Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Hồng Lâu Mộng là bộ tiểu thuyết cổ điển vĩ đại nhất của văn học Trung Hoa, do tác giả Tào Tuyết Cần hay là Tào Triêm viết. Hồng Lâu Mộng được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 khi triều đại phong kiến đã bắt đầu mục ruỗng và đi tới hồi kết.
Hồng Lâu Mộng được coi là bộ “tuyệt thế kì thư” (pho sách kì lạ nhất đời), thật sự phản ánh toàn diện và sâu sắc gương mặt văn hóa Trung Hoa, chú trọng vào cuộc sống tinh thần của người thành thị, thể hiện tinh thần dân chủ, phê phán xã hội phong kiến mục nát, phê phán giáo điều cổ hủ, đòi tự do yêu đương và tự do hôn nhân, giải phóng cá tính, khao khát bình đẳng, sống có lý tưởng cá nhân... Cốt truyện dựa trên câu chuyện có thực của dòng họ Tào trước đây.
Tác phẩm mở đầu bằng một huyền thoại, khi thần Nữ Oa luyện đá vá trời xong còn thừa lại một viên đá, tuy không đắc dụng như những viên đá kia, nhưng nó đã trở thành một linh vật, về sau được đưa về cõi tiên giữ chức coi vườn, chuyên lo bón tưới cho một cây giáng châu. Đá có ơn với cây, cây chịu ơn của đá, kết nên một mối duyên nợ, nên cả hai đều phải đầu thai làm người để trang trải mối duyên nợ ấy: đá là Bảo Ngọc, cây là Đại Ngọc.
Từ câu chuyện huyền thoại khởi đầu ấy, tiểu thuyết triển khai bi kịch tình yêu giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc. Họ là hai anh em con cô con cậu, cùng ở chung một nhà từ bé. Bảo Ngọc được bà nội nuông chiều, cho ở trong vườn Đại Quan, sống giữa đám a hoàn nhan sắc như Tập Nhân, Tình Văn... là những thiếu nữ xuất thân nghèo khổ, được họ Giả mua về hầu hạ. Bản chất vị tha tốt đẹp và tính cách dịu dàng của đám nữ tì này đã ảnh hưởng nhiều đến Bảo Ngọc. Ở Giả phủ lúc đó còn có cô em họ Tiết Bảo Thoa ở nhờ. Đó là môt cô gái đẹp, nết na theo đúng khuôn phép phong kiến. Bảo Ngọc cũng có cảm tình với cô. Nhưng chỉ có Đại Ngọc kiều diễm và đa cảm là người duy nhất hiểu được tâm hồn Bảo Ngọc, chàng trai đã chán ngấy cái con đường mòn mỏi học giỏi-thi đỗ-làm quan đang là niềm khao khát kì vọng của cả nhà họ Giả kí thác vào chàng.
Họ yêu nhau nhưng tình yêu của họ đã bị dập vùi trong đau khổ. Cả nhà họ Giả đã quyết định chọn Tiết Bảo Thoa cho Bảo Ngọc bằng kế đánh tráo của Phượng Thư. Bảo Ngọc cứ yên chí là cưới em Lâm, nhưng khi giở khăn che mặt, hóa ra là Bảo Thoa. Còn Lâm Đại Ngọc thì sau cơn ốm nặng đã đau đớn oán hờn đốt thơ, đốt khăn tặng mà chết giữa lúc cả nhà họ Giả linh đình làm đám cưới cho người yêu của nàng.
Bảo Ngọc bỏ nhà đi tu, còn Bảo Thoa thành một quả phụ trẻ đau khổ...
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.38MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học nước ngoài » Kinh điển, cổ điển
Đánh giá của KOMO
Tác giả Hồng Lâu Mộng là Tào Tuyết Cần - vốn sinh ra trong một gia đình đại quý tộc nhưng dần suy vong, tan vỡ khi ông lớn lên. Hồng Lâu Mộng, do đó có thể xem là làn phản quang những hồi ức của Tào Tuyết Cần về cuộc sống quý tộc đã tan vỡ đó. Một mặt, đó là sự nhớ tiếc khôn nguôi những huy hoàng của thời vàng son lộng lẫy, cảm thấy hiện tại tất cả nhuốm màu thê lương, hư vô, tất cả đều xê dịch về phía bế tắc, hủy diệt, tất cả đều đáng ân hận, và chỉ có thể cứu chuộc bằng hư vô, bằng siêu hình, bằng tôn giáo! Nhưng mặt khác, từ trong cuộc sống nghèo khổ hôm nay, quay đầu nhìn lại thì cái khoảng cách lớn lao đó làm cho ông thấy được rõ hơn, khách quan hơn, bình tĩnh hơn những gì ông đã thấy, đã nếm trải về cuộc sống thối nát của giai cấp quý tộc và sự miêu tả khách quan “những quan hệ hiện thực” này làm ông trở thành một nhà hiện thực. Thông qua chuyện tình giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc trong Giả phủ, có thể nói Hồng Lâu Mộng là xã hội Trung Hoa thu nhỏ thời Mạt Thanh và cuộc gặp gỡ của những tư tưởng thời đại.
Hồng Lâu Mộng là tác phẩm đóng dấu sự đổi mới thi pháp tiểu thuyết Trung Quốc. Tiểu thuyết Trung Quốc trước đây, chủ yếu là tiểu thuyết chương hồi như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký... thiên về mô tả hành động, miêu tả hoạt động bên ngoài và lời nói của nhân vật. Đến với Hồng Lâu Mộng, các nhân vật được miêu tả trong sự phát triển đầy mâu thuẫn, sự phát triển biện chứng, có chiều sâu đầy kịch tính. Đơn cử như số phận và tính cách của Bảo Ngọc đã được tác giả miêu tả không đơn giản. Đó là mâu thuẫn giữa khát vọng tự do và sự ràng buộc nặng nề của gia đình và xã hội phong kiến. Đó là tình yêu chân thành và quý báu như chính sinh mệnh của mình nhưng lạ thay, Bảo Ngọc hầu như chẳng làm được gì, chẳng chiến đấu dũng mãnh gì để đoạt lấy hạnh phúc! Các nhân vật khác như Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Vương Hy Phượng… đều được xây dựng gần như một tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
Có thể nói, Hồng Lâu Mộng đã đưa đến cho người đọc những hiểu biết sâu xa về xã hội và về con người với một cách viết chân thực, bao gồm nhiều bút pháp lớn kim cổ. Nó là một cuốn bách khoa sinh động về xã hội Trung Quốc thời xưa. Hồng Lâu Mộng xứng đáng đứng ngang với các kiệt tác của nhân loại.
Nhận định chuyên gia
Lỗ Tấn
Điểm khác biệt của Hồng Lâu Mộng với các tiểu thuyết trước đây là dám tả thật không che đậy… Sau khi Hồng Lâu Mộng ra đời, cách viết và tư duy truyền thống hoàn toàn bị phá vỡ.
Nhận xét độc giả
Thảo luận