Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Viết về nước Mỹ là bộ sách gồm 6 cuốn Hoa ve chai trên đất Mỹ, Nợ tình một món trứng chiên, Lễ tạ ơn, Nước Mỹ, người Mỹ trắng và tôi, Cơm áo xứ người, Chuyện đời một nữ sinh viên tập hợp những mẩu chuyện ngắn đời thường, ấm áp mà dung dị. Không quá trau chuốt từ ngữ, không quá phức tạp về cấu trúc, những mẩu chuyện có đôi khi lãng đãng, mênh mang nhưng lại mang đến những cảm xúc khó tả. Cười đó, rồi lại chợt thấy lồng ngực tức nghẹn và bờ môi mặn đắng.
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.46MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Truyện ngắn, tản văn
Đánh giá của KOMO
Nước Mỹ vững chãi và to lớn, ôm ấp vào lòng những con người bé nhỏ, chỉ mong mỏi một hạnh phúc nhẹ nhàng. Nước Mỹ với thăng trầm đau khổ, với nước mắt, nụ cười của những con người Việt Nam. Những mẩu truyện ngắn tựa hồ như thước phim quay thật chậm, chiếu nên những người già hóm hỉnh, những người mẹ thương nhớ con đến quay quắt, hay cẩn thận khắc họa một câu chuyện tình êm đẹp. Ở phương trời xa ấy, những con người Việt Nam bình dị, từng ngày đối mặt với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền nhưng vẫn dưỡng nuôi một tâm hồn tình cảm, lãng mạn, hài hước xen lẫn chút khắc khoải, hoài niệm về ngày xa xưa cũ.
Có những người trung niên, đặt chân lên đất Mỹ từ thưở chỉ là những cô cậu nhóc, đã sớm thấm đượm nỗi đau khổ buồn tủi của một thằng nhóc da vàng mũi tẹt lạc loài, giữa những đứa bạn nói thứ ngôn ngữ mà mình nói không rành, nghe không hiểu. Và cũng chính những con người ấy đã tự nhủ với nhau rằng “ngôn ngữ, kiến thức là một điều vô cùng cần thiết nhưng có đôi lúc bằng chính con tim và tấm lòng, người ta vẫn có thể đến với nhau một cách dễ dàng nhất.” Họ vượt qua bao sóng gió cuộc đời, từng ngày lớn lên, vững chãi, an nhiên vì họ còn có những người thân cùng sát cánh, những người bạn bản xứ nhiệt tâm, “vì nơi đây, tôi may mắn có được một cuộc sống tự do, có cơ hôi gặp gỡ những người bạn chân thành, những tâm hôn biết yêu quý những giá trị phục vụ, luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh.”
Cũng có những người, sống tại Mỹ nhưng tâm hồn vẫn cứ day dứt miên man về ngày xưa cũ tại quê nhà. Nhớ mãi những kỉ niệm bên cây đàn nhỏ, bên xe bán bột chiên hay chỉ là những tác phẩm văn học nước nhà. Họ nhớ những mái trường trung học, nơi chất chứa bao trong sáng tuổi học trò, bao đẹp đẽ của những bài thơ, bài hát. Qua đến nơi này rồi, trải qua bao biến cố rồi, thế mà hình ảnh ngày hôm qua ấy vẫn cứ mãi còn, “lật tấm hình xưa thăm dĩ vãng, kí ức buồn như một vết thương”, để rồi cứ mãi đau đáu lời người mẹ già trước lúc đi xa “thương má thì về giúp cho quê hương của mình”.
Rồi lại kể đến những cụ ông, cụ bà người Việt. Các cụ, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, chẳng mong được ăn sung mặc sướng, chẳng mong gì cái thẻ an sinh hay thẻ bảo hiểm. Các cụ chỉ có một ước nguyện, quay về cố hương, tận hưởng cái ồn ào khói bụi mà chân tình của khu phố nhỏ. Các cụ thèm lắm được nói chuyện bằng chính thứ ngôn ngữ đã ăn sâu vào tâm can, tiềm thức của mình. Nhưng mấy ai được hưởng niềm hạnh phúc ấy. Các cụ, có người may mắn còn minh mẫn khỏe mạnh sẽ thơ thẩn trong khu vườn nhà, “chạnh lòng vì tiếng gà gáy vọng lại từ miệt Yorba Linda, cái miệt chó ăn dog food, gà ăn chicken food, không có một bóng dáng người Việt nào”, để rồi “nghe tàn cát bụi tháng năm bay”. Nhưng cũng có những người bị căn bệnh thời gian quật ngã, trở nên bất lực trước cuộc đời, trước con cái và trước chính bản thân mình. Các cụ chỉ có thể van lơn “Con ơi! đừng bỏ má, van con đừng bỏ má!” khi được đưa vào viện dưỡng lão, rồi sau đó cứ thế mà sống cùng “đông đúc các cụ già, người ngồi xe lăn, người chống gậy” ngày ngày khắc khoải mong chờ những đứa con.
Nhận xét độc giả
Thảo luận