Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Tập Giấc mộng ông thợ dìu bao gồm hơn 80 ghi chép, bút ký, tạp văn của cố nhà văn Tô Hoài, không theo chủ đề nhất định. Có khi đó là những hồi ức của ông với những bạn văn, có khi là những chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống chung quanh mà ông quan sát được. Và, với con mắt nhà văn, đằng sau mỗi chi tiết nhỏ nhặt tầm thường đều có câu chuyện để suy, để ngẫm.
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.7MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Truyện ngắn, tản văn
Đánh giá của KOMO
Tiếp cận với những dòng văn đầu tiên của cuốn sách, độc giả có lẽ sẽ hoang mang, không rõ mình đang xem gì. Là tạp văn? Hay truyện ngắn? Hay bút ký? Không quan trọng, thực ra con người ta bắt đầu định nghĩa gọi tên nhiều loại để tiện cho việc nghiên cứu thống kê, định lượng, chứ một nhà văn, đặc biệt là người thích viết như Tô Hoài, ông chỉ viết, cái gì cũng viết, để suy nghĩ của mình được trải ra trên mặt giấy, qua những con chữ. Giống như việc chúng ta viết blog, viết status Facebook hiện nay, tập Giấc mộng ông thợ dìu bao hàm những lối nghĩ có khi hài hước, có khi châm biếm, lắm lúc trăn trở của tác giả. Chỉ qua màu chữ, độc giả sẽ nhìn thấy cuộc sống muôn sắc chung quanh ông, sự bình dị của một cây bút đại thụ văn học Việt Nam.
Hoài niệm một chút khi tác giả nhìn thấy những cửa hàng phở khang trang mọc lên khắp nơi và đâu đâu cũng đè chữ “gia truyền, cổ truyền”, chúng ta biết rằng ở thời của ông “làm gì có thứ phở cổ truyền”. Phở là một món quà vặt tân thời người ta gánh đi bán khắp nơi. Dí dỏm, trào phúng, ông chỉ đang phản ánh hiện tượng dùng bừa bãi từ “cổ truyền”, chẳng khác gì một kiểu treo dê bán chó.
“Thợ dìu”, tác giả không nói, có lẽ độc giả cũng không nhớ rằng đó là tên gọi một thời của những ông thầy dạy nhảy đầm tây phương. Một cuộc dạo chơi bên cái thú nhảy đầm đang lên của người thành phố, tác giả từ một người biết nhảy, đã thành ra nhà quê và không thể làm gì khác hơn trong một cái sàn nhảy, đó là cố tránh “không đạp chân, không thúc vào bẹn” người nhảy chung.
Hoặc như, chúng ta lại theo cha đẻ chú Dế Mèn quay lại thú chơi dế thời nay. Mèn của ông có thể vác túi chu du bốn bể. Nhưng dế của bọn trẻ con bây giờ nằm trong lồng tự chế, đợi được cho ăn, chọc không thèm đá. Tiếng kêu reng réc mà nếu nghe hiểu người ta mới dám chắc là tiếng reo vui hay tiếng kêu la thảm thiết. Dế chết dần chết mòn trong lồng, đến cuối cùng ông đã thả nó ra, nó gáy một trận hoành tráng và đi mất, như Dế Mèn của ông ngày xưa được phiêu lưu.
Nhà văn là người thích đi, thích lang thang, thích quan sát, không chỉ ngắm nghía những cái đẹp, mà tài tình ở chỗ bắt được cái hay trong điều tưởng chừng vớ vẩn. Chiều ba mươi lang thang phố phường. Người ta ngắm chợ, ngắm đào, ngắm phố bán liễng đỏ hân hoan. Tô Hoài lại chỉ ngó vào bãi rác mà nhớ đến một xóm người ta sống bằng nghề bươi rác, người ta vẫn sống mà đón Tết. Ông nhìn ra bờ hồ, không có cá có tôm, người dân vẫn tìm được cái sinh nhai, những nghề không thể gọi tên, chẳng hạn như người đàn bà vớt “kéo lưới” lư hương. Hay quanh quẩn chút nữa ông gặp thằng nhỏ đánh giầy không cầm đồ nghề để đối phó với lệnh đuổi trẻ lang thang khỏi phố phường ngày Tết đến.
Tô Hoài chỉ kể lại cho chúng ta nghe những gì ông thấy, ông bỏ lửng, ít bình luận. Và có khi đó chính là sứ mệnh của người cầm viết. Họ chỉ viết lại những điều họ chứng kiến và khán giả hãy lí giải theo quan điểm của mình.
Cuốn sách Giấc mộng ông thợ dìu thực sự mơ hồ và mông lung nếu ta cố tìm kiếm chủ đề khi đọc. Nhưng nó cụ thể, rành rành trước mắt nếu ta chỉ đơn giản đọc nhẩn nha và thẩm thấu từ từ.
Nhận xét độc giả
Thảo luận