Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Môn xã hội học ra đời ở châu Âu hồi thế kỷ XIX để nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học những biến chuyển đã đưa châu Âu đến “xã hội hiện đại”. Khoa học kỹ thuật lúc đó đã phát triển, Thiên Chúa giáo bị phê phán như lạc hậu, “tính hiện đại” là đối tượng của môn nghiên cứu mới, nhưng đồng thời môn nghiên cứu mới đó cũng mang tính hiện đại. Vì vậy, hiển nhiên, câu hỏi về số phận của tôn giáo nằm tận trong căn bản của môn xã hội học vừa khai sinh.
Trong tập sách này, Cao Huy Thuần làm cuộc khảo sát về những ảnh hưởng của tôn giáo lên xã hội hiện đại, về sự biến chuyển lòng tin ở phương Tây khi khoa học ngày càng phát triển, ngày càng giải thích được nhiều hơn những điều kì bí mà trước đây vì không thể lí giải, nhân loại đã tự sáng tạo nên những vị thần và phần nào tồn tại dựa trên niềm tin tôn giáo.
Sách gồm 6 chương với các đề mục như sau:
- Dẫn nhập
- Chương 1: Tính hiện đại là gì?
- Chương 2: Thế tục hóa ở Pháp và Mỹ
- Chương 3: Max Weber: từ giã thế giới thần tiên
- Chương 4: Biến thể của lòng tin
- Chương 5: Ở đây và bây giờ
- Chương 6: Hậu hiện đại?
- Thay lời kết
- Sách tham khảo chính
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.18MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Khoa học xã hội » Sách tham khảo
Đánh giá của KOMO
Ngay từ khởi thủy, với Auguste Comte, với Emile Durkheim, với Max Weber, khoa xã hội học đã đặc biệt chú trọng đến hiện tượng tôn giáo, và, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của khoa học, đã lạc quan tin tưởng có thể thay thế tôn giáo bằng một đạo đức thế tục mang tính khoa học, cởi bỏ những tin tưởng và những hình thức có tính siêu hình, huyền thoại. Môn xã hội học trở thành vừa là một dụng cụ nghiên cứu, vừa là một khí giới hành động, nhắm mục đích hoàn thiện “tính hiện đại”. Từ quan niệm dấn thân như vậy vào quá trình “hiện đại hóa”, các nhà xã hội học có khuynh hướng xem tính hiện đại như đối kháng với tính tôn giáo. Mà thật vậy, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, lý tính hóa đã chẳng góp phần vào việc phá vỡ những hệ thống tôn giáo vững chắc qua bao nhiêu chục thế kỷ đó sao? Con người hiện đại ở châu Âu đã chẳng trở nên lạnh lùng, khô cứng, đánh mất “thế giới thần tiên” mà nhân loại đã được nuôi dưỡng qua bao nhiêu thời đại đó sao? Trước tình trạng thoái trào càng ngày càng rõ của Thiên Chúa giáo, đâu có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà xã hội học dự đoán tôn giáo sẽ bay về trời vào cuối quá trình của hiện đại hóa?
Thế nhưng, trong tập sách này, Cao Huy Thuần lại đặt câu hỏi ngược lại: Nhưng có thật “thế tục hóa” và tính tôn giáo chơi với nhau một trận chiến trong đó hễ một người thắng thì người kia thua? Ở Mỹ, không ai thua ai, mà hầu như ai cũng thắng. Ở Nhật, một nước kỹ nghệ hóa từ lâu, tám mươi triệu người vẫn còn giữ truyền thống mỗi dịp Nguyên Đán đi lễ đền một lần để lễ bái và để... xin bùa. Đâu là xã hội “thế tục hóa”?
Trong suốt chiều dài của quyển sách này, qua những lập luận vững chắc và nhiều ví dụ minh họa sống động của Cao Huy Thuần, độc giả sẽ dần tìm ra câu trả lời cho chính mình. Tuy chọn chủ đề tôn giáo, lại khảo sát tôn giáo dưới phương diện xã hội học – một đề tài tưởng chừng khó tiếp cận với người đọc phổ thông vì tính chất khoa học, hàn lâm; thế nhưng, cách viết vừa thâm trầm, vừa dí dỏm, ngắn gọn, đơn giản của Cao Huy Thuần đã khiến cho cuốn sách dễ đọc hơn so với dự tưởng của rất nhiều người. Đến với Tôn giáo & xã hội hiện đại, những người đọc đang sống trong xã hội công nghệ phát triển hiện thời sẽ biết mình cần gì, còn thiếu gì, làm cách nào để lấp đầy những khoảng trống tâm linh để sống an nhiên hơn.
Nhận định chuyên gia
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Lần nào đọc Cao Huy Thuần tôi cũng có một cảm giác sảng khoái. Có lúc giật mình. Có lúc lại tủm tỉm cười. Anh có kiểu viết vừa bác học lại vừa bình dân, vừa Giáo sư Đại học vừa thầy giáo làng, vừa là nhà luật học, vừa là một người “hành thâm Bát nhã".
Cái gì tôi cảm thấy lờ mờ thì hình như được anh "zoom" lại cho, giải thích có ngành có ngọn. Văn anh thâm trầm, kín đáo, mà không thiếu dí dỏm, hài hước. "Nói chung" là nhẹ nhàng, dễ đọc, dù đề cập mật vấn đề không dễ như cuốn Tôn Giáo & Xã hội hiện đại, một cuốn sách mới của anh luận về sự biến chuyến lòng tin ở phương Tây trong bối cảnh "cực hiện đại", "siêu hiện đại"…
Nhận xét độc giả
Thảo luận