Những giai thoại lý thú về Hemingway
Nhà văn nổi tiếng thường được bao vây bằng hào quang của sự thành công. Người ta ngưỡng mộ tài năng của nhà văn nên quên rằng họ cũng chỉ là người, đầy tật xấu. Một trong những nhà văn nhiều tài lắm tật là Hemingway. Tôi xin tặng bạn đọc những giai thoại về Hemingway tôi trích đoạn, tóm tắt và phỏng dịch từ quyển Writers Gone Wild của Bill Peschel biên soạn.
Đây là một quyển sách rất thú vị, bạn sẽ có lúc tủm tỉm cười như khi bạn đọc về các ca sĩ hay hoa hậu đánh ghen, và bạn sẽ đôi lần ngạc nhiên về sự mạo hiểm có thể đưa nhà văn vào cõi chết hay tù đày như trường hợp của Marguerite Duras, người mà bạn tưởng là chỉ viết truyện đầy nhục cảm với đàn ông châu Á. Quyển sách nhỏ này có hằng trăm giai thoại thú vị về hằng trăm tác giả nổi tiếng. Nhưng tôi không muốn dông dài lạc đề, ở đây tôi chỉ phỏng dịch những đoạn tôi trích trong quyển sách nói trên về nhà văn Hemingway.
Hemingway làm John Steinbeck nổi lôi đình (1944)
John Steinbeck thích truyện ngắn “The Butterfly and the Tank” của Hemingway nên viết thư khen ngợi và nhân dịp ngỏ ý muốn gặp Hemingway. Hẹn gặp nhau ở quán rượu Steinbeck và Hemingway tình cờ gặp nhà văn John O’Hara. O’Hara đưa cho Hemingway xem cây gậy bằng blackthorn Steinbeck đã tặng cho ông. Blackthorn là một loại gỗ nổi tiếng cứng rắn. Hemingway trề môi khịt mũi, “cái này không phải gỗ blackthorn.” Hemingway đánh cuộc năm mươi Mỹ kim với O’Hara là ông có thể bẻ gãy cây gậy bằng cái đầu của ông. O’Hara nhận lời đánh cuộc. Hemingway để gậy lên đầu dùng hai tay kéo hai đầu gậy và bẻ gãy nó. Ông ném mảnh vỡ của cây gậy vào góc quán và chế nhạo. “Cái này mà ông dám bảo là blackthorn.”
Steinbeck giận sôi gan. Không những vì cử chỉ phô trương thô lỗ của Hemingway mà còn vì cây gậy này là của ông của Steinbeck để lại. Bạn bè của Steinbeck thường giật mình khi thấy bình thường ông rất dịu dàng nhưng nổi giận khi nghe nhắc đến tên Hemingway và nỗi ghét này kéo dài hằng chục năm. Steinbeck lấy quyển sách The Sun Also Rises (Mặt Trời Vẫn Mọc) trên kệ sách và đọc một đoạn đối thoại của Hemingway bằng giọng đều đều làm nó dở đi, khó nghe, rồi bảo. “Tôi không hiểu được tại sao người ta nghĩ là Hemingway có khả năng viết đối thoại.”
Dần dần Steinbeck cũng bỏ qua. Khi ông nghe Hemingway phê bình đoạn kết của The Grapes of Wrath (Chùm Nho Phẫn Nộ) – chỗ người đàn ông bị đói quá đã bú sữa từ ngực của một người đàn bà đang hấp hối – “không thể là giải pháp cho những khó khăn về kinh tế của chúng ta,” Steinbeck viết, “Lời phân tích của ông Hemingway không hẳn có giá trị nhưng quả là buồn cười.”
Hemingway đánh nhau với Stevens (1936)
Người Mỹ có câu nói “Sticks and stones may break my bones but words never hurt me.” thường được dùng để biện bãi khi bị người ta dùng lời nói làm tổn thương. Câu thành ngữ này có nghĩa là “Gậy gộc và đá có thể làm gãy xương tôi nhưng lời nói thì chẳng nhằm gì.” Thật ra lời nói còn làm đau hơn gậy gộc. Giữa Hemingway và Stevens thì câu nói không phải, có thể đưa đến chỗ bị đấm vào mồm.
