Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Tập thơ Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác tập hợp 106 bài thơ của tác giả Đỗ Hồng Ngọc. Những bài thơ trong tập thơ này đều thể hiện tinh thần không chỉ tranh đấu cho hòa bình như một lẽ phải đương nhiên, mà còn suy ngẫm về thân phận con người trong một thời buổi nhiễu nhương và phả hơi ấm tình yêu con người trong một cấu trúc ngôn ngữ hiện đại.
Nhà xuất bản: NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.4MB
Đánh giá của KOMO
Tập Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác mang đậm nét đặc trưng của thơ Đỗ Hồng Ngọc: tác giả khai thác nhiều khía cạnh tương phản của đời sống như tiếng khóc và nụ cười, màu sáng và màu tối, thực chất và nhãn hiệu, cái bé bỏng nhỏ nhoi và cuộc đời rộng lớn; nhưng không đẩy nó vào thế đối lập mà đưa những tương phản đó thành những hợp thể. Phải chăng đây cũng là dấu ấn của lý tưởng hòa hợp trong thơ ông sau này, khi ông viết những bài thơ mang hơi thở thế sự hay mang tâm thức thiền học. Và như vậy thời gian không còn gợi lên niềm sợ hãi. Ngày tháng cứ trôi đi, đó là quyền lực của tạo hóa. Còn con người cũng biết cách biến tình yêu và niềm tin của mình thành “quyền lực”. Tin rằng một cái gì đã hiện hữu thì không thể nào là hư vô. Đó là niềm tin của nhà thơ khi cầu nguyện cho hình ảnh thân yêu đã chia lìa bước ra từ một phim trường hay hiện về trên màn hình vi tính. Bằng cách đó, ý hướng thiền học và cảm xúc tâm linh đã ươm mầm trong thơ Đỗ Hồng Ngọc.
Trong tuyển thơ này, tác giả cố ý để lẫn lộn những bài thơ của những thời kỳ khác nhau để người đọc cảm nhận được sự chan hòa của quá khứ và hiện tại, của chất “nghiêm túc” và đôn hậu, lý tưởng và lãng mạn, của đau thương và hy vọng. Có thể nói Đỗ Hồng Ngọc là người nhặt thơ của chính mình đánh rơi trên những ngả đường.
Nhận định chuyên gia
Huỳnh Như Phương
Chút ấu thơ lúc nào cũng làm ta ngậm ngùi, đó là một nét thuộc về phong cách Đỗ Hồng Ngọc. Hồn thơ này nhạy cảm với những gì đã qua, những gì đã xa, biết là mất mà không tin là mất, vẫn có thể níu kéo được, vẫn có thể gìn giữ được, bằng kỷ niệm, bằng tình yêu và bằng chính thơ ca.
Đỗ Trung Quân
Sợi tóc ngày xưa vẫn thương hoài ngàn năm trong ký ức. Không có ai ngoài chính mình, người thầy thuốc ấy lại tự an ủi, tự băng bó bằng tiếng thì thầm của chàng thi sĩ buồn bã. Thơ – thứ không cần thiết cho người này nhưng cần thiết cho người khác. Mà kẻ khác đôi khi là chính ta.
Thân Trọng Minh
Anh là một nghệ sĩ chứ không phải tay xách động. Rõ ràng như vậy. Nhưng những bài thơ anh, quả thật đã kích thích bạn bè lúc bấy giờ, gây cho họ một bầu máu nóng sôi sục. Càng đọc, càng chua cay, càng đọc càng muốn bạo động.
Thu Thủy
Họ Đỗ nói đến chiến tranh, nói đến bom đạn, đến chết chóc, đủ mọi thứ đáng khiếp đáng hãi; nhưng không một lần nào lời thơ có vẻ ác liệt bạo tàn.
Không thể tìm ở đâu ra trên đời này một con người hiền lành hơn.
Trần Nhã Thụy – Tuổi Trẻ
Chỉ với riêng Thư cho bé sơ sinh đã làm nên một Đỗ Nghê thi sĩ với một dấu ấn thơ đẹp. Và từ đó tuy không phải lúc nào cũng xuất hiện, nhưng Đỗ Nghê thi sĩ và Đỗ Hồng Ngọc bác sĩ luôn song hành để góp cho đời những nét đẹp. Hôm nay đọc thơ Đỗ Nghê không chỉ là ngắm lại những nét đẹp quá vãng mà còn để cùng rong chơi, thương yêu đời sống chân thành: “Ở Paris có thể/ Vào một quán café quen/Từ ba trăm năm cũ/Làm một ly đen/Với Voltaire, Bonaparte/Hoặc Benjamin Franklin/Khề khà cùng Jean Paul Sartre/Rồi lang thang đến Luxembourg/Nhớ Phạm Trọng Cầu” (Café)
Giao Hưởng – Thanh Niên
Mối “duyên văn nghệ” đậm nét nhất là vào năm 1965, lúc ông 25 tuổi, đang học Đại học Y khoa Sài Gòn, trong một đêm thực tập tại nhà thương Từ Dũ, đã thực hiện ca đỡ đẻ đầu tiên trong đời mình, vừa với thao tác của một sinh viên ngành y sắp ra trường, vừa với một trái tim nghệ sĩ bồi hồi khi đón nhận một cháu bé mới ra đời. Sau ca trực, ông đã viết liền một mạch bài thơ Thư cho bé sơ sinh với những câu mở đầu: “Khi em cất tiếng khóc chào đời/Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc/Trong cùng một cảnh ngộ nghe em...” Bài thơ phổ biến nhanh chóng trong giới sinh viên và nữ hộ sinh Sài Gòn thời ấy, rồi lan tỏa ra ngoài được bạn đọc yêu thơ đón nhận. Sau này nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã phổ nhạc bài thơ trên.
Sài Gòn Tiếp thị
Nhiều người lầm tưởng Đỗ Hồng Ngọc là thầy thuốc đi làm thơ, nhưng thực ra ông là nhà thơ (Đỗ Nghê) đi làm... thầy thuốc. Thơ chiếm không nhiều trong số lượng sách ông từng xuất bản (trên 30 cuốn) nhưng nó cho thấy nhiều góc cạnh: một Đỗ Hồng Ngọc đa tình, lãng du, một Đỗ Hồng Ngọc trăn trở và mất mát; một Đỗ Hồng Ngọc suy tưởng, chiêm nghiệm và hướng thiền... Một góc cạnh khác của Đỗ Hồng Ngọc nằm ở phần ba cuốn thơ: Nỗi mất. 11 bài thơ ông viết riêng cho người con gái xấu số của mình vừa yêu thương, vừa tự hào, vừa xót xa, bất lực, vừa tự trách mình đã không thể hiện tình yêu thương con đủ nhiều ngay khi còn có thể.
Bạch Tiên – Vnexpress
Từ những biến cố, mất mát của cuộc đời, ý niệm về thiền bước vào đời sống của Đỗ Hồng Ngọc tự nhiên như hơi thở.
Nhận xét độc giả
Thảo luận