Uncategorized

Bắt trẻ đồng xanh

455899414

Bắt trẻ đồng xanh là một quyển sách rất đẹp. Lớp bìa chỉ một màu xanh của cánh đồng lúa mạch. Không có giới thiệu tác giả, tác phẩm. Không có giới thiệu nội dung, đánh giá. Không gì cả. Dòng chữ tựa sách được in thì giống hệt những đứa trẻ đang đuổi bắt nhau. Tựa đề được lấy từ một lời thoại về điều duy nhất mà nhân vật Holden Caulfield muốn làm, khi cậu trả lời câu hỏi của em gái Phoebe. Cậu muốn ở một cánh đồng lúa mạch, nơi có hàng nghìn đứa trẻ đang chạy nhảy, và cứ thế, bắt lấy bất kỳ đứa nào lại gần cậu.

catcher_in_the_rye_poster_by_inpbo-d7g1juy

Caulfield yêu trẻ em. Để ý rằng dù cho cậu có hằn học, chửi tục và mỉa mai cuộc đời đến đâu đi nữa, thì ở những khi hồi tưởng lại cậu em đã mất Allie, hay cô em gái đáng yêu Phoebe, hay tình cờ gặp gỡ với bất kỳ đứa trẻ nào, cậu trở nên rất dịu dàng. Dịu dàng như đang nâng niu một báu vật. Trẻ em cũng là nguyên do cho một nỗi đau khôn nguôi trong cậu, là nguồn gốc của tất cả sự bấp bênh tuổi thiếu niên mà cậu đang hứng chịu. Allie, cậu em trai mà Caulfield hết mực yêu thương, đã chết vì bệnh máu trắng lúc cậu 13 tuổi. Khi ấy, Caulfield đã lấy tay không đập hết các cửa sổ gara trong nhà, từ đó không thể nắm chặt bàn tay phải như thường được nữa.

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi tối ảm đạm tháng 12 tại trường Pencey, khi Caulfield trở lại khu túc xá và được thông báo bị đuổi học. Đây là ngôi trường thứ tư đuổi cổ cậu vì không hoàn thành chỉ tiêu môn học. Cậu ghé thăm một ông giáo già, người duy nhất cậu quí mến, rồi trở về phòng. Tại đây, Caulfield mâu thuẫn và dẫn đến một cuộc ẩu đả ngắn ngủi với thằng bạn cùng phòng (thực ra chỉ mình cậu bị đánh). Vì thế cậu quyết định xách đồ đạc cuốn gói ngay trong đêm, thay vì chờ đến thứ 4 tuần sau.

jd-salinger-quote

Bắt trẻ đồng xanh được dịch bởi Phùng Khánh và Phùng Thăng vào năm 1964, sau đó tái bản có sửa chữa vào năm 2008, chỉ lấy tên Phùng Khánh. Đây là quyển sách cuối cùng bà dịch trước khi về nước xuất gia. Phùng Khánh đã chuyển dịch thứ ngôn ngữ ba trợn, phóng khoáng của tác giả J. D. Salinger, hay của Caulfield một cách sáng tạo, gần gũi và đậm chất địa phương miền Bắc. Với những cụm từ như “các thứ”, “chết được”, “ả”, “bảnh”, “mạnh”… được sử dụng theo kiểu cách và lặp đi lặp lại.

minimalist_book_poster__catcher_in_the_rye_by_seanelynn-d7sfn2s

Thứ ngôn ngữ có phần mỉa mai hằn học đó được Caulfield giữ nguyên từ đầu đến cuối, thứ ngôn ngữ của một cậu nhóc 17 tuổi ngổ ngáo nhìn đời, có phần khiến người ta khó chịu ở những trang đầu, lại tạo nên sự chân thực khó diễn tả bằng lời. Như thể người đọc đang ngồi trước mặt cậu và chuyện trò với cậu, thấy cậu vung tay vung chân diễn tả với ánh mắt nhiệt thành và cả cay nghiệt. Nếu phải so sánh với một nhân vật khác, Caulfield có được thứ sức sống của Jack Pozzi trong Nhạc đời may rủi của Paul Auster, nhưng miệng lưỡi thì của Chí Phèo. Bất cứ thứ gì cậu nhìn vào đều mang một vẻ xấu xí và “thối” đến mức không ngửi được, ngay cả những thứ cậu cảm thấy là đẹp thì nó vẫn cứ thối.