Ursula, em gái của Hemingway, được giới thiệu với Wallace Stevens trong một buổi tiệc ở Key West, Florida. Stevens là nhà thơ nổi tiếng, gốc gác ở Hatford thuộc tiểu bang Connecticut. Stevens bảo với Ursula, Hemingway chỉ là một kẻ giả dối, không phải là đàn ông. Sau buổi tiệc, cô nàng Ursula về nhà thuật lại với anh. Hemingway lập tức đi tìm ông nhà thơ hiện đại để cho một bài học. Đây là một cuộc đọ sức khó biết phần thắng sẽ về ai. Stevens tuy đã năm mươi sáu so với Hemingway chỉ mới ba mươi sáu, nhưng ông cao hơn, to lớn hơn. Ông cũng là một tay cừ khôi về quyền Anh. Stevens lúc ấy đang say sứa sứa và Hemingway cũng đã ngà ngà.
Hemingway bắt kịp Stevens ở bến tàu và đòi choảng nhau. Stevens chế nhạo, “chú mày tưởng chú mày là Ernest Hemingway là ngon lành lắm sao” rồi thụi cho Hemingway một cái. Hemingway đấm trả lại và sau khi tàn cuộc chẳng những bàn tay của Stevens bị bộ xương hàm của Hemingway làm gãy, ông còn bị đánh gục vài ba lần, mặt mũi và mắt bị bầm tím.
Lo ngại cho danh tiếng của mình, Stevens là Giám đốc của một hãng bảo hiểm nổi tiếng, Stevens yêu cầu Hemingway đừng thố lộ với ai việc này. Dù đồng ý, lời yêu cầu của Stevens cắn rứt Hemingway đến độ ông ta cho chi tiết này vào một truyện ông đang viết dang dở. Trong “The Short Happy Life of Francis Macomber,” sau khi Macomber sợ hãi con sư tử nên bỏ chạy, ông ta yêu cầu Wilson, một người thợ săn người da trắng rất tài giỏi, đừng kể lại với ai điều này.
“Ông ta không đoán trước được hậu quả này,” Wilson hồi tưởng. “Ông ta là một thằng tồi, một kẻ hèn nhát… Yêu cầu chúng tôi ‘đừng kể lại chuyện này’ là một hành động đáng chê.”
Stevens có lẽ không bao giờ biết vụ này. “Về Hemingway,” ông viết thư cho một người bạn, “Tôi không thể nói gì nhiều bởi vì tôi không đọc sách của ông ấy.”
Hemingway chơi khăm vợ
Hemingway là một người ích kỷ, ông cư xử xấu với nhiều người, kể cả vợ của ông. Người vợ thứ ba của Hemingway, Martha Gellhorn, kết hôn với ông từ năm 1940 đến năm 1945, là một nhà báo có tài. Bà có nhiệm vụ tường thuật ngày tổng tấn công (D-day); tuy không phải cận chiến với Phát xít Đức, bà phải đương đầu với chính ông chồng của bà.
Lấy nhau ba năm, hai người càng lúc càng lạnh nhạt với nhau. Hemingway nhậu nhiều hơn, viết ít hơn, và – trái ngược với bà – không muốn dính líu đến chuyện chiến tranh. Ông đã chán ngán thế chiến thứ nhất và cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Giờ đây ông chỉ muốn được nhậu cho đã đời với những anh Cuba đồng chí rượu của ông.
Tuy nhiên khi Hemingway nghe tin Gellhorn nhận lời tạp chí Collier’s, bà sẽ tường trình cuộc đổ quân lên châu Âu, bản tính ích kỷ muốn hơn vợ nổi dậy nên ông lập mưu chơi xấu. Trước tiên, ông thuyết phục tạp chí Collier’s thuê ông, ông cướp của vợ độc quyền tường thuật chiến tranh cho tờ tạp chí này. Sau đó ông không cho bà được cùng băng qua Đại Tây Dương với ông bằng phi cơ Không quân Hoàng gia mà bà đã sắp xếp cho ông.
Gellhorn, để đáp lại, đã thuyết phục một đoàn quân khác cho bà quá giang. Suốt hai mươi ngày bà theo đoàn tàu quanh co trên biển vừa đi vừa tránh tàu ngầm của Đức. Họ càng phải cẩn thận gắt gao hơn vì đoàn tàu này chở đầy chất nổ.
Ở Luân Đôn, sau khi ăn nhậu thỏa thuê với bạn bè và chờ hồi phục sau một tai nạn xe hơi trên đường phố tắt đèn điện để tránh bom, Hemingway được đưa tên một chiếc tàu khu trục để được tận mắt xem cuộc đổ bộ. Ông thành công trong nhiệm vụ mang tàu chuyên chở bộ quân đổ lên bãi biển Omaha. Ngày hôm sau ông quay trở lại Luân Đôn sắp xếp hồ sơ truyền tin.
Trong lúc ấy Gellhorn đến bãi biển Omaha bằng con đường khác. Được đi chung với tàu bệnh viện, bà đến bờ và nhìn thấy phi cơ Đồng Minh gầm thét trên đầu và đạn đại bác nổ tung tóe ở chân trời. Khi chiếc tàu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, bà tiếp tay với bác sĩ và y tá, thông dịch tiếng Pháp và tiếng Đức, mang nước, và đút thức ăn cho bệnh nhân.
Đêm ấy, bà lội nước ngập thắt lưng, đi theo các người cứu thương vào đất liền. Bà nhìn thấy chiến trận xảy ra như cơn ác mộng với đèn tín hiệu đỏ cháy lóe soi sáng những chiếc xe tăng bị thủng tả tơi, những cái bệ bê tông đặt súng đại bác vị vỡ toang, và sự vận chuyển liên tục của quân nhân và nhu yếu phẩm băng qua bãi biển. Bà ghi nhận kỹ lưỡng hàng ngũ của thiết giáp và xe vận tải tiến sâu vào nội địa rượt đuổi địch quân.
Ở Luân Đôn, bà viết hai bài tường thuật cho tạp chí Collier’s trước khi bà bị bắt và bị quân đội Hoa Kỳ đe dọa trục xuất nếu bà còn vượt ra khỏi phạm vi phóng viên. Tuy nhiên bà không tuân lệnh và lại lẻn trốn. Suốt cuộc chiến tranh bà luôn đi trước cảnh sát quân đội một bước, được các quân nhân giúp đỡ vì họ thán phục sự can đảm và nhan sắc của bà.
Khi Bá Linh thất thủ, bà đã tham dự cuộc oanh kích và tường thuật cuộc giải phóng trại tập trung Dachau. Bà cũng ly dị Hemingway, người không bao giờ tha thứ cho bà vì đã đổ bộ trước ông.
Hemingway thiết lập đường dây do thám
Hemingway đã từng giúp FBI thiết lập một đường do thám ở Cuba trong chiến tranh để thu thập tin tức về những hoạt động của Đức Quốc Xã. Ông chất đầy đạn dược và chất nổ lên chiếc thuyền đánh cá Pilar của ông, rồi long rong trên biển đi tìm tàu ngầm của địch quân. Kế hoạch của Hemingway là dụ cho tàu ngầm nổi lên mặt nước. Khi quân đội Đức Quốc Xã mở cửa tàu, Hemingway và bạn bè của ông sẽ dùng súng máy và lựu đạn tấn công kẻ địch. Tuy nhiên, không có chiếc tàu ngầm nào bị mắc bẫy của Hemingway.
Tuần trăng mật của Hemingway (1921)
Ông hai mươi mốt tuổi và là “Hasovitch” của bà; Bà hai mươi chín tuổi và là “Nesto” của ông. Trong suốt chín tháng theo đuổi nhau, họ trao đổi hằng trăm lá thư nhưng chỉ gặp nhau có bảy lần, vì thế có lẽ Hadley Hemingway rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy bản chất thật của ông chồng Ernest.
Hai người cưới nhau ở Vịnh Horton, miền bắc Michigan và sau lễ cưới, họ được đưa về hồ Walloon, gần hòn đảo nơi gia đình của Hemingway có nhà nghỉ mát mùa hè.
