Những cây cầu ở quận Madison: Khi trái tim dẫn lối…
Trở thành một bà nông dân, sống một cuộc sống nhàm chán và lặng lẽ ở vùng Iowa ngoại ô nước Mỹ hẳn không phải cuộc sống mà Francesa mong muốn khi còn trẻ và cả những năm tháng sau này. Thế nhưng, đó lại chính xác là cuộc sống mà cô đang có, bên cạnh người chồng Richard.
Richard tử tế, an toàn và ổn định. Anh yêu vợ con một cách vụng về, bản năng và vô cùng thực tế. Nhưng đó lại không phải những thứ mà Francesa kiếm tìm. Francesa quen Richard sau khi mối tình của cô với một giáo sư đại học về môn nghệ thuật kết thúc. Bố mẹ cô, với lối tư duy truyền thống, không ngừng phản đối mối tình đó.
Bám lấy những giấc mơ cho đến khi sự thúc ép gay gắt của thực tế làm Francesa nhận ra rằng những lựa chọn trong bối cảnh chiến tranh của mình bị kiềm chế. Cô nhận lời theo Richard về miền quê Iowa trong khi vẫn không ngừng băn khoăn về cuộc đời mình.
Francesa sinh cho Richard hai đứa con, một trai, một gái và luôn làm tròn vai trò của người vợ trong suốt hai mươi năm sinh sống. Cho đến khi, cô gặp Robert Kincaid vào một ngày tháng Hai khô nóng của tháng Tám 1965, khi Robert đang trên đường đi tìm chiếc cầu Roseman – một trong những cây cầu có mái che thứ sáu của quận Madison, còn Richard cùng các con đi hội chợ bang Illinois.
Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để Francesa và Robert nhận ra rằng, họ sinh ra để dành cho nhau. Francesa lúc ấy 42 tuổi, còn Robert 50, là một nhà văn, nhà nhiếp ảnh tài năng của tờ National Geographic, đã từng trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ. Không vợ con, Robert lang thang từ miền quê này đến miền quê khác để chụp những bức ảnh sống động nhất.
Họ nhanh chóng lao vào nhau theo cách mãnh liệt nhất. Chỉ có bốn ngày sống hết mình bên nhau, nhưng lại là những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mỗi người, để rồi sau đó, họ dành cả phần đời còn lại của mình, để tưởng nhớ về nhau, một cách âm thầm, nhưng không kém phần dai dẳng.
Câu chuyện tình này, sẽ không giống bất kỳ các câu chuyện tình yêu nào trước đó. Nó không khiến người đọc có cảm giác, đó là một thiên tình sử đẹp đẽ, đáng tôn vinh, càng không phải thứ khiến người ta khao khát. Nếu có, ắt hẳn là khao khát trong tội lỗi. Nhưng…
Nếu như, bạn đã từng trải qua hoặc đang khao khát thứ tình yêu đích thực, thứ tình yêu mà vì lẽ gì đó không được toại nguyện, bạn sẽ đồng cảm, hoặc sẽ thấu hiểu vì sao Francesa và Robert, biết rõ đã bước vào ranh giới của đạo đức và trách nhiệm mà vẫn điên cuồng lao vào nhau.
Ranh giới giữa tình yêu và tội lỗi, đôi khi chỉ cách nhau một cách nhìn. Có nhiều chuyện, mãi mãi không có câu trả lời, không có nhận biết đúng sai. Thước đo công minh nhất, chính là trái tim và lý trí.
Tôi tin rằng, cho đến cuối cuộc đời mình, Francesa vẫn không hề hối tiếc về những gì cô ấy đã làm trong bốn ngày đó. Điều vĩ đại hơn cả là, dù đã gặp được thứ tình yêu đích thực của cuộc đời, thì cô ấy vẫn đặt trách nhiệm với gia đình lên trên hết. Nghĩa là lý trí vẫn chiến thắng. Và với Richard thì, sự hiện diện về thể xác của Francesa bên cạnh, quan trọng và ý nghĩa hơn bất kỳ thứ gì khác. Cho nên, trước khi lìa trần, anh có nói với Francesa rằng: “Anh biết, em có những giấc mơ khác, và anh rất tiếc vì không thể mang lại giấc mơ đó cho em.” (Có lẽ, Richard biết những việc Francesa làm, nhưng anh chấp nhận những việc đó, hơn là để mất Francesa cả về thể xác lẫn tinh thần.)
