Luận Về Yêu, Alain de Botton
“Về mặt tinh thần, chúng ta luôn lực bất tòng tâm trước một phụ nữ khiến ta bấn loạn, cho dù có ở độ tuổi nào thì cũng thế thôi…” – Marc Levy, Nếu Như Được Làm Lại.
1. Trong cuốn Luận Về Yêu (Alain de Botton, Trần Quốc Tân dịch), nhân vật “tôi” trên một chuyến bay từ Paris đến London đã “tình cờ” gặp được Chloe (mà theo như ‘phân tích’ của ‘tôi’ thì đó chính là định mệnh với khả năng yêu nhau chỉ là 1 trên 989.727) và yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, cho rằng đó chính là người dành riêng cho mình, người mà nhất định sẽ xuất hiện trước mặt mình không cần biết là bao giờ và ở đâu. Vấn đề là ‘tôi’ đã “quên mất” không hoài nghi (thuyết hoài nghi trong tình yêu), nên đã không biết được rằng cái định mệnh mà mình đang nghĩ đến là thuyết định mệnh yêu một người hay là thuyết định mệnh yêu một người xác định.
Yêu một người và Yêu một người xác định, hai cái đấy nó khác nhau như thế nào?
Tức là ‘tôi’ đã chắc như bắp rằng mình và Chloe là định mệnh của nhau, nhưng không chắc như đinh đóng cột rằng Chloe là người ‘không thể thay thế’, rằng nếu không là Chloe thì cũng sẽ là người khác. Liệu rằng họ có phải chỉ là sự tình cờ, với xác suất gặp nhau, đi trên cùng một chuyến bay, có số ghế ngồi cạnh nhau, và mở miệng nói chuyện với nhau, và sau đó là yêu nhau, làm tình với nhau… là vô cùng thấp?
Vấn đề là, ‘tôi’ không hề hoài nghi cách mà Chloe khiến mình rơi vào tình yêu với cô: đó chính là đôi mắt của cô ấy! ‘Tôi’ cho rằng liệu có gì sai sót nếu như chính đôi mắt ấy đã khiến mình bối rối? Liệu có cô gái nào khác cũng có đôi mắt như đôi mắt của Chloe để có thể ‘quyến rũ’ được ‘tôi’?
Cơ bản là, họ đã gặp nhau. Không đơn giản mà họ được gặp nhau. Cho dù đó không phải là tình yêu thì đó cũng là “Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp.” – Quy tắc đầu tiên trong 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ!
2. Khi “quyết định” yêu một ai đấy, hoặc giả chí ít là cảm thấy mình đang rơi vào lưới tình với một ai đấy, người ta thường không nghĩ rằng mình rồi sẽ có lúc được đáp trả lại, giống như cách mình đã ‘yêu’ người ấy. Trước mắt, họ chỉ cần biết rằng mình thích người ấy, cá tính người ấy có gì đó đặc biệt, đến nỗi có thể thu hút mình một cách mãnh liệt, để rồi không thể tìm ra lý do nào để phủ nhận tình cảm đó (dù rất có thể nó là cảm nhận sai). Kết quả là mình nâng người đó lên một tầm cao mới, vượt lên trên tất cả mọi tiêu chuẩn của bản thân, rằng ở đâu lại có một người tuyệt vời như thế, rằng tại sao người đó lại có thể hấp dẫn đến như vậy, actractive đến độ như thế… đến mức khiến bản thân hoàn toàn chấp nhận mình sẽ có khả năng phải ấp ủ một mối tình đơn phương không “môn đăng hộ đối”, hay nói cách khác là một mối tình mang tên “đôi đũa lệch”.
Vốn dĩ, tâm lý chung con người ta (hoặc cũng có thể là tâm lý riêng của bản thân) thường hay đề cao người và hạ thấp mình cho dù với mục đích là gì. Cho nên khi yêu một ai đó trước, người ta thường nghĩ rằng: Chắc anh/cô ấy sẽ chẳng yêu mình đâu nhỉ? Làm sao mà anh/cô ấy có thể thích một người khô khan/ủy mị/sến súa/thực tế… như mình nhỉ? Một người như vậy chắc tiêu chuẩn chọn người yêu phải khắt khe lắm… Ấy vậy nhưng rồi, người đó bỗng nhiên đáp trả lại tình cảm của ta, tức là người đó cũng yêu ta, hệt như ta yêu người đó, thì ta lại bỗng dưng trào lên một cảm giác… xem thường. Rằng hóa ra tiêu chuẩn của người ấy cũng chỉ đến mức đó mà thôi. Tại sao một người hoàn hảo như cô ấy/anh ấy lại có thể thích một người (tầm thường) như mình… Trong khi đó, ta lại không hề biết rằng ta hoàn toàn xứng đáng với tình cảm đó, thậm chí là vượt xa mức xứng đáng đó.
Thế rồi, ta bỗng dưng trở nên cáu gắt với người mà ta đã thừa nhận là mình yêu họ. Những thứ ta vốn dĩ không thích nhưng đã “cố gắng” để thích chỉ vì yêu người nay trở nên lố bịch. Kiểu như ta đã từng thấy người đáng yêu khi ăn cơm rơi vãi tứ tung, từng thấy người cá tính khi yêu thích thứ không theo xu hướng… thì nay ta có thể vì điều đó mà trở nên… sốt ruột. Rằng phải chăng ta đang yêu đúng người?
3. Con người ta khi đang trong giai đoạn hạnh phúc với người mà mình yêu thương, thường bỗng dưng sinh ra nỗi lo sợ vu vơ, về một viễn cảnh niềm hạnh phúc ấy rồi sẽ biến mất. Theo kiểu “buổi tiệc nào rồi cũng tàn”, “niềm vui nào rồi cũng sẽ tan”, hay “gặp gỡ là để chia ly” hoặc thậm chí chỉ đơn giản là không tin mình đang hạnh phúc… Và đó chính là một nỗi buồn không thể diễn đạt bằng lời, chỉ biết tự gặm nhấm, và để nó tự trôi qua. Như nhân vật ‘tôi’ trong Luận về Yêu với Nỗi sợ hạnh phúc của mình vậy (từ trang 161).
Đời là bể khổ. Và tình yêu thì lắm bể dâu. Một khi chấp nhận yêu ai đó, thì phải luôn vun đắp và gìn giữ, xây dựng tình yêu ấy. Chẳng có gì dễ đổ vỡ hơn tình yêu. Chẳng thà chả yêu ai, chỉ “giả vờ” yêu thôi cũng được, thì khi có lừa dối, có đổ vỡ, chỉ cần trưng ra cái bản mặt ngạc nhiên một tí là xong, không một chút đau khổ. Chứ mà đã yêu, đã thổ lộ tình yêu, thì không thể để mặc nó tự còn mãi ở đó không biến mất mà không có sự chăm sóc, vun trồng. Thành ra, nỗi lo sợ hạnh phúc biến mất là hoàn toàn có thật, rất dễ xảy ra và vô cùng khó nắm bắt.
Nhor
Lời BTV:
Độc giả có thể tìm đọc một số ebook hay về tình yêu tại KOMO như gợi ý dưới đây:
Lịch sử tình yêu – Nicole Krauss
Tình yêu kéo dài ba năm – Frédéric Beigbeder
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.