Tuần trăng mật bắt đầu không mấy suôn sẻ vì đôi vợ chồng bị ốm và trời trở lạnh. Khi Ernest không viết văn, họ ở trong nhà và dưỡng bệnh bằng rượu vang.
Một buổi sáng, Ernest qua bên kia bờ hồ và quá giang xe để mua thức ăn. Ông mua 2 kí thịt bò, gặp một người bạn trao lại cho ông bộ quân phục cũ, và ông nhậu rượu lậu với người bạn này đến khi say không còn biết trời đất gì cả.
Loạng choạng đến bờ hồ, ông “mượn” chiếc xuồng gắn máy của người bạn và hướng về nhà. Nghe tiếng hò la của Hemingway, Hadley vội vàng xuống bờ hồ vừa kịp lúc nhìn thấy ông chồng say của bà phóng xuồng trên những đợt sóng cao. Ông ném cho bà miếng thịt bò và phóng thuyền lên mạn trên của hồ.
Hadley đi bộ xuyên rừng cho đến khi bà có thể nghe tiếng của Ernest. Bà nhìn thấy ông mặc bộ quân phục, vẫn còn nửa tỉnh nửa say, và đang hát một bài quân ca Ý.
Ông cũng chẳng đáng yêu khi cứ nhất quyết mang vợ đi giới thiệu với mấy cô bồ cũ đang sống ở Petosky gần đấy. Ông giải thích là ông muốn nâng cao con người ông trong tầm mắt của bà, nhưng bà cho là hành động ấy là một cử chỉ đề cao tính khoe khoang hợm hĩnh của ông.
Tuần trăng mật, bà thú nhận, “phần lớn là sự thất bại.”
Hemingway khi trời tối
Tiểu thuyết của Hemingway có thể được xem là điển hình của trường phái văn chương hiện đại nhưng thái độ của ông đối với tình dục bắt nguồn sâu xa từ thời Victoria. Ông tin rằng mỗi người đàn ông chỉ có một số lần nhất định đạt đến tột đỉnh của khoái cảm vì thế nên phân chia đều những tột đỉnh khoái cảm này trong suốt chiều dài cuộc đời. Ông cũng tin vào hôn nhân, nên đã đến bệ thờ làm đám cưới bốn lần, và luôn luôn có một người chờ sẵn trong khi ông đang làm thủ tục ly dị bà vợ trước.
William Faulkner, người luôn giữ người vợ chính thức nhưng có hàng tá những cuộc tình vụn vặt, có cách tóm tắt triết lý về hôn nhân của Hemingway tốt nhất: “Lỗi lầm của Hemingway là ông ta cứ nghĩ là ông ta phải cưới tất cả các bà tình nhân.”
Hemingway có thể là người hùng trong những cuộc đi săn, đi câu, đánh quyền, và đấu bò, nhưng dường như ông không phải là dũng sĩ trong chăn gối. Một phần của vấn đề là do tật nghiện rượu của ông đưa đến chỗ bị bất lực và càng già càng trở nên tệ hại. Tuy nhiên, Hadley,bà vợ đầu tiên, cho rằng sự bất lực này thật ra chỉ vì Hemingway quá đãng trí với việc yêu đương. Đang cơn chăn gối, ông bỗng với lấy quyển sách trên bàn ngủ và đọc sách bên trên bờ vai của bà. Điều này đủ để làm nguội lửa lòng của bất cứ bậc nữ nhi nào.
Nguyễn Thị Hải Hà (Blog Chuyện Bâng Quơ)
(Trích đoạn và phỏng dịch Writers Gone Wild – the Feuds, Frolics, and Follies of Literature’s Great Adventurers, Drunkards, Lovers, Iconoclasts, and Misanthropes (Nhà Văn Đại Náo – những chuyện tranh chấp, nô đùa, và điên rồ trong văn chương của các nhà phiêu lưu, chàng say, người tình, kẻ đả phá thần tượng, và kẻ ghét người). Bill Peschel biên soạn. Nguyễn Thị Hải Hà dịch)
Lời BTV:
Độc giả có thể tìm đọc những tác phẩm hay của Ernest Hemingway, John Steinbeck, Marguerite Duras, William Faulkner qua những bản ebook có mặt tại KOMO dưới đây:
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.