Trang Tử tâm đắc: Chìa khóa cho mọi vấn đề của đời người
Nỗi bối rối lớn nhất của người hiện đại là làm thế nào để đối mặt với thế giới bên ngoài thiên biến vạn hóa mà trong lòng không hề thay đổi. Nếu chúng ta không có một sức mạnh nội tâm thì sẽ buông xuôi, đánh mất chính mình; nhưng nếu tự làm theo ý thích, bất chấp tất cả thì sẽ không được xã hội dung chứa. Vậy thì làm thế nào để đạt được sự yên định trong lòng như Trang Tử đề xướng?
Mọi người đều biết, Trang Tử là người có tâm hồn không nhuốm hồng trần, không lụy thế tục, tự do tự tại, biết giũ bỏ mọi vật tục, tạp niệm để cho tâm hồn mình giao hòa cùng tinh thần trời đất. Trên đến tận trời xanh, dưới đến tận suối vàng, khi vui thì ông cười, khi giận thì ông mắng, kiến giải sâu sắc, luận khắp anh hùng trong thiên hạ.
Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về cuộc đời Trang Tử. Ghi chép về cuộc đời ông chỉ là vài dòng ngắn gọn trong sách Sử ký Tư Mã Thiên: “Trang Tử là người đất Mông thuộc nước Tống thời Chiến Quốc (nay thuộc huyện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam).
Những câu chuyện về Trang Tử cách đây hàng ngàn năm với những vấn đề nóng bỏng như “danh, lợi”, về “nhận thức chính mình” và về vấn đề sinh tử vẫn còn hấp dẫn với bạn đọc ngày nay. Cùng với những phân tích, bình luận giản dị, trực tiếp và tinh tế của tác giả Yu Dan – bà hiện là GS tại ĐH Bắc Kinh – đã đưa tư tưởng của Trang Tử gần gũi hơn với độc giả trong thế kỷ 21 này.
TS Nguyễn Đình Phức, Trưởng khoa Ngữ văn Trung Quốc, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM – người giới thiệu và hiệu đính Trang Tử tâm đắc chia sẻ: “Giáo sư Yu Dan là một trong những học giả nổi danh ở mảng văn hóa truyền thống Trung Quốc, những bài giảng của bà về Nam hoa kinh của Trang Tử và Luận ngữ của Khổng Tử phát trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc luôn chiếm được rất nhiều cảm tình của người xem. Cuộc đời con người ắt cần đến công danh, nhưng công danh không phải là tất cả; ngoài công danh, con người ta bất cứ lúc nào cũng phải đối mặt với vô vàn vấn đề to lớn, như sống chết, tự do, bất tử… Chìa khóa để vượt qua tất cả những điều này, có lẽ không thể tìm ở đâu khác ngoài Trang Tử”.
(Theo Trí thức trẻ)
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.