Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Trong làng văn học Việt Nam rất hiếm có nhà văn nào nhận được sự yêu thương, mến mộ từ nhiều thế hệ độc giả khác nhau như nhà văn Tô Hoài. Nếu các bạn nhỏ biết đến ông như một người bạn dí dỏm, đáng yêu qua kiệt tác Dế mèn phiêu lưu ký và series truyện ngộ nghĩnh về loài vật, thì độc giả lớn tuổi biết đến ông như một cây đại thụ của làng văn với nhiều tác phẩm đã trở thành những tượng đài bất tử như Vợ chồng A Phủ, Cứu đất cứu mường, Chuyện đầm sen đền Đồng Cổ…
Tưởng nhớ một năm ngày Cụ trở về với cát bụi, Phương Nam Book đã cho xuất bản và tái bản những tuyệt phẩm để đời của nhà văn, như một lời tri ân sâu sắc kính dâng lên Cụ.
Bộ sách gồm 9 tác phẩm, bao gồm 4 tiểu thuyết, 3 truyện ngắn và 2 bút ký:
Bộ ba tiểu thuyết Quê Nhà, Quê Người, Mười Năm là những tác phẩm đặc sắc, nằm trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1. Ba tiểu thuyết tuy được viết trong những khoảng thời gian khác nhau, về những con người, những hoàn cảnh cụ thể khác nhau, nhưng lại là sự nối tiếp một cách có hệ thống trong dòng chảy lịch sử của vùng quê nơi nhà văn sinh ra và lớn lên. Quê Nhà là bức tranh tái hiện lại cuộc chiến đấu anh dũng của những anh hùng vô danh, những người mà trước đó tay chỉ quen với việc cấy việc cày việc nhà việc cửa nay lại dũng cảm đứng lên giương cờ nghĩa trong những năm đầu khi thực dân Pháp xâm lược. Quê Người là cảnh quê hương bị chiếm đóng. Những con người hiền lành chất phác của vùng quê ấy phải sống trong cảnh khốn đốn khi cái nghèo đói bủa vây. Người phải tha hương nơi đất khách, người ở lại chơ vơ, lạc lối ngay trên chính mảnh đất quê nhà. Mười Năm đưa người đọc hòa mình vào không khí sục sôi của vùng quê ấy những ngày vùng lên xóa tan xiềng xích. Đó là Mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng Tháng Tám.
Khách Nợ là nét vẽ thực về những con người, những cảnh đời khốn cùng ở làng quê nghèo ngoại thành Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám. Với cách kể chuyện bình dị, nhẹ nhàng, không màu mè, hoa mỹ, từng câu chuyện, từng số phận cứ từ từ xuất hiện, họ sống, chết, đói khổ, đau thương… chân thật đến ngỡ ngàng nhưng cũng xót xa đến ngỡ ngàng. Trong tập truyện không thể không kể đến những trang viết độc đáo, đầy hấp dẫn về loài vật như Đôi ri đá, Chú gà trống ri, Mụ ngan… Những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt, nhưng góp phần không nhỏ phơi bày những hiện trạng xã hội thời bấy giờ.
Chiếc Áo Xường Xám Màu Hoa Đào là một trong số ít những tập truyện viết về đời sống cơ cực, lay lắt, mù mịt, bị đàn áp nặng nề của các dân tộc miền núi Tây Bắc trước 1945. Tập truyện là quá trình vùng lên thoát khỏi xiềng xích đến với chân trời mới của những số phận bé mọn khao khát tự do. Với lối kể chuyện tự nhiên, giọng văn khi dửng dưng, khi đanh thép, lúc bùi ngùi, lúc lại đầy kịch tính, con người vùng cao với bao đau thương, bất hạnh đã được khắc họa rõ nét với những A Phủ, Hùng Vương, Mỵ, bà Ảng… Đặc biệt, đây là lần đầu tiên nỗi đau thương, cuộc sống bất công của người phụ nữ miền núi Tây Bắc được đề cập đến với cái nhìn đầy cảm thông và chia sẻ.
Chuyện Để Quên là tuyển tập những truyện ngắn viết sau năm 1945. Cũng là khung cảnh làng quê nghèo miền Tây Bắc ấy, nhưng với một tâm thức hoàn toàn khác, lòng người có cách mạng dẫn lối dường như bừng tỉnh sau ngàn năm say giấc, tươi sáng hơn, rạng ngời hơn. Những câu chuyện gắn liền với một thời kỳ tranh đấu hào hùng của dân tộc, những câu chuyện của hi sinh, mất mát, của chiến tranh ác liệt… của những năm tháng không thể nào quên.
Miền Tây mở đầu bằng hình ảnh đoàn ngựa thồ của Khách Sìn thồ hàng buôn lên Phiềng Sa. Đoàn ngựa thồ của chủ hàng họ Đèo mang theo cùng với hàng hoá là bao đau thương nhọc nhằn cho người dân trong tối tăm, cực khổ. Mang theo cùng với hàng hoá là bao oán thù mà hậu quả cuối cùng vẫn chỉ là người dân con sâu cái kiến gánh chịu. Đó là câu chuyện của ba anh em Thào Nhìa, Thào Khay, Thào Mỵ, là nỗi đau, nỗi khổ và cũng là niềm vui của người mẹ Giàng Súa - người phụ nữ Mèo đã thành một biểu tượng đặc sắc trong văn Tô Hoài. Tô Hoài quả đã dành nhiều tâm sức để xây dựng hình ảnh những nhân vật như: thôn trưởng Pàng, chủ tịch Soá Toả, ông già người Xá, chú bé Huổi Ca, và Nghĩa, anh cán bộ miền xuôi.
Ký Ức Đông Dương và Ký Ức Phiên Lãng là hai tập bút ký đặc biệt của nhà văn. Đó là những trang viết thấm đẫm tình hữu nghị sâu sắc với những quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà tác giả đã có dịp đặt chân đến. Nếu như Ký Ức Đông Dương là câu chuyện ấm áp về những người bạn láng giềng thân thiết Lào và Campuchia thì Ký Ức Phiên Lãng là những hồi ức xinh đẹp, sâu lắng đầy cảm xúc về những con người, những vùng đất ở những châu lục khác nhau, tưởng chừng như rất xa xôi nhưng lại quá đỗi gần gũi. Tình anh em sâu đậm, thắm thiết, bền chặt của những dân tộc bị áp bức cùng đứng lên chiến đấu đập tan gông xiềng nô lệ. Đó là đất nước Lào với những con người hiền hòa mến khách. Là một Campuchia vừa thoát khỏi bọn diệt chủng, cả nước đang oằn mình xây dựng lại cuộc đời mới. Là một Ê-ti-ô-pi-a đang đương đầu với chiến tranh nhưng đâu đâu cũng rộn vang tiếng hát của hi vọng. Những em bé Ca-dắc-xtan vẫy tay ríu rít, miệng hô vang Hồ Chủ tịch muôn năm!... Việt Nam muôn năm!... Một Mát-xcơ-va thân thiện, đi đến đâu cũng nghe người dân chào Đồng chí Việt Nam… Dưới bàn tay nhào nặn bậc thầy của nhà văn, tất cả đã được tái hiện một cách rõ nét và sinh động hơn bao giờ hết. Nó sẽ mãi mãi là những ký ức đẹp trong lòng tác giả cũng như trong lòng người thưởng thức.
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook:
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Tiểu thuyết VN
Nhận xét độc giả
Thảo luận