Tôi đọc lại Rừng Na Uy
Tôi đọc lại Rừng Na Uy ở tuổi 25. Cách đây 5 năm, tôi đọc quyển sách lần đầu chỉ vì vài dòng chia sẻ của anh Phan Xine. Khi ấy bộ phim chuyển thể của Trần Anh Hùng vừa ra mắt. Anh viết, đại loại như ước gì có thể đọc quyển sách vào năm mười tám, đôi mươi, để rồi có cơ hội đọc lại ở tuổi 24, 25. Tôi vẫn còn cơ hội ấy nên không muốn lỡ mất.
Khi ấy, ấn tượng để lại không quá đặc biệt. Đa phần là vừa bị kích thích vừa thấy sượng sạo với các đoạn miêu tả tình dục, có lẽ do lớp nền văn học còn hạn chế. Không phải vì chưa từng đọc những thứ tương tự, thậm chí còn loang lỗ và ghê tởm hơn (có lẽ nên dùng từ này) trong quyển Song Song của Vũ Đình Giang. Nhưng tình dục trong Rừng Na Uy là thứ gì đó quá sức chịu đựng, hoặc quá bao trùm và lấn át hết những cảm xúc khác.
Tôi nhớ trong lớp đại học có rất nhiều bạn yêu mến quyển sách này. Có một bạn luôn lấy nick trên mạng là Midori, vì yêu mến tính cách và cách sống của cô. Đôi khi các cuộc trò chuyện dẫn về quyển sách, và thường là lời khen ngợi. Bản thân tôi thấy nó chỉnh chu, nhưng không hề chạm vào được cảm xúc riêng. Tôi tự hỏi những lời khen đó là thật, hay vì người ta đã mặc định rằng Rừng Na Uy là tuyệt phẩm nên khen hùa vào, và cho đó là thời thượng? Tôi không biết. Năm đó, tôi cũng không xem bộ phim.
Dù vậy, lúc nào trên kệ sách (hoặc khi chưa có kệ là chồng sách) của tôi cũng có một quyển Rừng Na Uy. Không vì lý do đặc biệt nào. Nếu mất, hay cho bạn bè mượn mà quên mất là ai (tôi chỉ mới có thói quen giữ sách hơn 1 năm nay), tôi sẽ mua lại nếu thấy trong nhà sách.
Chủ Nhật vừa rồi, tôi dành một ngày để đọc Rừng Na Uy từ đầu đến cuối. Ở tuổi 25 này. Tôi có cảm giác như vừa đọc nó lần đầu tiên. Rất dễ đoán rằng, nó hay hơn rất nhiều so với lần đọc trước. Nó chạm vào tôi dễ dàng như thở, và khiến tôi nhận ra nhiều điều. Dưới đây là những cảm nhận.
– Tôi đã hiểu điều anh Phan Xine muốn nói trong những dòng chia sẻ đó. Rừng Na Uy giống như chiếc máy ảnh. Khi ta đọc nó ở tuổi 20, nó lưu giữ hình ảnh ta trong đó, ngây ngô và khờ khạo. Khi đọc lại ở tuổi 25, không phải ta gặp lại các nhân vật hay câu chuyện, mà gặp lại chính mình. Nó hình thành hai đầu mốc để ta có thể nhìn lại và nhận ra đã thay đổi nhiều như thế nào.
Để cảm nhận được một tác phẩm hay, cần có một lớp nền vững chắc. Lớp nền đó không hẳn là kiến thức hay óc phân tích, mà còn là trải nghiệm cuộc sống. Chưa từng trải qua nỗi đau sẽ không hiểu được nỗi đau. Chưa từng trải qua cô đơn thì không hiểu được tình yêu. Chưa từng trải qua tuổi trẻ sẽ không hiểu được tuổi trẻ. Tôi xúc động ngay từ cảnh Naoko và Toru đốt nến mừng sinh nhật trong phòng cô, và nói về việc sống đi sống lại giữa tuổi 18 và 19 trước khi cô vỡ òa. Tôi đã chẳng mảy may để ý ở lần đọc trước. Tiếng lòng của các nhân vật đã chạm được vào tôi, hoặc tôi chạm được vào họ, tôi hiểu họ, từ đó đồng cảm và phần nào đó, hiểu hơn chính mình.
