Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Trong thoáng xuân Hà Nội là tập thư từ, ghi chép của Lại Nguyên Ân soạn ra nhân dịp 35 năm thành lập Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (tháng 5/1976) - nơi ông từng làm việc suốt 30 năm liền (1977-2007). Tài liệu trong tập sách này chủ yếu ghi chép những sự kiện diễn ra từ năm 1986-1990, khi đời sống văn nghệ trở nên sôi động với công cuộc Đổi Mới do Đại hội Đảng lần thứ VI khởi động.
Cuốn sách chia thành 3 phần:
Phần 1 với tiêu đề Thư Hà Nội: tập hợp 20 bức thư ông viết cho những người bạn của mình: Vương Trí Nhàn, Lê Ngọc Trà, Ý Nhi… kể về các sự việc và con người trong đời sống văn nghệ ở Hà Nội đương thời.
Phần 2 với tiêu đề Những trang ghi chép rút từ sổ tay bao gồm những ghi chép còn lại trong sổ tay công tác của tác giả những năm kể trên (từ 1986 đến 1988); đây thường là ghi chép khi tham dự các cuộc hội họp, thảo luận, tranh luận trong giới văn nghệ đương thời.
Phần 3 với tiêu đề Văn học Việt Nam thời kì đổi mới chính là tên một đề cương tác giả biên soạn từ năm 1998, dùng để hướng dẫn một số thực tập sinh, nghiên cứu sinh nước ngoài khi đó được giới thiệu đến Việt Nam để nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, văn học Việt Nam thời đổi mới.
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.39MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Khoa học xã hội » Nghiên cứu, phê bình văn học
Đánh giá của KOMO
Trong ba phần của tập sách Trong thoáng xuân Hà Nội của Lại Nguyên Ân, phần đặc sắc nhất, gợi nhiều suy tư nhất có lẽ là phần Thư Hà Nội. Phần lớn những bức thư trong phần này ông gửi cho nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: 18 bức, chỉ có 2 bức là gửi cho Ý Nhi. Thoạt tiên, khi tiếp xúc với phần thư từ, người đọc có thể mang chút cảm giác xâm phạm đời tư người khác vì ông bàn đến những vấn đề khá nhạy cảm, có thể ảnh hưởng lớn đến những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình Việt Nam nổi tiếng như: Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Hà Minh Đức, Phan Cư Đệ… Tuy nhiên, dần dần sau những câu chuyện riêng tư của đời sống văn chương; những mẩu tin vụn vặt về tư thù, yêu ghét trong giới nghệ sĩ, ta nhận thấy những suy tư về thời cuộc của ông ngày càng hiển lộ, đặc biệt là trong những bức thư ông viết cho Vương Trí Nhàn ở năm 1988. Chẳng hạn như việc khi nghe tin Xuân Quỳnh chuẩn bị chuyển sang làm biên tập thơ, ông đã viết cho Vương Trí Nhàn: “giới làm thơ lo Quỳnh về sẽ kéo theo một lối biên tập khác, chọn khác, khó chấp nhận những kiểu thơ đổi mới; tất nhiên thơ L.Q.Vũ sẽ được in ngay thôi.” Nhưng không phải ông chỉ đưa ra câu chuyện đó như kiểu tán dóc thiên hạ, từ việc người ông lại suy tư đến việc mình, đến thời cuộc: “sao Tác Phẩm Mới thường chỉ in văn học loại 2 - 3 của thế giới? Nhưng tác dụng chả mấy. Sách bây giờ cứ phải kinh doanh, cả sách phê bình cũng cứ phải xấu hổ khi xuống đến phòng quản lý xuất bản. Cái nghề của ông Nhàn và tôi xem ra cũng chả chắc chắn gì.”