Không lâu sau khi Richard mất, Francesa nhận được bưu phẩm từ một công ty luật do Robert ủy quyền trao cho bà. Bên trong có ba cái hộp, gói chắc chắn bằng giấy không thấm nước. Trên hộp có phong bì thư đề địa chỉ của hãng luật: “Bà Jonson thân mến! Chúng tôi đại diện cho di sản của ông Robert L.Kincaid vừa qua đời…”
Từ đó về sau, việc xem lại các thứ Robert để lại: mẩu giấy Francesa hẹn Robert đến ăn tối vào ngày họ gặp nhau, sợi dây chuyền có tên Francesa mà Robert luôn mang bên mình khi họ chia tay, lá thư chứa đựng nỗi nhớ, sự cô độc, niềm khát khao được ở bên nhau Robert viết cho Francesa, đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong mỗi dịp sinh nhật hằng năm của mình. Francesa sẽ mang tất cả kỷ vật từ phòng khách vào bếp, châm điếu thuốc duy nhất trong năm, nhấm một ngụm Brandy và từ từ đọc…
Francesa mất ở tuổi sáu mươi chín. Nguyên nhân cái chết được ghi là “tự nhiên”. Nguyện vọng sau khi mất của bà là được hỏa táng và đem tro rắc ở cầu Roseman – thay vì được chôn bên cạnh Richard. Trong di chúc của mình, Robert cũng có nguyện vọng như vậy. Cuối cùng thì, họ cũng được ở bên cạnh nhau, và ở một thế giới rất khác với thế giới của chúng ta. Tôi như mường tượng đến cảnh, Robert sẽ dang rộng cánh tay, chào đón Francesa, môi nở nụ cười rạng rỡ và nói: “Francesa, anh đã đợi em lâu lắm rồi.”
Tác giả đã có cái nhìn nhân văn về diễn biến nội tâm của Francesa. Hãy đừng phán xét cô ấy, đừng áp lên cô ấy những trách nhiệm, bổn phận kèm theo nghĩa vụ, đạo đức bắt buộc phải thực hiện và cho rằng, những diễn biến trong đời sống tinh thần của cô ấy không quan trọng và có phần vớ vẩn. Bởi vì, chẳng gì khiến một cô gái vui vẻ, mãn nguyện và tràn đầy năng lượng hơn chính sự thoải mái trong đời sống tinh thần.
Kết truyện, mượn tạm câu nói của Trịnh Công Sơn về thứ tình cảm kiểu như thế này: “Khi người ta trẻ, người ta nghĩ có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình, vì người ta nghĩ rằng, những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai… Cũng có thể, nhưng người ta đâu biết rằng, những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời”. Thế nên, khi trái tim chưa ngập tràn tình yêu, thì đừng vì lí do này, hay lý do khác mà cúi đầu. Hạnh phúc thì mong manh, còn bất hạnh thì luôn hiện hữu…
Thiệu Thu Huyền
KOMO chân thành cảm ơn bạn Thiệu Thu Huyền đã đóng góp bài viết này.
Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn hoặc hotro@komo.vn.
Nếu bài viết được duyệt đăng blog KOMO, bạn sẽ được tặng một ebook bất kì trên KOMO do bạn tự chọn.
Lời BTV
Độc giả có thể tìm đọc Những Chiếc Cầu Ở Quận Madison (TB 2016) qua phiên bản ebook độc quyền trên KOMO, phát hành cùng lúc với sách giấy: http://komo.vn/nhung-chiec-cau-o-quan-madison-2016-p5197.html.
Hoặc đọc Giải mã dục vọng để biết thêm bí mật về những khao khát ngoài hôn nhân của con người, qua bản ebook có trên KOMO tại đây: http://komo.vn/giai-ma-duc-vong-p3376.html.
Cùng những câu chuyện về các cây cầu có tại KOMO dưới đây:
Gia đình dưới chân cầu – Natalie Savage Carlson
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.