Fiction vs Non-fiction
Lấy cảm hứng từ môn tường thuật kinh tế và quyển Nhà tự nhiên kinh tế: Tại sao kinh tế học có thể lý giải mọi điều, mình sẽ thử giải quyết một vấn đề trước giờ mình vẫn xem là một điều tự nhiên nhất trần đời: tại sao hồi nhỏ mình thích đọc sách fiction hơn còn lớn lên lại đọc nhiều và quan tâm đến non-fiction hơn.
Mình đã thích fiction, thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, từ khi còn bé. Đến nay tủ sách mình thu nhặt từ khoảng 6, 7 tuổi có 80% là fiction. Mặc dù trong giai đoạn cấp 3 cũng đọc rải rác vài sách lịch sử hay khoa học tự nhiên và khá nhiều sách lý luận phê bình văn học, mình vẫn ưa fiction hơn. Đối với những loại sách kĩ năng dạng self-help, mình vẫn thường gộp chung vào những loại truyện “hạt giống tâm hồn” và gọi là “sách dạy đời”.
Nhưng, vào đại học rồi thì mình lại có khuynh hướng quan tâm đến non-fiction hơn và bớt đọc fic lại nhiều. Kì hội sách lần này, trong 5 quyển mình mua có 3 quyển là non-fiction: “Nhà tự nhiên kinh tế” như đã nhắc ở đầu, “Quảng cáo ở Việt Nam” và “Nghệ thuật quyến rũ” (xin thề quyển cuối không hề rẻ tiền như cái tên của nó: nó là quyển dày và khó đọc nhất). 2 quyển fiction còn thì một quyển là để tặng bạn rồi.
Dĩ nhiên là có những lý do chẳng cần tí kinh tế học nào cũng bật ra ngay được để giải thích cho sự chuyển đổi này, ví dụ như sở thích của con người thay đổi theo từng giai đoạn hay còn bé thì chưa có đủ trình độ đọc non-fiction. Nhưng trong bài viết này, mình sẽ thử hợp lý hóa lựa chọn này xét trong mối quan hệ giữa chi phí và lợi ích. Nguyên tắc kinh tế nói rằng con người chỉ thực hiện một hành động nào đó khi và chỉ khi lợi ích tăng thêm do hành động đó mang lại cao hơn chi phí tăng thêm phải bỏ ra.
Điểm đáng lưu ý đầu tiên là chi phí để đọc sách sẽ tăng lên khá nhiều so với trước. Đại học là đồng nghĩa với không chỉ biết có học như hồi cấp 2 hay cấp 3, mà còn bao nhiêu thứ ôi thôi phải lo, từ nghĩa vụ như bài nhóm, thuyết trình, thực tập đến việc “xã hội” như tham gia hội này hội nọ để tạo mối quan hệ, làm tình nguyện, làm part-time. Nghĩa là thời gian và tâm trí dành cho một quyển sách sẽ phải đánh đổi bằng thời gian và tâm trí tương ứng dành cho những hoạt động kia. Trong trường hợp đã đi làm thêm, biết giá trị một giờ lao động của mình, dành 1h để đọc fiction thay vì ngồi cặm cụi bán chữ, thay vì chỉ tốn chi phí 50k mua sách như hồi xưa, phải cộng thêm chi phí cơ hội là, chẳng hạn, 100k tiền bán chữ. Kết quả là việc lựa chọn sách nào để đọc cũng phải cân nhắc hơn nhiều.
Có một mâu thuẫn xuất hiện ở đây. Đọc một quyển non-fiction rõ ràng là tốn công sức và thời gian hơn đọc fiction nhiều (Đọc tiểu thuyết xuyên màn đêm và ngủ gục khi xem một công trình nghiên cứu là lẽ thường tình). Như vậy, chi phí cơ hội của việc đọc non-fiction cũng sẽ cao hơn so với khi đọc fiction. Vì vậy mà phải xét đến yếu tố thứ 2 là tương quan lợi ích hai thể loại sách này mang lại.
Đọc tiểu thuyết đình đám, chạy theo tiêu chí giải trí thuần túy thì đầu tiên độc giả được thỏa trí tò mò. Nếu may mắn hơn, quyển sách đủ hấp dẫn để độc giả đó lật vài trang đầu rồi vứt thì quyển sách nọ đã thực hiện hiệu quả chức năng giải trí. Lợi ích nó mang lại cũng chỉ bấy nhiêu. Trong trường hợp này thì mặc dù chi phí cơ hội của loại sách này thấp hơn sách non-fiction nhiều, vì mất rất ít thời gian đọc sách, nhưng lợi ích nó mang lại cũng chẳng bõ với chi phí bỏ ra. Dành thời gian cho một quyển non-fiction dễ đọc, chẳng hạn như một quyển của Tony Buzan là một lựa chọn hợp lý hơn.
Xét một trường hợp khác là tiểu thuyết văn chương mà theo thầy Nguyễn Thế Truật bảo là dành cho “người tìm kiếm một cái gì đó” thì lợi ích thu được sẽ khá hơn. Đối với một người đang tìm thì “cái gì đó” hẳn phải có giá trị cao rồi. Nhưng “cái gì đó”, rủi thay, thường chỉ là gợi ý chứ không phải giải pháp cho vấn đề, thậm chí còn đánh đố là đằng khác. “Cái gì đó” thường sẽ là một điều rất mông lung và khó nắm bắt. Vì thế mà độc giả thường chỉ quen đọc sách giải trí mà chuyển sang đọc Murakami hẳn chỉ thấy sex và những đoạn xen giữa khá vô nghĩa, đọc Bắt trẻ đồng xanh chỉ thấy những lời tục tĩu và một thằng bé tâm lý không được bình thường. Tuy nhiên, người đã thấm được rồi thì cũng không dễ mà vít “cái gì đó” chấp chới trên cao xuống, áp vào cuộc đời mình để thành ra sự khôn ngoan ngay được. Phải nghiền ngẫm, phải hỏi han, phải thử nghiệm, phải đúc kết kinh nghiệm… Cả quá trình nọ làm chi phí cơ hội của loại fiction tăng vùn vụt, mặc dù chưa chắc đã thu lại được lợi ích gì. Cái này có thể xem là đầu tư dài hạn nhưng lại mạo hiểm nữa.
Chỉ xét 2 yếu tố chi phí cơ hội và lợi ích, rõ ràng đọc fiction trở nên một thú tiêu khiển khá xa xỉ: hoặc vứt tiền qua cửa sổ, hoặc trường vốn đầu tư mạo hiểm. Non-fiction là một khoản đầu tư nhiều khả năng thu hồi vốn, dù ngắn hạn (sách kĩ năng) hay dài hạn (dòng sách Tinh hoa của NXB Tri Thức). Xét về một phương diện nào đấy, lựa chọn đọc ít fiction đi và nhiều non-fiction hơn của mình đúng là đã bị chi phối bởi quy luật kinh tế!
Chi Mai
KOMO chân thành cảm ơn bạn Chi Mai đã đóng góp bài viết này.
Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn.
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.