Uncategorized

Ba ơi, mình đi đâu?

1073816-gf

Ở tuổi 70, Jean Louis Fournier – một đạo diễn phim truyền hình kiêm một bậc thầy trào phúng trong nền văn học hiện đại Pháp – đã viết  và kể lại câu chuyện có thật của chính mình. Câu chuyện về hai đứa trẻ tật nguyền để dành tặng chúng.

Giờ thì Mathieu đã ra đi, kiếm tìm quả bóng của mình ở một nơi mà người ta không thể giúp thằng bé lấy lại được nữa, giờ thì Thomas dù vẫn luôn hiện diện trên trái đất, nhưng tâm hồn đã ngày càng phiêu du giữa những đám mây, tuy vậy, ba vẫn sẽ tặng các con một cuốn sách. Một cuốn sách ba viết cho các con. Để không ai quên được các con, để các con không chỉ hiện hữu trên một bức ảnh trong tấm thẻ chứng nhận tật nguyền.”

 Ba ơi, mình đi đâu? kể về một thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng… được một bậc thầy trào phúng dẫn dắt đã khiến độc giả phải bật cười, phải suy ngẫm để rồi đồng cảm với tác giả – ông bố của hai đứa con tật nguyền.

Mỗi một sự cười cợt, hài hước của Jean Louis Fournier là một niềm yêu thương, âu yếm đầy trìu mến với các con, là một niềm hy vọng dù mong manh nhưng không bao giờ tắt. Ông cười cũng là để động viên cho chính mình hãy giúp các con vượt qua cuộc sống tật nguyền. Nhưng ẩn sau tiếng cười là những giọt nước mắt bất hạnh. Bất hạnh của ông và của các con ông. Nỗi bất hạnh ấy được ông so sánh như ngày tận thế. Mà ông lại có đến hai ngày tận thế…

Jen-Louis Fournier, 75020.fr, indoor, portrait

Jean-Louis Fournier

Chất liệu để xây dựng nỗi đau là những nụ cười, là lời văn giản dị, chân thật nhưng tràn ngập những lời tâm sự đứt đoạn. Jean Louis Fournier đã khiến cho người đọc đau nhói nhưng khi gấp sách lại cũng là lúc thôi bi luỵ. Ông muốn đối diện với nỗi đau tật nguyền của các con trai một lần nữa bằng văn chương. Jean luôn hiện diện bên cạnh các con, bước chân ông luôn xuyên suốt cuộc đời ngắn ngủi, đầy đau thương của con mình.

“Ba ơi, mình đi đâu ?” là một câu hỏi được Thomas – một trong hai đứa trẻ tật nguyền – lặp đi lặp lại trong suốt chiều dài tác phẩm. Đó là câu hỏi bâng quơ của một đứa trẻ non nớt hay chính là lời trăn trở của cả một thế hệ trẻ em tật nguyền: “Chúng từ đâu đến? Đến để làm gì? Và sẽ đi về đâu?”

Christine Jordis – giám khảo của giải Femina – nhận định: “Ba ơi, mình đi đâu?” là “Một cuốn sách hướng con người đến cái thiện.” Sự dung dị đến độc đáo đã làm cảm động biết bao độc giả, đưa tác phẩm trở thành một kiệt tác với giải thưởng Femina năm 2008.

Võ Thị Huỳnh Như

KOMO chân thành cảm ơn bạn Võ Thị Huỳnh Như đã đóng góp bài viết này. 

Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang