Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Lạc đạn là tên gọi của một truyện dài, có tính chất chủ đề và được lấy làm tên chung cho cả tập truyện của tác giả Trần Thị NgH. Với giọng văn lạnh lùng, sắc sảo, nhà văn đã kể lại những câu chuyện về những người phụ nữ trong bối cảnh miền Nam trước giải phóng và cả ở nước ngoài. Dù ở đâu, các nhân vật của bà cũng đều có mọt điểm chung, ấy là sự day dứt, đau đớn, hoài nghi cuộc sống của chính mình. Các truyện ngắn như: Phòng cho thuê, Cocktail, Sinh nhật, Khoanh vùng, Người đàn bà nằm… vừa mang những nét đặc sắc riêng, vừa có chung một đặc điểm: những cuộc đi tìm bản ngã bất thành.
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn,Phương Nam Book
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.12MB
Đánh giá của KOMO
Trần Thị NgH viết văn từ năm lên 8, và niềm đam mê ấy đã đi theo bà suốt cả cuộc đời. Như nhiều người đã nhận xét, tác phẩm của bà mang dấu ấn tự truyện sâu sắc. Cuộc đời của người phụ nữ trên trang văn có thể gợi nhớ đến bản thân tác giả, cũng có thể là một hình dung cho rất nhiều số phận phụ nữ trong cảnh chiến tranh ly loạn.
Những truyện ngắn và truyện dài trong tập sách này phơi bày những thương tổn cả về vật chất lẫn tinh thần mà thời cuộc đã gây ra cho con người. Giữa thời chiến tranh, những người phụ nữ bao giờ cũng phải cáng đáng cả những trách nhiệm vốn không thuộc về họ. Bà mẹ của Nguyệt trong truyện dài Lạc đạn làm trụ cột cho cả gia đình đông con. Trong khi đó, người chồng của bà hiện ra như một kẻ nghiện ngập, bạc nhược. Những người đàn ông khác trong câu chuyện cũng đều mang những tính cách không mấy tốt đẹp. Họ mang đến cho Nguyệt những nỗi đau, những thất vọng, và càng ngày cô càng trở nên cô đơn, lạc lõng hơn. Có thể hình dung Lạc đạn như một ẩn dụ về tình cảnh của con người trong thời chiến (truyện được viết năm 1968). Nơi mặt đất giao tranh và đầy nguy hiểm đó không có chỗ cho tình yêu, cho niềm hy vọng, chỉ có những người đàn ông khô cằn, giả dối, và những người đàn bà tuyệt vọng.
Cùng thế hệ với các nhà văn nữ khác như Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Túy Hồng, Thụy Vũ, Nhã Ca,…Trần Thị NgH đã tạo được một dấu ấn riêng cho mình, đồng thời thể hiện tinh thần mới của thời đại: chủ đề tự do, những vấn đề tình dục, giới tính, đồng tính,… Những đoạn văn miêu tả cảm xúc phức tạp, đa chiều của người phụ nữ, những quan điểm của phụ nữ về tình yêu, tình dục, cho đến bây giờ vẫn có thể khiến bạn đọc ngỡ ngàng về tính mới mẻ và sâu sắc.
Nhận định chuyên gia
Hồ Liễu – Tạp chí Sông Hương
Ở Trần Thị NgH, cái đặc sắc nhất không phải là bút pháp trực diện, lối viết cá tính, táo bạo, đầy suy tư, và giọng văn lạnh, sắc; mà là sự đi vào trong cảm nghiệm xã hội, cảm nghiệm con người bằng chính bản thân mình. Đó là sự tự phẫu thuật, mổ xẻ mang hơi hướm Frida Kahlo. Trần Thị NgH ôm lấy thân phận phụ nữ và có những cảm nhận sâu xa, đồng điệu. Chị ngó vào bên trong, đặt mình là chính trong khi các nhà văn nữ khác vẫn còn đứng ở ngoài nhìn vào, đặt tương quan ở giữa và bị đứng lại ở một số giới hạn nào đó. Hình ảnh người phụ nữ xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm của chị. Và cái đồng cảm của Trần Thị NgH là sự đồng cảm theo dòng nữ.
Nhận xét độc giả
Thảo luận