– Tôi bắt đầu nghe The Beatles khoảng năm 21 hay 22 tuổi, hoàn toàn tự nhiên. Trước đó, khi còn bé, tôi đã từng nghe họ và có phần thất vọng về giai điệu và lời hát. Bẵng đi một thời gian, tôi xem bộ phim nhạc kịch Across The Universe, bạn có thể thấy ngay từ tên gọi, sử dụng tất cả các bản nhạc của họ. Tôi ngạc nhiên vì thấy khác hẳn những gì mình từng nghe trước đó. Tôi tìm lại và lần này, hoàn toàn đắm chìm vào thế giới đó. Tôi tìm nghe nhiều hơn, và lạ lùng là, những giai điệu từng nhàm chán bỗng trở nên đầy màu sắc, có không khí riêng.
Lần này, tôi có thể hiểu được tất cả, và thấy thật thú vị với những liên hệ và lối so sánh mà Rừng Na Uy dành cho các bài hát The Beatles. Đều là những bài tôi yêu thích. Như Michelle là cảm giác “đang ở trên đồng cỏ dưới làn mưa nhè nhẹ”, hay bản Rừng Na Uy chủ đề để miêu tả sự cô độc lạnh lẽo mà Naoko phải chịu đựng. Cả nơi cô chọn cũng là một cánh rừng âm u, tôi biết, vì gần nhất với không gian mà Rừng Na Uy tạo ra. Nhiều lần tôi muốn hét lên “Đúng là thế đấy!”. Ngoài ra, Haruki còn gợi đến rất nhiều bộ phim cũ, mà tôi đều đã xem, như The Graduate. Nhờ đó, tôi cảm thấy được sự gần gũi, và đọc quyển sách với sự thú vị cực kỳ.
– Gần đây nhất, những người bạn của tôi có nhắc về quyển sách và một người miêu tả là quyển sách rất “dễ thương”. Một bạn khác phản đối, nói rằng có thể dùng nhiều tính từ để nói về Rừng Na Uy, nhưng chưa bao giờ nghĩa là “dễ thương.” Trịnh Lữ dùng từ chính xác hơn, là “dí dỏm”. Nghĩa là sự hài hước khéo léo và tinh tế, và không làm hỏng mất không khí chung. Tôi để ý, và nhận ra ngay khi nào sự “dí dỏm” đó xuất hiện, không chỉ ở riêng Midori. Naoko cũng khá dí dỏm khi lầm bầm “Chơi gái suốt mà,” và cả những từ ngữ lựa chọn cho các phép miêu tả. Dễ thấy rằng ta phải bật cười nhiều lần, hơi kỳ quặc so với nội dung quyển sách, khi đọc nó.
Lần trước, tôi đọc mà bỏ qua rất nhiều đoạn miêu tả cảnh, vì thấy khá mệt mỏi. Lần này tôi đọc từng từ từng chữ một. 5 năm qua, tôi đã đọc rất nhiều sách của Haruki, kể cả những quyển có dung lượng khá đồ sộ như Kafka hay Biên Niên Ký, tôi đã quen với lối miêu tả của ông. Quyển xuất sắc nhất, và có ảnh hưởng một phần đến văn phong của tôi là Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Nơi Tận Cùng Thế Giới. Tuy nhiên, Rừng Na Uy nằm ở nơi nào đó khác, tách biệt hẳn với các quyển sách khác. Lúc nào cũng như có một màn sương bàng bạc lẫn giữa các câu chữ, và các lối so sánh. Tôi rất thích cách dùng từ, như đoạn văn cuối “cái im lặng của tất cả các làn mưa bụi trên khắp thế gian đang rơi xuống tất cả các sân cỏ mới xén trên khắp thế gian.” Không quyển sách nào của ông có lại lối dùng từ như thế, ngay cả quyển có nội dung ký ức rất gần là Tazaki Tsukuru. Nó lóng lánh theo một cách riêng.
