sao Biển
Kim Dung là nhà văn lớn phương Đông thế kỷ XX. Về mặt trước tác, tác phẩm của ông đồ sộ hơn bất cứ nhà văn nào khác. Bút pháp của ông lôi cuốn, hấp dẫn người đọc một cách lạ lùng. Và hệ thống kiến thức của ông từ y học đấn địa lý, lịch sử, võ thuật, tâm lý, bệnh học, tôn giáo... hoàn chỉnh một cách vô song. Ông xứng đáng là nhà văn bậc thầy của những bậc thầy trong thế kỷ chúng ta.
Nhận xét độc giả
Thảo luận