Quyển sách, tựa như một bản phim khác của Linklater trong bộ ba “Before”, không có cắt cảnh, không có nhảy thời gian, đơn giản là thuật lại từng phút giây trong ba ngày cuộc đời Caulfield. Tối thứ Bảy, cậu rời khỏi trường để đến New York trọ trong một khách sạn. Suốt ngày Chủ Nhật cậu lang thang ở thành phố này và gặp một vài người. Tối Chủ Nhật cậu về nhà thăm em gái và đến thứ Hai, cậu dự tính sẽ bỏ đi thật xa. Lối miêu tả của Salinger không cầu kỳ, không chi tiết, nhưng như đã nói, có được hơi thở nồng nặc của cuộc sống phả vào, qua lời lẽ của Caulfield. Người đọc như thể được ở bên cậu, đi cùng cậu, và nhìn thấy những cảnh tượng rõ rệt trên từng góc đường New York, trong từng quán bar, trong viện bảo tàng, trong công viên một buổi chiều mưa… gặp từng con người vừa bình thường vừa kỳ lạ qua con mắt cậu, và ngửi được cái cuộc sống ấy, cái cuộc sống khiến cậu chán ghét mang đầy đủ phong vị của những năm 50 nước Mỹ.

Catcher-in-the-Rye-cover-Rich-Johnson

Giống như bất kỳ tác phẩm kinh điển nào khác, tương đồng nhất là Đồi gió hú, phải trải qua một hành trình câu chữ khó khăn lắm thì người đọc mới được tưởng thưởng. Ban đầu người ta có thể thấy ghét Caulfield, và không hiểu một đứa cá biệt lười biếng và có cái nhìn thiển cận, cũng như luôn chửi bới mọi thứ thì có gì đáng quan tâm. Nhưng rồi, Calinger bóc tách dần con người Caulfield, không phải bằng những gì cậu nghĩ về mình, không phải bằng những gì người khác nghĩ về cậu, mà bằng hành động, bằng những sự kiện, bằng chính những suy tư và hồi ức cậu có đối chiếu với hiện tại cậu đang trải qua. Đó là một cậu bé thông minh, sâu sắc và nhạy cảm. Một tâm hồn biết yêu thương, nhưng không biết tự bảo vệ mình trước sự giả dối xung quanh. Càng đi cùng cậu, người ta lại càng yêu quí cậu, và thấy rằng, cái việc cậu hậm hực với mọi thứ chỉ là để bảo vệ cho cái mong manh trong cậu.

Bắt trẻ đồng xanh đưa người đọc vào sự bấp bênh tuổi thiếu niên một cách gần gũi, như thể đang lôi tuột cái thằng nhóc/con nhóc nổi loạn hiếu thắng hoặc lạc lõng bơ vơ mà mỗi người từng có ra, để nhìn ngắm lại. Và thường chỉ có thằng nhóc/con nhóc nào đủ thông minh để tự vấn, đủ cảm xúc để đau đớn, và đủ chính kiến để tự tách biệt thì mới gặp quá nhiều khó khăn đến vậy. Người ta thấy đồng cảm với Caulfield bởi cả sự đáng yêu trẻ con của cậu, như ước mơ khá buồn cười được làm một kẻ “câm điếc” trong một thế giới giả dối và bộ tịch. Nhưng rồi lại giật mình tự vấn xem bản thân mình đã thỏa hiệp với thế giới ấy đến đâu rồi. Và nhận ra, cái ước mơ buồn cười ấy sao mà đáng quí, sao mà trong trẻo và đầy ánh sáng. Cũng như bản chất của Caulfield, một chàng trai tốt đến mức chưa được quan hệ tình dục vì cứ dừng khi tụi con gái bảo cậu dừng, và không thể qua đêm với cô gái điếm chỉ vì cô ta không thích nói chuyện và coi trọng chuyện ấy như cậu. Những điều ấy sao mà dễ thương, đến mức những lời lẽ chán đời u ám của cậu cũng không che lấp được.

catcher_in_the_rye_by_kilalahyuga-d64whzk

Nhưng cái sự bấp bênh ấy cũng nguy hiểm, như bất kỳ mối nguy nào người ta có thể gặp phải khi trưởng thành. Trong một gia đình không thể mang đến cho cậu đủ sự quan tâm và yêu thương, suýt chút nữa cái ước mơ khờ dại kia đã đẩy cậu đến con đường giang hồ bụi đời. Không cần nói, ai cũng có thể đoán ra cậu sẽ chẳng có được cái sự “câm điếc” bình dị ấy, mà cuộc đời tàn nhẫn hơn sẽ nhấn chìm cậu, sẽ thụi cậu đau tưởng chết như thằng cha gác thang máy Maurice. Mà nếu cậu không đủ thích nghi, chỉ còn cách nhảy ra khỏi cửa sổ như một tên bạn vô danh nào đó. May mắn rằng, cậu đã được cứu bởi một đứa trẻ, có lẽ là một trong hàng nghìn đứng trẻ cậu muốn bắt lấy ở cánh đồng xanh, như bắt lấy cái ngây thơ thánh thiện mà cậu đang cố níu giữ và đau khổ nhận ra đang mất đi, đang bị thế giới giả dối ngoài kia dung hòa và phai nhạt đi. Như anh trai cậu, chấp nhận “đánh đĩ” ngòi bút một cách đau khổ ở Hollywood. Đứa trẻ đó là cô em gái đáng yêu Phoebe mà cậu luôn nhắc đến với sự trìu mến.

