Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Mưa đắng là tập truyện ngắn gồm 14 truyện của nhà văn Chu Thu Hằng theo đề mục như sau:
- Trở về
- Cuối con đường
- Phóng sinh
- Ngày trở lại
- Hắt Xì Band
- Tưởng vọng cho mùa
- Cho mãi nhớ thương
- Cổ tích mùa hè
- Ngày nhớ
- Thanh thản
- Hoa khói
- Nghỉ hè
- Gọi tên mùa xuân
- Mưa đắng
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.44MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Truyện ngắn, tản văn
Đánh giá của KOMO
Tập truyện ngắn Mưa đắng của Chu Thu Hằng là những mảnh kí ức của tình yêu tuổi học trò, của những suy tư về cuộc sống trong lòng người trẻ… và của những cơn mưa cảm xúc. Chu Thu Hằng luôn mở đầu những truyện ngắn trong tập truyện này bằng những câu văn tả mưa hay tả cảnh như: “Tôi trở về vào một ngày u ám. Không có ai ra đón, lúc ấy mới sáu giờ sáng, quá sớm để một ai đó trong gia đình bé nhỏ hay đám bạn bè ồn ào của tôi chui ra khỏi nhà, đi dưới bầu trời xám xịt và ẩm ướt, ra ga xách giùm tôi đống hành lý nặng trĩu.” (Trở về); “Khoảng sáu giờ, mưa bắt đầu nặng hạt hơn. Bầu trời hồng lên, sóng sánh như màu rượu anh đào. Và lạnh. Hơi lạnh âm ẩm len qua những khe cửa sổ, buôn buốt trong ngực.” (Cuối con đường); “Chiều đầu xuân, mưa âm ẩm, trời xám, không lạnh nhưng buồn.” (Ngày nhớ); “Gió se se lạnh, trời bàng bạc xám. Tán bàng chạy dọc đường Tràng Thi vẫn chưa thay màu, xanh xỉn, mờ mờ một lớp bụi phủ, cũ kỹ.” (Hoa khói)… Như thế, cái tên Mưa đắng đã thâu tóm toàn bộ tinh thần chung trong tập truyện ngắn này khi những câu chuyện đều diễn ra trong mưa, trong thời tiết ẩm ướt, trong những ngày bầu trời xám xịt. Không những thế, mưa còn nói thay tâm trạng nhân vật, như một thanh âm cất lên hòa cùng cảm xúc chất chứa trong truyện. Chẳng hạn như trong truyện ngắn Cho mãi nhớ thương, để nói lên nỗi niềm của người con gái nhớ người yêu xưa, tác giả đã cho mưa xuất hiện như thế này: “Đôi lần, thành phố đổ mưa, tôi tựa cửa, nhớ đến cơn mưa SG, và âm thầm, tôi khóc, khóc cho một giấc mơ ngày xa xưa… N đi làm về, gọi toáng lên từ cổng, làm tôi sực tỉnh, vội quay về với công việc của mình, bổn phận của mình, để cho những hạt mưa vẫn lướt thướt bay giăng giăng đầy trời…”
Chu Thu Hằng viết các truyện ngắn trong Mưa đắng vào những năm 90. Vì vậy, khi đọc tập truyện này, người đọc sẽ có cơ hội hòa mình vào lại không khí của thập niên 90 với những trào lưu văn hóa mà giới trẻ Việt Nam ngày đó từng yêu thích như: nhạc Backstreet Boys, Spice Girls… đều được tác giả biến thể lại một cách hài hước thành Backstreet Girls, Spice Boys trong truyện Hắt Xì Band; những bản nhạc như Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, Như đã dấu yêu, Muộn… cũng được lồng ghép trong truyện.
Văn phong của Chu Thu Hằng trong tập truyện ngắn này mượt mà nhưng về cách cấu trúc truyện có nhiều sự lặp lại: luôn là phong cách tả cảnh rồi tả tâm trạng nhân vật, dùng cảnh nói lên tình. Vì vậy, đôi chỗ trong một số truyện ngắn của Chu Thu Hằng dường như giống tùy bút, tản văn với những dòng cảm xúc được kết nối lại với nhau hơn là một truyện ngắn có kết cấu và cốt truyện rõ ràng. Có lẽ, tác giả muốn đem đến cho người đọc những câu chuyện như một cơn mưa cảm xúc, mà đã là mưa thì mọi thứ trong mưa không thể nhìn thấy rõ ràng bởi vì chi tiết đã được gột rửa.
Nhận xét độc giả
Thảo luận