Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Đặt thế giới lên bốn bánh xe là cuốn sách do Tổ hợp Giáo dục PACE biên soạn tóm gọn những nét cơ bản về cuộc đời của Henry Ford – ông chủ hãng xe Ford lừng danh thế giới.
Cuốn sách được chia làm bốn phần, trong đó:
Phần 1 phác họa cho người đọc về cuộc sống của Henry Ford khi đã là một tỉ phú – một cuộc sống giản dị trong sinh hoạt, hăng say trong lao động sáng tạo.
Phần 2 là những quyết định góp phần thay đổi thế giới của Henry Ford. Đó là tư duy trong công việc, không ngừng tư duy, không ngừng sáng tạo và cải tiến. Ông đã sáng tạo ra học thuyết Ford – tạo ra dây chuyền sản xuất đầu tiên trên thế giới.
Phần 3 là quá trình học tập, rèn luyện của Henry Ford. Ông đã cho mọi người thấy tầm quan trọng của việc học tập – không chỉ từ sách vở mà còn từ kinh nghiệm đời sống, trải nghiệm lao động và từ những người thợ lành nghề, những người có kinh nghiệm…
Phần 4 là di sản của Henry Ford, nói đến những bạn bè thân tín của ông cũng như những đối thủ lừng danh ông đối đầu, và người kế vị ông. Đồng thời cũng thể hiện mục tiêu của ông, đó là phụng sự xã hội chứ không chỉ là kiếm tiền.
Nhà xuất bản: NXB Trẻ,Tổ Hợp Giáo Dục Pace
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.24MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Kinh tế, kinh doanh » Câu chuyện thành công
Đánh giá của KOMO
Đúng như tựa đề cuốn sách, Henry Ford đã khởi đầu cho một nền sản xuất công nghiệp, biến giấc mơ đại chúng hóa xe hơi trên toàn thế giới của ông thành hiện thực. Quả vậy, ông đã đặt cả thế giới lên bốn bánh xe. Và người ta không khỏi tò mò, ông làm thế nào để thực hóa giấc mơ ấy?
Không giống như phần đa các cuốn sách viết về tiểu sử, cuộc đời của những vĩ nhân khác, thường bắt đầu từ khi họ ra đời, rồi những năm tháng vật lộn, kết quả là thành tựu đạt được. Cuốn sách này lại tiếp cận theo hướng ngược lại. Người đọc sẽ thấy cuộc sống của một tỉ phú trong đời thường trước tiên, đó là 24 giờ của Henry Ford: những nếp sinh hoạt giản dị của đời thường, từ bữa sáng cho tới bữa trưa, từ những quyết định khó khăn trong công việc – đối mặt với nạn đình công, đưa ra một mẫu xe mới, cho tới việc học hỏi như một cậu học trò ngoan ngoãn lúc tối khuya…
Phần I của cuốn sách đã đưa ra những thông tin hết sức thú vị về vị tỉ phú có nếp sinh hoạt giản dị, tiết kiệm này. Nhưng cũng là những thông tin quý báu về tầm nhìn của ông – không phải là làm giàu cho cá nhân mình mà còn phụng sự xã hội – xây bệnh viện, dựng trường học, và phản đối chiến tranh, mưu cầu hòa bình cho nhân loại.
Một trong những hoạt động do Henry Ford sáng lập ra mà hẳn nhiều người Việt biết tới, đó là Quỹ Ford – hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996, viện trợ cho Việt Nam vô số các dự án và các chương trình về Quan hệ Quốc tế, Sức khỏe sinh sản, Giáo dục và học thuật, Văn hóa Nghệ thuật…
Trong Phần II của cuốn sách người đọc sẽ tìm hiểu sâu hơn về hoạt động của Ford và vai trò của Henry Ford trong việc đưa ra những quyết định góp phần thay đổi thế giới.
Trước hết là ông đã hiện thực hóa được giấc mơ đại chúng hóa xe hơi – xác định khách hàng của Ford sẽ là những người công nhân của chính nhà máy. Sản phẩm của Ford đưa ra đạt tiêu chuẩn: kiểu dáng đẹp, giá rẻ và hệ số an toàn cao. Việc lựa chọn số đông đã khiến Ford thắng thế, và có lẽ đó cũng là điều khiến Ford phát triển, lớn mạnh cho tới tận ngày nay.
Không chỉ phục vụ người dân Mỹ, Ford tiến ra thế giới với “học thuyết Ford” – đó là sử dụng dây chuyền lắp ráp nhằm sản xuất hàng loạt sản phẩm cho thị trường và có một chính sách kinh tế ổn định nhằm giữ ổn định về chính trị và xã hội. Học thuyết này đã được hầu hết các nước công nghiệp phương Tây áp dụng trong những năm trước Thế chiến thứ hai.
Phần III của cuốn sách sẽ giúp người đọc hiểu được căn nguyên thành công của Henry Ford và Ford. Với Henry Ford, đó là một quá trình học tập không ngừng – từ trường học là một phần, phần quan trọng không kém là từ chính thực tế lao động và những người đi trước. Say mê chế tạo, cậu bé Henry Ford đã xin làm thợ rèn ngoài giờ học từ năm 12 tuổi, chính những giờ say mê cùng bác thợ rèn làm việc mà Henry Ford đã chế tạo ra động cơ hơi nước đầu tiên…
Trong Phần IV của cuốn sách - Di sản của Ford, người đọc sẽ thấy bức tranh toàn cảnh về Ford cũng như chân dung Henry Ford giữa những đối thủ cùng ngành, như: Louis Chevrolet, William Durant… Đồng thời, cũng hiểu rõ hơn về Henry Ford qua mối quan hệ với bạn bè, như mối quan hệ thân thiết với Thomas Edison – được coi là mối quan hệ giữa những người phi thường… Cũng trong phần này, người đọc cũng thấy những bước phát triển của Ford, từ Henry Ford cho tới những người kế vị ông, đã cống hiến, thay đổi, cải tạo gì để cho Ford ngày càng phát triển.
Chúng ta học được nhiều điều từ Henry Ford và Ford, trong đó gây ấn tượng nhất hẳn sẽ là chính tự sự của Henry Ford – đặt mục tiêu phục vụ xã hội lên trên lợi nhuận, như chính ông cho rằng: “Chúng ta phải có sản xuất, nhưng tinh thần đằng sau hoạt động sản xuất đó mới là thứ đáng quý nhất. Chúng ta sẽ không thể đạt được điều gì bằng cách tiêu diệt kẻ khác. Kinh doanh sẽ chỉ đạt được thành công khi nhà kinh doanh đặt mục tiêu phục vụ xã hội lên trên nhất.”
Nhận định chuyên gia
Giản Tư Trung, Người sáng lập Tổ hợp Giáo dục PACE
Đó là câu chuyện của ông chủ hãng Ô tô Ford đã ‘đặt cả thế giới lên bốn bánh xe’, làm cho Trái Đất ‘quay’ nhanh hơn khi trao cho đông đảo mọi người trong xã hội cơ hội sở hữu chiếc ô tô – vốn trước đó chỉ dành riêng cho giới thượng lưu và những người giàu có. Chỉ một quyết định giải quyết ‘nhu cầu lưu chuyển’ cho xã hội, Henry Ford đã làm thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta.
Nhận xét độc giả
Thảo luận