Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Mai Phương Cô thầm yêu trộm nhớ Thạch Thanh nhưng Thạch Thanh chỉ yêu và cưới Mẫn Nhu. Họ sinh được hai đứa con trai song sinh: Thạch Trung Ngọc và Thạch Phá Thiên. Thạch Phá Thiên mới 6 tháng tuổi thì... mất tích!
Chính Mai Phương Cô đã đem cậu bé về hoang sơn dã lĩnh ở Triết Giang nuôi nấng, đặt tên cho bé là Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống) để mỗi khi lòng ghen tuông với hạnh phúc của Mẫn Nhu nổi lên, nàng kêu mấy tiếng “cẩu tạp chủng” cho đỡ buồn!
Hai anh em sinh đôi, hai số phận vốn dĩ gắn liền từ đó lại đã rẽ qua hai con đường hoàn toàn khác hẳn nhau…
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook:
Đánh giá của KOMO
“Triệu khách mạn hồ anh
Ngô câu sương tuyết minh
Ngân an chiếu bạch mã
Táp đạp như lưu tinh
Thập bộ sát nhất nhân
Thiên lý bất lưu hành
Sự liễu phất y khứ
Thâm tàng thân dữ danh…”
“Khách nước Triệu phất phơ giải mũ
Kiếm Ngô Câu rực rỡ tuyết sương
Ngân yên bạch mã huy hoàng
Vó câu vun vút như ngàn sao bay
Cách mười bước giết người chẳng trật
Ngàn dặm xa vùng vẫy mà chi?
Việc xong rũ áo ra đi
Ẩn thân rừng núi kể gì tiếng tăm…”
(Hiệp khách hành – Lý Bạch)
Bài thơ Hiệp khách hành của thi tiên Lý Bạch đã nổi tiếng tới mức gần như ai ai cũng biết, trở thành một truyền kì. Nhưng chỉ dựa vào một bài thơ mà có cảm hứng viết được cả một bộ trung thiên tiểu thuyết cùng tên như Kim đại lão gia thì quả thực xưa nay hiếm!
Mười tám năm một lần, Thưởng Thiện Phạt Ác lệnh lại tái xuất hiện trên giang hồ tìm đến các bang hội mời đích danh người đứng đầu đến dự tiệc cháo Lạp Bát trên đảo Hiệp khách. Người nhận được lệnh bài nửa mừng vui nửa lo sợ. Bang hội nào không tuân theo đều bị tiêu diệt, hai sứ giả này võ công cực kỳ cao cường, không có bang hội nào đánh lại. Đã ba lần đảo Hiệp khách đến mời người, và những người đi đều không trở về. Đảo Hiệp khách được bao trùm bởi một màn sương mù bí ẩn, chết chóc, là nỗi khiếp sợ của võ lâm Trung Nguyên, và kiếp nạn này lại sắp xảy ra. Rốt cuộc Hiệp khách Long Mộc đảo là ở đâu? Đảo chủ là ai? Hai số phận vốn là một của Thạch Trung Ngọc và Thạch Phá Thiên vì cớ gì lại đi về hai phía hoàn toàn khác biệt?
Bài thơ cổ phong ngũ ngôn lừng danh của Lý thi tiên đời Đường đã đi vào tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung như thế!
Phóng khoáng!
Mờ ảo, pha chút thần thoại!
24 bức vách của 24 căn phòng khác nhau khắc 24 câu trong bài, công với những hình ảnh minh hoạ nội dung và những lời chú giải mở rộng, ở trên một hòn đảo hoang giữa biển gọi là đảo Long Mộc (hay còn gọi là đảo Hiệp khách). Tới đây, bài thơ cũng đồng thời đã trở thành là bí kíp võ công thượng thừa mà khắp giang hồ ai ai cũng khao khát !
Trí óc tưởng tượng của Kim tiên sinh thật tuyệt vời, khi ông gắn liền những câu thơ của Lý Bạch với những loại võ công khác nhau. Mỗi câu thơ như vậy được khắc trong vách rõ ràng với hình ảnh minh hoạ và lời chú thích ra 24 pho đồ giải để cho mọi người nghiên cứu võ công.
Thế nhưng, trên đời này vẫn còn tồn tại cái mà người gọi là cơ tâm, dùng lý trí để nghiên cứu cho đến chỗ thâm sâu vi diệu bản chất của sự vật. Và do vậy, những hào kiệt anh hùng đến được đảo Long Mộc đều sa vào lý luận; càng lý luận, người ta càng xa rời chân lý, xa rời thực tế. Từ đó mà sa vào cơ tâm của chính mình, có đi mà không có về là vì thế!
Và chỉ một người không có cơ tâm, có tấm lòng chân chất nhất mới tránh được cái bẫy của lí luận mà tựu thành tuyệt thế võ công. Con người đó là một chàng trai không hề biết chữ: Thạch Phá Thiên tức Cẩu Tạp Chủng. Anh đâu cần bài thơ nói lên ý nghĩa gì, câu thơ biểu đạt điều gì (mà cũng không biết được vì bản thân anh làm gì biết chữ). Anh chỉ nhìn nét chữ mà học được công phu. Ví như chữ Hành gồm 6 nét thì anh khám phá ra sáu thế võ tương ứng với 6 nét đó chứ không cần biết, không sa vào phân tích lí luận: Hành là đi hay chạy. Anh cứ lẳng lặng khám phá tự dạng như thế cho đến chữ cuối cùng và đắc thủ một môn thần công, điều mà có những người bỏ ra mấy chục năm vẫn không khám phá được.
Theo phần Hậu kí của chính tác giả, Hiệp khách hành được viết khi Kim Dung vẫn chưa xuất gia sau này nhưng đã có tìm hiểu và thấm nhuần những tư tưởng, triết học của Phật giáo. Thế nên, cả tác phẩm, tựu trung ở nhân vật Thạch Phá Thiên – Cẩu tạp chủng là kiến giải những tâm đắc của Kim tiên sinh về đại ngộ đại pháp. Con người ta nên bỏ lý luận đi vào trực quan; bỏ cái thể đi tìm cái dụng, tiến tới bản sắc dĩ tâm truyền tâm, dĩ ý truyền ý, bất khả tự nghị và thậm chí bất lập văn tự. Con đường đi đến chân bản thể của vạn vật đã hội nhập vào ta.
Đó là nụ cười của khai ngộ, lý hội trực tiếp mà không thông qua một trung gian nào, kể cả trung gian ngôn ngữ, lý luận. Chàng trai dốt nát mà hơn đời Thạch Phá Thiên thành công vì trái tim trong sáng, không tâm cơ.
Như nụ cười vô ưu vô tư của ngài Ma Ha Ca Diếp khi Đức Phật đưa bông hoa lên trước cho các đệ tử nhìn.
Thế thôi!
Nhận định chuyên gia
Vũ Đức Sao Biển
Đi vào trong tiểu thuyết Kim Dung, cả bài thơ Hiệp Khách Hành vẫn được giữ nguyên nhưng nó không còn là một bài thơ nữa. Nó chính là một pho võ công mà ai có tấm lòng chân chất nhất, ít cơ tâm nhất mới nhận ra được.
Nhận xét độc giả
Thảo luận