– Tình dục trở thành thứ yếu trong lần đọc này. Khi đọc gần hết, tôi mới nhận ra mình chẳng thèm để ý gì đến những cảnh miêu tả tình dục nữa, nó trở nên thật bình thường, hoặc bình dị. Tôi không rõ là do mình đã đọc nhiều quyển sách với nội dung tương tự, hay lối miêu tả của Haruki đã trở nên dễ chịu hơn. Hoặc có thể vì nó hòa quyện hẳn vào nội dung, vào các nhân vật và tính cách của họ để trở nên dễ chịu. Không còn là cảm giác gây sốc như trước đây, thậm chí tôi quên hẳn để chú ý vào những cảnh khác. Tôi yêu mến khi Midori và Toru ở trên sân thượng cửa hàng tạp hóa và hôn nhau dưới cơn mưa, rồi sau đó cuộn tròn trong chăn hỏi về lũ kiến, hơn là các đụng chạm sau đó. Tôi để ý đến góc nhìn từ phía sau lên Naoko, lên bờ vai cô và một phần tai lộ ra, hơn là những miêu tả tay hay môi. Thật lạ lùng.
– Thứ đọng lại trong tôi nhiều nhất, quả thật, là tiếng lòng tự nhiên giản dị, như Trịnh Lữ đã miêu tả. Rừng Na Uy không đồ sộ như dung lượng hay ấn tượng ban đầu, nó ngắn gọn, ít sự kiện, và đi về chiều sâu hơn là độ dài. Tôi có thể thấy đôi chỗ lộp chộp, hoặc khập khiễng, nhưng nó vẫn nằm trong một tổng thể xúc động và mênh mang. Làm sao ông có thể bắt được tuổi trẻ ở độ tuổi 35, 36 khi viết quyển sách này? Nhưng nghĩ lại, những nhà biên kịch viết nên câu chuyện trong Buzzer Beat còn lớn tuổi hơn, đã ngoài 50. Tuổi trẻ ở trong lòng họ, không ở độ tuổi, và việc thể hiện được nó nằm ở tài năng và kỹ năng, nhiều hơn ở việc đang ở trong nó. Haruki từng muốn viết ở độ tuổi 22, 23, nhưng ông bỏ ngang vì chẳng có gì để viết, không trải nghiệm và không kỹ năng. Tôi có thể hiểu nỗi bức bối của việc có một câu chuyện nhưng không làm cách nào để thể hiện nó theo đúng như mình mong muốn, như thể chạy đua mà trên mình mang một lớp giáp nặng, hoặc muốn viết bằng ngôn ngữ khác. Đúng như lời bạn Nh từng nói, viết không phải chuyện ngày một ngày hai, và chính Haruki đã bảo nên sống thật chân thành trước đã.
