Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Ngắn và rất ngắn là tuyển tập những câu truyện ngắn và rất ngắn của hai nữ tác giả: Nguyễn Thị Minh Thái và Nguyễn Thị Hậu.
Mười truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Thái là mười câu chuyện buồn, từ câu chuyện của cô bé con thiếu vắng tình cha, đến nỗi ám ảnh suốt cuộc đời cứ nhầm lẫn giữa tìm cha và tìm chồng trong Bồ côi bồ cút, đến người thiếu phụ cô đơn giữa thị xã biển vắng, chạy trốn tình yêu hay là kiếm tìm nó (Chạy nắng), và cuộc săn tìm hạnh phúc, một vòng tròn vô tận của kẻ kiếm người tìm (Rượt đuổi)… Tất cả, dù người kể chuyện là nữ hay nam, già hay trẻ, cuộc đời đều nhuốm màu buồn, bởi khát vọng vượt lên trên tất cả những điều khác trong cuộc sống, đó là chạm tay vào hạnh phúc đích thực, và tình yêu tuyệt bích.
Còn của tác giả Nguyễn Thị Hậu là mười một mảnh vỡ, mỗi mảnh vỡ là một miếng, một mẩu, một lát cắt của đời sống, đậm triết lý và đầy suy ngẫm. Là vị đắng của Cà phê không đường, cái hoang mang của người Bước hụt, sự hoảng hốt của kẻ Gãy chân, nỗi choáng váng của người Say bờ, và vị mặn của Nước mắt kim cương… Tất cả hòa trộn thành một bức tranh đa màu, được ghép từ rất nhiều mảnh vỡ. Đôi lúc người đọc không thể không bật cười trước sự hóm hỉnh, hài hước rất khúc chiết của người cầm bút.
Nhà xuất bản: Phương Nam Book,NXB Thanh Niên
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.76MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Truyện ngắn, tản văn
Đánh giá của KOMO
Nguyễn Thị Minh Thái mở đầu bằng câu chuyện của đứa trẻ “bồ côi bồ cút”, còn nguyên bố mẹ mà vẫn bồ côi. Một thực tại của đời sống trụi trần, đó là mái nhà mà không phải là tổ ấm, ghép lại bởi những tâm hồn lạc điệu, và nhân vật gọi đó là “vết thương trần” bởi “mãi chẳng lên được da non.”
Rồi đến cuộc Chạy nắng của con người, thực ra là gắng đào thoát khỏi nỗi cô đơn, nỗi nhớ và cả khát vọng về tình yêu. Chạy từ tuổi trẻ đến trung niên, chạy ngược từ trung niên về tuổi trẻ, vừa thiết tha gặp gỡ lại sợ nó vỡ tan. Người ta long đong giữa hai đầu kiếm tìm và trốn chạy ấy, mãi không bao giờ thoát. “Hôm ấy, của hai mươi năm trước, nắng chang chang như trưa biển hôm nay, mười chuyến xe qua, cô thấy mình già đi mười tuổi. Cô thiếu nữ hai mươi tuổi bỗng chốc thành ra người thiếu phụ.”
Đấy cũng là cuộc rượt đuổi không ngừng với hạnh phúc và tình yêu; chính là cuộc săn tìm hạnh phúc, một vòng tròn tục lụy vô tận. Người đàn bà cứ mãi là người đứng bên rìa, chiêm ngắm hạnh phúc của kẻ khác. “Em sẽ mãi mãi ở bên anh, dù anh đi đâu đó, dù anh bỏ em, em sẽ như bánh mì và muối…” (Ngồi đợi ở bậc thềm, Trên cao mờ sương, Phiêu lưu,…)
Và tình yêu của tuổi trẻ điên cuồng. Người ta hy sinh nhiều thứ vì nó, rồi cũng hy sinh nó vì thứ khác. Tuổi trẻ muôn đời như vậy, nếu chúng ta bước vào đời với chín chắn của tuổi trung niên, thì còn đâu những giây phút thăng hoa đem lại bao nhiêu cảm xúc? Nước Nga, tuyết bay, cái rét, và cô gái mạnh mẽ kia, cô gái chỉ được nhấn qua bằng vài nét kể, về cái váy đầy máu cô lột qua đầu ném vào mặt người đàn ông cô từng yêu thương, về cái bàn thờ lập trên nóc giá sách, về con dao cắm lút cán vào chiếc mũ của người yêu… Sự bạo liệt bị đẩy tới bởi thất vọng, biến thành căm hờn, và tình yêu chết cứng trong đó, không cách gì cứu vãn. (Mùi hành lang)
Còn những mảnh vỡ của Nguyễn Thị Hậu lại là những mẩu ngắn, mang màu sắc ngụ ngôn, đầy tính triết lý. Với lối viết đơn giản của người kể chuyện tài tình, chỉ vài câu, vài chữ, nhưng là những suy nghĩ bất thường vụt ra, những ý tưởng lóe sáng, kèm theo những cào xước làm người ta chợt tỉnh và đau đớn, như: Cà phê không đường, Gãy chân, Bước hụt, Say bờ.
