Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: Quê người, Mười năm, Quê nhà. Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.
Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng Tây Bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).
Tiểu thuyết Mười Năm tập trung vào bối cảnh 1935 đến 1945, đúng mười năm cái hạn để Cách Mạng Tháng 8 thành công, để miền Bắc được giải phóng trong điệu hoan ca. Đó là câu chuyện của những thanh niên làng Hạ, một làng chuyên nghề buôn tơ dệt cửi. Họ là những tầng lớp thợ bình dân như Lạp, Trung, Ba, hoặc nhà có tí gia sản nên được học hành như An, Lê. Họ cùng làng, lớn lên cạnh nhau, chung vai sát cánh cho phong trào đấu tranh đầu tiên chống lại ách thuế thân hà khắc. Và rồi trong vòng xoay thời cuộc, trước ngưỡng thực dân phát xít, một cổ hai tròng, mỗi người dạt theo một hướng, nhưng tim vẫn đau đáu vận nước.
Đến nay, hơn năm mươi năm đã qua, để thấy được nguyên nhân sâu xa những điều tâm huyết của Tô Hoài với một vùng đất ông từng gắn bó; trải qua ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngày nay đương bước vào giai đoạn xây dựng đất nước hùng vĩ chưa bao giờ từng có, Phương Nam Books xin được tái bản cuốn tiểu thuyết này.
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.78MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Tiểu thuyết VN
Đánh giá của KOMO
Dòng chảy của mạch truyện Mười Năm là dòng chảy lịch sử. Thuở Nhật ngấp nghé hất cẳng Pháp, thì ở làng Hạ, các thanh niên nhiệt huyết cũng bắt đầu tụ họp với nhau, bắt đầu học chữ, đọc sách, viết báo. Dùng áp lực đám đông và sức mạnh con chữ để tuyên truyền, chống lại mức thuế vô lí trong làng. Lạp từ anh thợ dệt cửi, bất bình khi phải đóng gấp đôi tiền thuế trong khi đã khai báo mình thuộc tầng lớp vô sản, bắt đầu học chữ, học viết báo, học thế nào là đấu tranh cách mạng. Thông qua những trí thức làng như An, bọn người của Lạp được tiếp xúc với người làm tuyên truyền, được học chính trị, lập hội ái hữu, sinh hoạt chính trị. Và rồi hạt giống của giai cấp vô sản đấu tranh gieo mầm từ những thôn làng làm chột dạ kẻ xâm lăng.
Một trận càn của mật thám, hội của Lạp bị tan rã. Lê dạt về phương Nam, trên đường vượt qua bao gian nan hiểm cảnh, nhưng anh vẫn tìm đến với quân giải phóng. Lê bốc đồng, nóng tính, cái chí đánh giặc của anh thì luôn hừng hực, không chỉ quanh quẩn làng Hạ. An bị bắt về bốt, đặt trước đòn tra tấn. Nhà An có của lo cho con trai thoát nạn. An như con chim sợ cành cong. Từ một người tiên phong do lợi thế học nhiều, An hóa ra nghi ngờ, nhút nhát, tránh xa bọn Lạp và Trung, không dám đánh bạn, không dám tiếp tục theo đuổi lí tưởng. Tận trong tim An, biết hổ thẹn, chứng tỏ cái tình vì dân vì nước hãy còn, chỉ chờ vượt qua bóng tối bản thân, để rồi trở thành “đồng chí Chủ tịch” năng nổ, dốc lòng dốc sức vực dậy ngôi làng của mình trong đổ nát.
Kể về giai đoạn trước 1945, tác phẩm cũng không quên khắc họa nạn đói khủng khiếp khiến người chết như rạ ở miền Bắc. Nhà văn phác họa thảm cảnh đó chỉ bằng một phiên chợ. Những đứa trẻ gầy teo trần truồng tranh nhau hút lấy những cái vỏ ốc vốn chỉ còn bùn đất. Người ta phải mua “bánh khô dầu” vốn để làm phân bón ruộng về mà lót dạ. Trong cảnh bần cùng, con người phải ăn cắp ăn trộm tìm đường sống, rồi bị bắt, bị cột vào gốc cây gạo, bị gọt gáy bóc da đầu, tứa máu mà chết. Đến nỗi ông già quản chợ chuyên bắt kẻ cắp cũng trở thành phường trộm cắp và bị đánh đến chết. Nạn đói đã lấy đi sinh mạng cả nhà Ba. Anh trộm được tờ bạc một hào nhất quyết không nhả dẫu bị đánh đến không còn ra hình người, hòng mang về cho cha già và em gái qua một vài bữa đói. Ba gục xuống trong nỗi uất hận khi cái hẹn làm cách mạng với Lạp chưa thành. Người cha cũng đành đào hố cạnh con trai nằm chờ chết, mặc lũ kiến phủ đầy qua người. Nhàn mất hết người thân, lay lắt chờ Lạp quay về, cũng lả đi và chết đói trong vòng tay người yêu. Mối tình đầu kết thúc bằng cái giẫm đạp của nạn đói, khắc sâu trong lòng Lạp nỗi đau khôn nguôi dẫu niềm vui giải phóng đang lan tràn khắp chốn. Trong khói lửa thương đau, hãy còn cái tình của Hai Tâm với Lạp, của Đảng viên Trung và cô Gạch lông bông đã giác ngộ cách mạng. Những bi thống, những day dứt, khốn khó, hào khí, thương yêu mười năm đằng đẵng, đến cuối cùng, người trong cuộc nhìn lại ngỡ như cái chớp mắt.
Mười Năm là cái nhìn bó hẹp vào cuộc chuyển mình, vùng vẫy giành lấy độc lập của làng Hạ, nhưng là hình ảnh phản chiếu toàn cục đất nước. Mười năm trước giải phóng đó, những con người từng lặn ngụp giữa loạn lạc, có lẽ suốt đời không thể quên.
Nhận xét độc giả
Thảo luận