Tôi có thể cảm thấy từ trong tâm can mình gần như cảm xúc và tình cảm của các nhân vật, với mối liên hệ gần gũi, dù cho chưa từng sống ở những năm 60 hay trải qua những hoàn cảnh tương tự. Từng cái riêng của Naoko, Toru và Midori cũng chỉ là cái chung của biết bao nhiêu thế hệ trẻ, chung gốc rễ là nỗi cô đơn và hoang mang của tuổi trưởng thành và việc thích nghi với nó, với việc lớn lên. Khi nhìn lại ở tuổi 25 này, tôi thấy rằng cái chốt để gỡ bỏ, hay chiếc chìa khóa, hay bất kỳ tên gọi nào về thứ động lực để khiến con người trưởng thành, là nỗi đau. Tình yêu lớn và nỗi đau lớn, gắn bó với nhau như thể thống nhất, như sống và chết, chỉ khi họ học được cách để bước tiếp cùng với nó, chấp nhận nó cũng như chấp nhận bản thân cùng sự bất toàn, cũng như sự bất toàn của mọi thứ trên đời, họ mới có thể sống tiếp thật trọn vẹn. Muôn đời chẳng phải là thế sao? Và trong số những người bước đi, sẽ luôn có những người ở lại, như Naoko. Cái thắt lòng của Rừng Na Uy, cũng như vẻ đẹp của nó, là việc chấp nhận nhưng không bao giờ hiểu nguyên do nào, không thể hiểu được vì sao, cũng như không thể thay đổi, chúng ta không thể làm được gì khác ngoài việc tiếp tục sống, và yêu, và tiếp tục đối diện với nỗi mất mát sẽ diễn ra suốt cuộc đời còn lại. Điều đẹp đẽ nằm ở tấm lòng muốn sống, và muốn yêu, một cách chân thành.
Cuối cùng, tôi xem lại một vài cảnh phim Rừng Na Uy, tôi đã thử xem cách đây vài năm mà không thể xem hết, hoặc không muốn xem hết. Đó là cảnh Naoko và Toru trong ngày sinh nhật lần thứ 20. Mọi thứ đều có vẻ phù hợp và đúng không khí, căn phòng, cách trang trí, màu phim, cơn mưa, nhưng chẳng thể nào mang đến được cảm giác đó, chính là thất bại của phim. Có lẽ là ở nhân vật, vẫn chỉ là những con người cố gắng vào vai những Naoko và Toru, hoặc sẽ chẳng có nhân vật nào thay thế nổi hình ảnh của họ từ tâm trí người đã đọc qua quyển sách. Hoặc có thể ở cách tiếp cận và góc quay, tôi cảm nhận không khí đó còn nhiều hơn ở cảnh trong lớp chăn phim Mr. Nobody, hay Let The Right One In, hay Groundhog Day, là cảm giác về sự đụng chạm giữa các tâm hồn, nhẹ nhàng, ấm áp và cũng đớn đau. Việc thể hiện nó bằng ngôn ngữ hình ảnh gần như là việc không thể. Vì thế nên, nói rằng điện ảnh là thể loại mới nhất và vượt trội nhất cũng đúng, nhưng hơn hẳn hoàn toàn các thể loại nghệ thuật khác là khập khiễng rồi. Điện ảnh cũng có những giới hạn không thể vượt qua, hay chưa thể vượt qua. Đó là điều khiến cho mỗi loại nghệ thuật đều có vị trí và sức hút riêng, cho đến tận bây giờ.
Chỉ có một điều tôi chưa hiểu ở lần đọc này, là việc Toru cảm thấy rung động trước Hatsumi, cái khuấy động mà cậu gọi là “đánh thức bản ngã”, tôi vẫn chưa hiểu được cảm xúc ấy là thế nào. Có lẽ là một sự để dành, cho 5 năm sau nữa. Nếu tôi còn sống.
Phương Nam
KOMO chân thành cảm ơn bạn Phương Nam đã đóng góp bài viết này.
Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn. Nếu bài viết được duyệt đăng blog KOMO, bạn sẽ được tặng một ebook bất kì trên KOMO do bạn tự chọn.
Lời BTV
Độc giả yêu thích Murakami Haruki có thể tìm đọc tác phẩm, fanfic, cảm nhận về những tác phẩm của ông qua các ebook có trên KOMO dưới đây:
Scheherazade – Murakami Haruki
Cảm nhận phim Rừng Na Uy – Kodaki
Cảm nhận phim Tony Takitani – Kodaki
Ở Rừng Cây Có Rễ Màu Trắng – Kodaki
(fanfic Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương)
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.