Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Khung Rêu là một truyện dài trong 10 tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ, đã đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc vào năm 1971, đánh dấu thời huy hoàng của các cây bút nữ lưu như Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Thanh Phương, Minh Đức Hoài Trinh, Minh Quân, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Lệ Hằng, Trần Thị NGH (Trần thị Nguyệt Hồng), Nguyễn Thị Ngọc Minh, Ngô Thị Kim Cúc...
Quyển sách do Kẻ Sĩ xuất bản vào năm 1969. Sau đó, nó được tái bản cùng với quyển truyện dài Chiều Xuống Êm Đềm; khi tung ra hải ngoại nó được bán đắt như tôm tươi.
Đây là câu chuyện tang thương trong một gia đình địa chủ giàu sang tới hồi khánh kiệt, nhưng nó được lồng vào một thời đại nhiễu nhương, khi mà giai cấp địa chủ tới giai đoạn mạt điệp trong cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh. Tác giả lấy một bối cảnh nhỏ lồng vào một vấn đề lớn lao: cảnh ngộ biến suy dập vùi trên lớp sóng phế hưng, trên khúc quanh của thời cuộc, trong sự vận hành của lịch sử.
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook:
Đánh giá của KOMO
Trong Khung Rêu, là gia đình một ông Phủ về hưu sau khi “một ngàn rưỡi mẫu đất ruộng ở miệt Trà Bang, Hóc Hỏa không còn thâu được thóc lúa, hoa lợi nữa. Đất bị Việt Minh sung công cấp phát cho tá điền. Vườn bị người Pháp phát quang để tránh những trận phục kích của đối phương… Giờ ông Phủ chỉ còn trông cậy vào số lúa ruộng ở miệt An Hương… và đồng lương hưu trí”. Dù sao, ông Phủ vẫn đang hưởng thụ cuộc sống nhàn hạ nhờ sự tần tảo vén khéo của bà Phủ - vợ sau, người đang cố chèo chống con thuyền gia đình, cố níu giữ bề ngoài sung túc thuở xưa. Bốn đứa con trai của ông bà, hai cô cháu gái và những người giúp việc, cùng với họ, hợp thành một xã hội thu nhỏ.
Đó là nơi rèm che sáo phủ, với “Những chiếc lư đồng nặng trĩu kềnh càng, chạm trổ tinh vi. Những chiếc độc bình da rạn cao quá gối… Dãy bàn thờ cẩn những bức tranh bằng xà cừ lấp lánh, màu sắc huyền hoặc. Từng cây cột, kèo đến đầu hồi đều chạm trổ hình hoa quả cầm thú”. Nếu dùng cặp mắt truyền thống để đánh giá, ông Phủ không phải là người có hậu vận viên mãn. Canh – con trai trưởng, là một thứ phá gia chi tử, chỉ nhăm nhăm đòi chia tài sản để vung vãi vào các cuộc ăn chơi trác táng. Tường, là loại đầu óc cạn cợt ỷ lại, chẳng chịu trưởng thành, bỏ nhà đi xây tổ uyên ương với cô gái bị mình làm mang bầu, chỉ mới được tháng trời đã vội quay về vì sợ không tự mình kiếm sống nổi. Còn cậu út Chiêu lại bất hạnh sinh ra trong một hình hài bất toàn: ái nam ái nữ. Chỉ có Thụ là người duy nhất gia đình có thể trông chờ, hy vọng. Vậy mà anh lại “bị thu hút vào cơn trốt khuấy phá chính quyền và cổ võ thanh niên bỏ học đi khu”, muốn “góp công vào đại sự”, “Xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu/Xếp bút nghiêng coi thường công danh”. Việc ông Phủ – bậc trưởng thượng sáng chói và mẫu mực, trong phút giây ma đưa lối quỷ dẫn đường, làm cô đầy tớ được cha đem gán nợ cho mình mang bầu, chỉ là biến cố nhỏ so với cơn bão tố khốc liệt đang làm xáo trộn tận gốc rễ toàn xã hội.
Hai nhân vật nữ đầy bi kịch trong Khung Rêu, là bà Phủ và Tịnh – cháu kêu ông Phủ bằng cậu. Nếu bà Phủ là người thế hệ trước chỉ lấy gia đình làm mục đích sống duy nhất cho đời mình, thì Tịnh là cái đẹp chưa đủ lớn mạnh đang vật vã tìm cách trụ lại trong phong ba. [...] Cái đẹp đã thất bại, đã không tìm ra cơ hội để có thể tồn tại và sống sót trong cuộc loạn ly tàn bạo của lịch sử.
Cuối cùng, chỉ còn Thụ trở về, buồn bã, đơn độc trong ngôi nhà từ đường...
Nhận xét độc giả
Thảo luận