John Steinbeck – cuộc du hành với con chó Charley
John Steinbeck sinh năm 1902, mất năm 1968. Ông là nhà văn Hoa Kỳ, hai lần được giải Pulitzer, lần đầu với quyển The Grapes of Wrath (Chùm Nho Phẫn Nộ năm 1939) và lần thứ nhì với quyển East of Eden (Phía Đông Vườn Địa Đàng năm 1952). Năm 1962 Steinbeck được trao giải văn chương Nobel. Năm 1960, ông viết quyển Travel with Charley: In Search of America (Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ năm 1961). Ông bảo rằng ông muốn tìm hiểu quốc gia của ông bằng kinh nghiệm cá nhân vì nói cho cùng ông đã kiếm sống bằng cách viết về xã hội của quốc gia này. Ông gói ghém nhiều câu hỏi trong quyển du hành ký, chính yếu nhất là người Mỹ là ai, là người như thế nào, người bây giờ so với người lúc trước khác nhau ra sao. Ông thú nhận những điều ông khám phá về người Mỹ trong cuộc du hành này làm ông thất vọng.
Steinbeck chu du Hoa Kỳ bằng chiếc xe cắm trại ông đặt tên là Rocinante (tên con ngựa của hiệp sĩ Don Quixote). Khởi hành từ Long Island, New York, đến Maine theo dọc biên giới Bắc Mỹ băng qua tiểu bang Washington và Oregon, xuống Salinas Valley, California là nguyên quán của ông bối cảnh của (Phía Đông Vườn Địa Đàng). Từ Salinas ông đến Texas, qua các tiểu bang ở miền Nam, và trở về New York. Cuộc hành trình này ước tính dài 10,000 dặm (gần mười bảy ngàn kí lô mét). Theo lời của Thom Steinbeck, người con trai lớn nhất của ông, ông thực hiện của du hành này vì ông biết là ông bị bệnh tim trầm trọng và muốn thực sự ngắm nhìn quốc gia của ông lần cuối cùng (theo Wikipedia.)
Cuộc hành trình này, theo tác phẩm, ông đi một mình, chỉ có Charley tháp tùng. Ông dừng xe để ngủ ở các vùng cắm trại, tiện nghi rất tối thiểu, với mục đích sống gần với thiên nhiên, và đặc biệt là để được trò chuyện với người địa phương. Theo lời của Charles McGrath trong bài nhận định đăng trên tờ New York Times ngày 3 tháng 4 thì quyển du hành ký này được độc giả đón nhận niềm nở. Đến bây giờ quyển sách vẫn còn được tái bản và nhiều người xem đây là tác phẩm khuôn mẩu của thể loại du hành ký. Tuy nhiên ngay từ đầu cũng đã có độc giả vạch ra rằng nhiều đoạn đối thoại trong tác phẩm thiếu vẻ linh động như thể là chuyện bịa đặt, không giống như cách đối thoại như trong các tác phẩm khác của ông, thí dụ như đoạn ông viết về ông Nikita Khruschev đến diễn thuyết ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc. Thật sự, Khruschev đến Mỹ sau thời điểm ông viết về Nikita những mấy tuần. Một thí dụ khác là lúc một diễn viên kịch Shakespeare ông gặp ở một nơi cắm trại tên là Alice thuộc tiểu bang North Dakota đã nhầm lẫn ông với một diễn viên khác, chào ông một cách rất kịch, tán dương ông là người đồng hội đồng thuyền rồi tán huyên thuyên chuyện John Gielgud. Con của Steinbeck cũng bảo là “Bố tôi chỉ ngồi trong chiếc xe cắm trại của ông mà viết những chuyện phịa như thế.” Bill Steigerwald, cựu ký giả của tờ báo The Pittsburgh Post Gazette, đã theo dấu vết cuộc hành trình của Steinbeck, khám phá rằng, trong đêm 12 tháng 10, là đêm Steinbeck bảo là ông gặp người diễn viên kịch Shakespeare, thật ra ông đang ở trong một lữ quán (motel) ở Beach, tuy cùng tiểu bang nhưng cách Alice chừng hơn 300 dặm về hướng Tây. Theo lời Steigerwald, Steinbeck thường xuyên ở lữ quán nếu ông không ở trong những khách sạn đắt tiền. Có một lần, Steinbeck bảo là cắm trại trong một nông trại gần Lancaster thuộc tiểu bang New Hamshire, nhưng thật ra ông đang ở trong khách sạn Spalding, rất sang trọng đến độ ông phải mượn áo khoác và cà vạt để được vào phòng ăn. Ông cũng không du hành một mình với Charley, trái lại vợ của ông tháp tùng nhiều nơi hầu như suốt chuyến đi. Ông Steigerwald bảo rằng Steinbeck bất quá chỉ ngủ vài đêm trong xe cắm trại, tất cả những nơi Steinbeck viết trong quyển du hành ký, ông ngủ chỗ nào hay ông gặp người nào đều không thể tin được.
Giới học giả chuyên nghiên cứu về Steinbeck, tuy thế không lấy làm quan trọng về chuyện một quyển sách du hành ký có nhiều chi tiết không chính xác. Jay Parini, người viết quyển tiểu sử của John Steinbeck năm 1995 bảo rằng “Tôi luôn luôn cho rằng quyển này có phần nào là tiểu thuyết. John Steinbeck là nhà văn chuyên viết truyện sáng tác, do đó ông ta cải biến tình huống, thêm thắt chi tiết… Tôi vẫn cứ ca ngợi Steinbeck. Nếu bạn muốn đạt được tinh thần của tác phẩm, nhiều khi phải dùng kỹ thuật của những nhà văn chuyên viết tiểu thuyết.”
Năm 2020, Bill Barich xuất bản quyển “Long Way Home: On the Trail of Steinbeck’s America” (Đường về nhà còn xa: Theo dấu Steinbeck trên đường du hành xuyên nước Mỹ) tương tự như cuộc theo bước du hành của Steigerwald, tuy nhiên Barich kết luận vui vẻ phấn khởi hơn Steinbeck. Ông bảo rằng “Tôi khá chắc chắn là Steinbeck sáng tác hầu hết những mẩu chuyện trong chuyến du hành này. Bởi vì những cuộc đàm thoại thật là khô khan cứng ngắc.”
Ông Barich bảo rằng cái nhìn của Steinbeck khá u ám là bởi vì ông đang bị bệnh nặng. Tuy nhiên quan điểm của Steinbeck về sự tàn rụi của nhiều địa phương, xứ Mỹ trở nên thuần chủng, và sự hủy hoại của môi trường thì rất đúng.
Nhà văn Steinbeck nhấn mạnh quyển sách của ông đặt nền tảng trên sự thật. Ông “kể những mẩu chuyện nhỏ để thăm dò, chẩn đoán làm nền tảng cho một sự thật rộng lớn hơn. Tuy nhiên Ban Biên Tập của The New York Times quan niệm rằng “những tác phẩm nếu đã mang nhãn hiệu không phải là sáng tác hư cấu thì không nên làm đổ vỡ lòng tin cậy của độc giả. Không nên bịa đặt, bây giờ hay vào năm 1962 khi ấy quyển sách ra đời và Steinbeck được trao giải Nobel thì cũng thế.” – Dựa theo bài của The New York Times.
Blog Chuyện Bâng Quơ
Lời BTV
Độc giả có thể tìm đọc những tác phẩm hay của John Steinbeck qua những bản ebook có mặt tại KOMO: http://komo.vn/tac-gia/1399.html.
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.