Hoa Tư Dẫn – Đường Thất Công Tử
Nếu như phong cách của Thập Tứ Khuyết trong Thất Dạ Đàm là mở ra trước mắt người đọc một khung cảnh mà khi nhìn vào ai cũng tưởng mình hiểu hết về nó nhưng sự thật ẩn sau còn nhiều hơn thế, thì phong cách của Đường Thất Công Tử trong Hoa Tư Dẫn lại mang một màu sắc khác, trước tiên vẽ ra cho người đọc khung cảnh đầy uẩn khúc, sau đó lại dẫn người đọc khám phá từng câu chuyện ẩn sâu bên trong. Phong cách này được sử dụng rất nhiều trong truyện của Đường Thất Công Tử, nhưng nó lại không gây nhàm chán mà còn thu hút người đọc theo mạch truyện ấy.
Tam Sinh Tam Thế – Thập Lý Đào Hoa là một ví dụ, và Hoa Tư Dẫn cũng thế.
Hoa Tư Dẫn được viết theo lối truyện lồng trong truyện. Trong truyện còn có một truyện khác. Nói rõ hơn, xoay quanh câu chuyện về mối tình của Mộ Ngôn – Quân Phất (hay Tô Dự – Diệp Trăn) còn có những chuyện tình khác, mà khi một khúc Hoa Tư được gảy lên, mọi việc như rõ ràng trước mắt.
Bắt đầu bằng câu chuyện Diệp Trăn – Văn Xương Vệ Quốc Công Chúa nhảy xuống bức tường thành quyên sinh sau khi Vệ Quốc đầu hàng Trần Quốc.
“Tôi không thể lớn lên như một nàng công chúa, nhưng tôi có thể chết đi như một nàng công chúa.”
Nàng tưởng rằng mình đã chết. Nhưng sư phụ nàng đã nhờ một viên giao châu cứu nàng chết đi sống lại. Tuy thế, viên giao châu chỉ cóthể giúp nàng sống được ba năm. Để có thể sống lâu hơn nữa, nàng phải dệt nên giấc mộng cho người khác nhờ vào Hoa Tư điệu, khi người đó chấp nhận từ bỏ hiện thực và sống với mộng cảnh, cũng là lúc họ phải trả giá cho nàng bằng mạng sống của mình. Nhờ đó nàng có thể sống lâu hơn nữa.
Mỗi điệu Hoa Tư được gảy lên, một câu chuyện lại được tái hiện. Có khi là mộng cảnh, có khi là hồi ức, nhưng đa phần những câu chuyện hiện lên thường rất đau khổ và xót xa. Có người chấp nhận ở lại trong mộng cảnh, cũng có người từ bỏ nó để sống với hiện thực. Hoa Tư điệu gảy lên, một câu chuyện bắt đầu.
Thẩm Ngạn – Tống Ngưng – “Tận kiếp phù du”
Hoa Tư điệu đầu tiên, và cũng là Hoa Tư điệu mang âm hưởng đau đớn và xót xa nhất. Thẩm Ngạn và Tống Ngưng thực chất rất cố chấp, đó cũng là một trong những lý do khiến kết cục của họ không mấy tốt đẹp. Khi Tống Ngưng yêu Thẩm Ngạn – Thẩm Ngạn hận Tống Ngưng. Khi Thẩm Ngạn yêu Tống Ngưng – Tống Ngưng hận Thẩm Ngạn. Yêu yêu hận hận cứ nối tiếp nhau, Hoa Tư điệu gảy lên, một câu chuyện được thêu dệt bằng mộng cảnh…
Rốt cuộc người kia có chấp nhận đối mặt với thực tế hay mãi mãi đắm chìm trong mộng cảnh?
(Cô hôn mắt chàng, run rẩy chống tay ngồi dậy, ôm mặt chàng: “Em sẽ cứu chàng, cho dù phải chết, em cũng cứu chàng”.)
(“Cô ấy đã không còn mong muốn bất kì điều gì từ chàng nữa.”)
Oanh Ca – Dung Viên – Dung Tầm – Cẩm Tước – “Thập Tam Nguyệt”
Có lẽ đối với tôi, đây là Hoa Tư điệu duy nhất mang âm hưởng ấm áp và đôi chỗ ngọt ngào. Và có lẽ đây cũng là Hoa Tư điệu tôi thích nhất. Cũng như Tận kiếp phù du, lẫn vào Hoa Tư điệu này cũng có mùi máu, mùi giết chóc, nỗi đau đớn, tuyệt vọng nhưng câu chuyện của nó rất sáng sủa và đối với tôi – kết thúc cho Oanh Ca cùng Dung Viên cũng rất viên mãn.
“Có những thứ quan trọng mà khi mất nó bản thân mới nhận ra được.” – Câu này quả thật rất đúng với Dung Tầm. Mở đầu câu chuyện, có lẽ Dung Tầm và Oanh Ca thật sự là một cặp rất xứng đôi. Đáng tiếc, lúc ấy trong mắt chàng, Oanh Ca chỉ là thanh đao tuyệt nhất của Dung Gia, là sát thủ giỏi nhất bấy giờ. Nhưng Dung Tầm đã vì Cẩm Tước – người em có khuôn mặt giống với Oanh Ca – mà đẩy Oanh Ca đến bên Dung Viên. Sau đó chàng mới chợt nhận ra cô đối với chàng thật sự quan trọng đến mức nào.
