Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Viết tên trên nước là một tập truyện ngắn của tác giả Nhật Chiêu, gồm mười hai câu chuyện được kể theo một nhịp chậm rãi mà không kém phần dữ dội. Không kịch tính nhưng đẩy người đọc vào mê cung giữa thực và ảo.
Trải dài suốt cả tập truyện là những câu chuyện về cuộc kiếm tìm tình yêu: dai dẳng, mê hoặc (Mê cung, Tia sáng màu tím trong mắt ai); câu chuyện của người sáng tạo: kiến tạo và đập bỏ, khát vọng và tuyệt vọng, nhưng vẫn tìm kiếm không ngừng trên mỗi chặng đường sáng tác (Ao, Mưa xuân, Linh tượng…); cũng là câu chuyện của con người trong đấu tranh với bản ngã: xóa bỏ cái tôi cá nhân để vươn hòa ra với tổng thể (Viết tên trên nước, Mưa xuân); và những triết lý về cuộc sống: tính bất khả quy hồi của thời gian, những đối nghịch của đời sống (Thang máy, Người không chiêm bao)…
Nhà xuất bản: Phương Nam Book,NXB Thanh Niên
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.59MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Truyện ngắn, tản văn
Đánh giá của KOMO
Viết tên trên nước mang đậm phong cách truyện ngắn của Nhật Chiêu – tương duyên giữa ảo và thực, mỗi truyện sẽ dẫn dắt người đọc tới một thế giới, một triết lý, một ẩn dụ của những con người không ngừng sáng tạo và si mê, tìm kiếm không mệt mỏi tình yêu và lẽ sống.
Đó là cuộc truy tìm kẻ thù ở dòng sông Sa trong Viết tên trên nước, nhưng rốt cuộc kẻ đeo đuổi chỉ thấy chính bản thân mình. Đấy là cuộc kiếm tìm bản ngã, ta vừa tiêu diệt lại vừa cứu vớt chính ta. Cũng như chuỗi đối thoại với bản ngã trong Mưa xuân, con người không ngừng truy vấn, không ngừng trả lời trong hành trình sáng tạo.
Đó là cuộc kiếm tìm tình yêu trong Mê cung hay Tia sáng màu tím trong mắt ai. Tình yêu không chỉ là hò hẹn hay chăm sóc, tình yêu là hành trình vạn dặm. Để kiếm tìm nó người ta không thể vội vàng, như cô gái trong Mê cung đã nói, “Nghệ thuật của từ từ”.
Đó là triết lý về cuộc sống trong Thang máy và Người không chiêm bao. Thang máy là một ẩn dụ về đời sống con người – dòng thời gian một chiều cứ lao lên vùn vụt. Ta ngây ngô lúc bé thơ, hung hăng lúc mới lớn, phiêu bạt lúc trưởng thành, hoài nghi lúc viên mãn. Rồi cái chết chộp ta đi trước khi ta tận hưởng cuộc đời. Trong chiếc thang máy cuộc đời chật hẹp một chiều ấy, những giấc mơ đã mất. Người không chiêm bao là những giấc mơ đã mất, là hai mặt đối nghịch của đời sống. Cũng là tiếng thét vào thực tại phũ phàng, những điều đẹp đẽ đã mất đi, thiên nhiên chết ngạt giữa đời sống hiện đại, và những kẻ hoài cổ, lãng mạn ngơ ngác giữa đời như đi lạc.
Mang đậm hơi hướng của thiền, những truyện mà không có “chuyện”, không mở đầu và kết thúc, không tình tiết và kịch tính. Tưởng “không có gì” mà lại “có gì” như trong Rừng sim rực sáng. Vượt qua mà ngỡ không phải vượt qua, gặp rồi mà ngỡ như chưa gặp. Bình thản như gã kéo thuyền trên biển trong Đảo, với gã, “Mơ chỉ là một cấp độ của thực” mà thôi. Nếu ta chẳng lệ thuộc vào mơ hay thực, thì việc phân tách thực và mơ phỏng có ích gì?
Người đọc cũng sẽ thấy những truyện ngắn mang đặc trưng của thể loại “truyện ngắn trong lòng tay” – ngắn gọn, súc tích, và đẹp. Đẹp không chỉ ở lời văn, câu chữ, đẹp trong mỗi triết lý đưa ra, đều chuyển tải một nhân sinh quan khoáng đạt và thông suốt – đó là khát vọng tình yêu và sáng tạo, cho dù có phải vong thân trong một cuộc truy tìm không ngừng.
Nhận định chuyên gia
Hồ Anh Thái
Đọc truyện đời mà dần dần trôi vào cõi huyền ảo. Phảng phất men say. Độc giả nào chợt thấy chơi vơi chuếnh choáng có lẽ cũng không lấy gì làm lạ…
Nếu bạn thấy thế giới ấy chập chờn viển vông, xin lưu ý rằng có thể đấy cũng là một điều hàm ngụ. Nếu chỉ đơn giản là bạn thấy nó đẹp thì tôi tin đó là cái đích mà tác giả Nhật Chiêu hướng đến.
Võ Tấn Cường
Truyện ngắn của Nhật Chiêu giống như bản hòa tấu của những âm thanh huyền nhiệm của đất trời, thiên nhiên và vũ trụ. Truyện ngắn của ông đa thanh về giọng điệu, cách nhìn và tư tưởng của nhà văn thường hướng về sự biến ảo của sự vật, thế giới.
Phan Hoàng
Không phải truyện ngắn bình thường, mà Nhật Chiêu đang thể nghiệm mình ở loại truyện cực ngắn, với một lối viết biến hoá vừa ngẫu hứng vừa tinh tế. Truyện cực ngắn tưởng dễ mà khó, để đạt hiệu quả thẩm mỹ đòi hỏi ‘công phu’, người viết phải ‘thâm hậu'.
Nhận xét nổi bật
Amane Masaki
Một bước chuyển dịu ngọt