Đọc Trong thoáng xuân Hà Nội, người đọc có thể cảm nhận rõ những bức xúc của ông về việc chọn sách để in ở các nhà xuất bản, việc cải cách đổi mới không tới nơi tới chốn, vụ Nhân văn giai phẩm, cách ứng xử theo kiểu chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân của nhà văn Nguyễn Khải cũng như một số nhà văn khác nằm trong diện cán bộ. Vì người đọc bình thường có thể không kiểm chứng được thực hư của những vụ việc nội bộ mà ông viết trong thư từ, ghi chép nên đôi lúc sẽ tự đặt câu hỏi chất vấn: ông công bố những tư liệu cá nhân này với mục đích gì? Dù ngay lời dẫn, tác giả đã ghi rất rõ mục đích của mình: “…những tư liệu do cá nhân ghi chép và lưu giữ này, thiết tưởng cũng có ý nghĩa như những quan sát của một nhân chứng, một người trong cuộc. Tác giả công bố các ghi chép này chính là với ý nghĩa như vậy”; nhưng mỗi người đọc có lẽ đều sẽ có những câu trả lời khác nhau khi tiếp xúc với tập sách này.
Điểm đáng quý nhất của Lại Nguyên Ân thể hiện qua Trong thoáng xuân Hà Nội có lẽ là việc sẵn sàng thay đổi cách nghĩ về con người, về sự việc nếu nhận ra những suy tư ban đầu của mình có thể không đúng. Thoạt tiên, khi nghe tin nhà phê bình mĩ thuật Nguyễn Quân vừa từ Ba Lan về ông viết: “Ng. Quân đi Ba Lan hay LX. gì đó, nghe nói về rồi mà mình không gặp. Q. cũng trở thành người khác hẳn. (Q. Chiến vừa giành được giải Grimm như Quân rồi!). Trường hợp của Q. và của nhiều người thành đạt tương tự cứ khiến mình nghĩ: không rõ mỗi chúng ta sẽ đổi thay thế nào nếu họa chăng có một chút chức tước nào đó? Con người bên trong thì không rõ, chứ con người bên ngoài, ứng xử, thì khác rõ lắm. Có lẽ vì tất cả bọn ta đều mỏng quá về văn hóa đến nỗi rất dễ thay đổi chăng?” Nhưng sau đó, ông thay đổi suy nghĩ về Nguyễn Quân: “Nhìn bề ngoài thì từ khi Q. làm, bộ mặt mỹ thuật rõ ra trước xã hội, hoạt động mỹ thuật có sinh sắc. Nhưng không hiểu sao họ ghét Q. đến thế,” và thẳng thắn thừa nhận rằng: “Nó có những tư tưởng về nghệ thuật học, về văn hóa cực kỳ sắc sảo, táo bạo, khiến tôi rất thèm.” Năm 1990, khi viết thư cho nhà thơ Ý Nhi, ông cũng đã có những thay đổi trong suy nghĩ về việc chống lại cái cũ, cái lỗi thời trong quản lí văn học: “Bây giờ cái cần bồi dưỡng ở anh em là một ý thức làm việc cho văn hóa dân tộc, làm hết sức, làm kỹ lưỡng. Thời la hét qua rồi. Để cho bọn “hằm hằm” la hét, la liếm và tỏ bày lòng trung thành trước các quan trên. Bọn họ từ chối “sám hối” thì mặc cho họ “tự hào”. Ta phải thấm, phải gánh lấy cái nhục của dân tộc nhược tiểu, thiếu văn hóa, không phải gánh trên tuyên bố mà là trong việc làm, tìm cách khắc phục. Mình tự bảo mình rằng nếu ta không viết được cái gì có thể “sống qua thời gian” được thì ta cũng phải chết như họ thôi, đáng làm dòi bọ cả thôi, hơn gì đâu.”
Vì lẽ đó, mặc dù Trong thoáng xuân Hà Nội Lại Nguyên Ân chủ yếu viết về văn học nhưng càng đọc, càng thấu cảm những suy nghĩ của ông, ta sẽ càng thấy có nhiều bài học về chuyện đời, về lí tưởng sống, về tri thức, những cách ứng xử giữa người và người… Những vấn đề tồn tại trong nền văn học nước nhà dù ông đã viết từ 1986-1991, nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự vì các việc ấy vẫn đang là thực trạng hiện tại đáng để người yêu văn học suy nghĩ.
Nhận xét độc giả
Thảo luận