Nhắc đến câu chuyện của Oanh Ca và Dung Viên. Tôi rất thích thời gian vui vẻ bên nhau của họ. Dung Viên có thể nói là nhân vật nam tôi yêu mến nhất Hoa Tư Dẫn, hơn cả Mộ Ngôn. Chàng đối xử với Oanh Ca thật tốt, rất tốt, dù biết rằng nàng không phải người mà mình trước đây muốn cưới. trên hết thảy mọi thứ, Dung Viên yêu Oanh Ca, rất sâu đậm, nhưng cũng rất ôn nhu. Và Oanh Ca cũng thế. Cô đã cố tình bỏ lỡ cơ hội Dung Viên cho mình chạy trốn để xuất hiện trước mặt chàng. Điều đó đã chứng tỏ tình yêu của cô với chàng rồi.
Tiếc là cuộc tình của họ không kéo dài quá lâu. Nhiều biến cố ập đến rồi vụt qua, để lại nhũng thắc mắc không lời giải.
Ba năm sau, qua Hoa Tư điệu của sát thủ áo tím, câu chuyện này được tái hiện.
“Tôi sẽ dệt mộng cho cô để cô và Dung Viên ở bên nhau mãi mãi.”
Sát thủ liệu sẽ lựa chọn như thế nào?
Công Nghị Phỉ – Khanh Tửu Tửu – “Tuyết ở Bối Trung”
Nếu như Hoa Tư điệu của Tân kiếp phù du mang âm hưởng xót xa, đau đớn, Hoa Tư điệu của Thập Tam Nguyệt mang âm hưởng ấm áp, ngọt ngào, thì Hoa Tư điệu của Tuyết ở Bối Trung lại mang âm hưởng lạ lùng và buồn bã. Nói lạ lùng là có lý do. Hai nhân vật trong câu chuyện cứ như quen rồi lại không quen, như yêu mà lại không yêu. Tất cả đều bắt nguồn từ những hiểu lầm không đáng có. Đây cũng có thể được xem là câu chuyện buồn nhất trong Hoa Tư Dẫn. Yêu sâu đậm, nhưng mọi cố gắng đều chỉ nhạt nhòa. Ca khúc Thanh Hoa Huyền Tưởng được gảy lên cùng điệu múa năm nào, ai còn nhớ, ai đã quên? Yêu thương hay Bỏ mặc? Một câu chuyện với muôn vàn những khúc mắc khó có thể giải thích được.
“Khanh Tửu Tửu, rốt cuộc cô yêu chàng thế nào?”
Một câu chuyện ấn định trước kết quả đau buồn… nhưng vẫn khiến người ta chạnh lòng rơi lệ.
Mộ Dung An – Tô Hoành – “Trọn đời bình an”
Hoa Tư điệu thứ tư và cũng là Hoa Tư điệu cuối cùng Quân Phất gảy cho người khác. Mội Hoa Tư điệu mang một sắc thái khác nhauu, và lần này, âm hưởng của nó lại mang màu sắc của sự ân hận, tiếc nuối.
Hoa Tư điệu này không dài, và cũng không quá rắc rối như những Hoa Tư điệu trước đây, nhưng nó vẫn để lại ấn tượng khá sâu sắc. Một câu chuyện vượt khỏi ranh giới đạo lý lúc bấy giờ, sư phụ yêu đệ tử, đệ tử yêu sư phụ. Mở đầu câu chuyện rất êm đềm và thú vị. Nhưng tình yêu sâu đậm cũng chỉ thiệt thòi bởi một thứ – Vị thế.
Có được vị thế rồi mới thấy sao lại quá dễ dàng buông tay ? Ngày này qua tháng nọ sống trong trằn trọc và nhung nhớ. Đến khi gặp lại thì người đã không còn bên mình.
Trong thực là mơ, trong mơ là thực, Hoa Tư điệu gảy lên, trong giấc mộng của Tô Hoành.
Khi đã có thể nhìn thấy tương lai, tình yêu hay bị thế, liệu người kia có quyết định chọn lại một lần nữa, dù là trong mộng cảnh?
“Nếu tất cả quay lại lần nữa, người sẽ lựa chọn như thế nào?”
“Chuyện quá hoang đường…”
***
Về mối tình của hai nhân vật chính. Tôi rõ ràng thích mối tình này hơn mối tình của Bạch Thiển và Dạ Hoa trong Tam Sinh Tam Thế – Thập Lý Đào Hoa. Có thể do nó tiến triển chậm hơn, hợp lý hơn và vui vẻ hơn. Những câu nói mỗi khi hai người trêu đùa nhau quả thật rất vui. Trải qua bao nhiêu khó khăn, bất chấp mọi thứ, họ đã có đôi lúc được ở bên nhau rất hạnh phúc. Câu chuyện của cả hai thực chất cũng chả phải bi kịch hay thảm kịch gì. Nhưng một người đã chết và một người còn sống, liệu họ có thể đến với nhau?
“Vương hậu của quả nhân rất hay ghen, thu nạp nàng rất dễ, nhưng vương hậu sẽ không vui, nàng nói xem, quả nhận để cho nàng không vui hay để cho vương hậu của quả nhân không vui?”
Ngoài những nhân vật nêu trên, Hoa Tư Dẫn còn một hệ thống nhân vật phụ khá hài hước như Tiểu Hoàng, Quân Vỹ, Bách Lý Tấn,… Trong đó không hiểu sao tôi lại rất thích Quân Vỹ. Một kiếm sĩ biết viết tiểu thuyết, hay một tiểu thuyết gia biết xài kiếm, thật khó phân định.
Darklion0810
Lời BTV
Độc giả có thể tìm đọc Hoa Tư Dẫn của Đường Thất Công Tử qua bản ebook có mặt tại KOMO: http://komo.vn/hoa-tu-dan-p791.html.
Cùng nhiều tác phẩm ebook khác như:
Năm tháng là đóa lưỡng sinh hoa
Tam Sinh Tam Thế – Thập Lý Đào Hoa
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.