Trong Những mảnh vỡ (2) vẫn là những mẩu ngắn đó, có khi chỉ quanh quẩn giữa cánh cửa và ổ khóa. Người ta bật tung cánh cửa như một đòn trả lời phũ phàng vào người gõ, hay người ta thay ổ khóa mới để người khác không đặt chân vào thế giới riêng tư của mình được nữa, hay đơn giản hơn là những cánh cửa tự động, không cần khóa hay chìa, cứ có người bước tới là mở ra. Nhưng người đi ra đi vào lại có bao điều để nghĩ, như một câu hỏi chợt rộn lên, mình có là gì với cánh cửa kia không?
Những mảnh vỡ (3), (4), (6), (7), (8), (9) là đời sống thường nhật, những nhận xét tinh vi về đời sống, mà cũng thật đáo để. Từ chiếc điện thoại hỏng mới nghĩ đến việc từ bỏ thói quen, tập không trông đợi vào người khác nữa. Cũng từ cái chết, mới thấy cái chết vô nghĩa mức nào. Những vụn vặt của đời sống con người vẫn thấy hàng ngày, quen với nó, mà đến khi nhìn lại dưới lăng kính của tác giả bỗng như ở một tầm khác hẳn như: Lô cốt, Tấm & Cám, Xe đạp ơi…
Những mảnh vỡ (5), (6) là những câu truyện ngụ ngôn, nhưng hình ảnh con người ý nhị hiện ra, vừa hài hước, vừa hóm hỉnh. Đọc xong không thể không cười, mà lại thấy nhoi nhói, như một lời nhắc nhở, chúng ta là con người và cũng chỉ là một trong những giống loài mà thôi. (Cọp và Mèo, Làm chủ,…)
Những mảnh vỡ đã bày ra cuộc sống với những ngang trái của nó, chúng ta kháng cưỡng rồi nhận ra, những ngang trái ấy là một phần của nó, gần như là tất yếu. Chúng ta chấp nhận và thả trôi đi, cho đến khi nhận ra mình đã bào mòn, như hòn sỏi dưới lòng suối cạn. (Bạn trên mạng, Chị & em, và…)
Và câu chuyện cổ tích muôn đời trong Happy Ending, Thuận vợ thuận chồng…, về căn phòng bí mật và sự tò mò muôn thuở của đàn bà, không, có lẽ là của con người nói chung. Khi đã được dặn là không được vào đâu đấy thì nhất định người ta phải vào cho bằng được, dù sau đó là thất vọng, bẽ bàng, đau khổ…
Nhận định chuyên gia
Lê Thị Thanh Chung
Tình yêu, tự do, chiếm hữu… trở nên bi hài lạ lùng hơn qua cái nhìn của hai người phụ nữ sâu sắc và bản lĩnh trên đường đời. Đó là lời giới thiệu ngắn nhưng khá trọn vẹn về cuốn sách mỏng mà chứa đựng nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống này.
Chị Hậu viết ‘rất ngắn’, nhưng ‘những mảnh vỡ’ của chị buộc người đọc phải nghĩ rất lâu. Cuộc sống hiện đại với sự hiện diện của Internet ở khắp mọi nơi (kể cả ngay ở trên chiếc màn hình nhỏ xíu của điện thoại di động) khiến chúng ta không còn nhiều thời gian cho sách. ‘Rất ngắn’ của chị Hậu đã lọt vào ‘khe’ rất nhỏ của mấy phút đợi tàu buổi sáng, trên những chuyến xe buýt trở về cuối ngày.
Viết ‘ngắn’ của chị Minh Thái rất ám ảnh. Cái váy hồng loang màu máu của đứa con chưa kịp hình hài, mềm nhũn dưới sàn; chiếc mũ phớt bị cắm một lưỡi dao lút cán đặt trên bàn thờ; những mẩu thư tình tan như lá vụn dưới chân… hình như chị đã rất quyết liệt chở che cho nhân vật nữ của mình. Và người đàn ông trong câu chuyện, hàng ngày phải đi qua năm tầng cầu thang và một dãy hàng lang dài ẩm thấp, tối tăm sẽ phải gồng mình lên chịu trận mỗi khi ‘màn huỳnh quang ký ức’ tự động bật lên.
Nhận xét độc giả
Thảo luận