catcher_in_the_rye_by_madamscience-d5xza64

Sau lớp vỏ xù xì, thì Bắt trẻ đồng xanh là một tiểu thuyết trưởng thành xúc động. Cuốn tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp của Salinger, bắt lấy được hoàn toàn cái nỗi sợ hãi mơ hồ và cô độc khi lớn lên. Ấy là khi Caulfield bật khóc trong vòng tay của Phoebe, sau một điệu vũ lúc nửa đêm với cô bé. Cái sự vỡ òa ấy sao mà thật quá, mà nghẹn lên đến tận cổ. Cái thật cũng là, người ta ở tuổi ấy chưa thể nghe theo được những lời khuyên đúng đắn nhưng xa lạ của những người đi trước, dù là những người người ta yêu mến đi nữa. Như ông giáo già đã nói với Caulfield những lời thông thái mà cậu chưa thể hiểu, và chưa thể nghe theo. Điều người ta cần ở cái tuổi ấy, là một sự quan tâm và tình yêu chân thành. Cái mà những cô gái không thể mang đến, như Sally, khi Caulfield trong một phút khao khát đã mở lòng với cô. Và chỉ có thể là một đứa trẻ vì sợ mất anh trai mà xách theo cả chiếc vali nặng trịch, và xin đi theo anh dù chẳng biết đi đâu về đâu. Đó là sự ngây thơ ấm áp có thể lấp đi lỗ hỗng trong lòng Caulfield gây ra bởi sự mất mát xưa kia, có thể giúp cậu bình tâm mà nghĩ lại, mà chọn lựa lại, có thể vượt qua cái điểm mấu chốt chông chênh giữa một người lớn và một đứa trẻ mà không bị chệch hướng. Bởi kiến thức, bởi kinh nghiệm, bởi tất cả vốn sống có thể bù đắp lại sau, như lời ông giáo, còn cái lỗ hỗng ấy thì chỉ có thể là một khoảnh khắc thôi. Ấy là khi cậu ngắm Phoebe trên con ngựa gỗ trong buổi chiều mưa.

Catcher-in-the-rye-2

Hẳn là không khó khăn cho người dịch lắm, nhưng tôi vẫn cứ khâm phục với cái tựa Bắt trẻ đồng xanh mà họ dịch ra từ The catcher in the rye. Cái tựa giàu sức gợi và mênh mang đến thế, quả thật cứ văng vẳng mãi trong đầu khi đã gấp sách lại, dù ấn tượng đầu tiên là hoàn toàn khác lạ với cái gai góc bắt gặp ở những trang đầu tiên. Thế rồi trang tiếp theo và trang tiếp theo, và đến với chúng ta là cả một thời thiếu niên hoang dại, dù ở đâu đi nữa, vẫn cứ chung một nỗi niềm như thể vừa mở mắt ra đã thấy chúng ta chỉ đơn độc trên thế giới này. Nhưng không phải thế đâu. Không phải thế đâu.

Bắt trẻ đồng xanh đã được dịch ra 65 thứ tiếng và mỗi năm có khoảng 20 ngàn ấn bản quyển sách được bán ra, giữ nguyên sức sống như khi xuất bản lần đầu hơn 60 năm về trước. Ban đầu nội dung và cách thể hiện của quyển sách gây ra rất nhiều tranh cãi và bị cấm đoán ở các trường học. Nhưng hiện nay, quyển sách đã được đưa vào chương trình giảng dạy trung học của nhiều nước nói tiếng Anh, và là một tác phẩm kinh điển nhận được sự yêu mến của nhiều thế hệ thiếu niên trên khắp thế giới.

Phương Nam

KOMO chân thành cảm ơn bạn Phương Nam đã đóng góp bài viết này. 

Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn. Nếu bài viết được duyệt đăng blog KOMO, bạn sẽ được tặng một ebook bất kì trên KOMO do bạn tự chọn.

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang