Le Lieu Browne nghĩ về bà Trần Lệ Xuân
Sáng 25/4/2011, tôi thấy một vài nơi trên mạng đăng tin bà Trần Lệ Xuân, thường được gọi là bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu, qua đời.
Khi chồng bà bị giết, bà mất hết quyền hành và bắt đầu cuộc sống lưu vong hồi tôi còn rất bé. Mỗi khi tôi nghe người ta nhắc đến tên bà, lời nhắc thường gắn liền với những điều không hay. Vào năm 63 (hay 64 tôi không nhớ chắc), nhà tôi ở trong khu Vĩnh Hội bị cháy. Đó là trận hỏa hoạn rất lớn. Đêm ấy tôi chạy nạn cháy đến ở nhà của một người quen trong khu vực đường Cô Giang. Ở trên sân thượng của ngôi nhà lầu ba (hay bốn tầng tôi không chắc) thấy lửa sáng rực ở một góc trời. Lúc bắt đầu cơn cháy là buổi chiều, tôi được người nhà dẫn chạy ra bờ sông trên con đường Bến Vân Đồn. Tôi đứng chung với đám người nhốn nháo chạy cháy. Giữa lúc ấy tôi nghe người chung quanh nói rằng bà Nhu ra lệnh giải tỏa khu Vĩnh Hội để xây chung cư, còn được dân chúng gọi là nhà Kiến Thiết. Người ta đồn Bà ra lệnh cho đốt cháy nhà dân để cuộc giải tỏa được thực hiện dễ dàng.
Đây là một tin đồn không thể kiểm chứng, nhưng qua đó tôi có thể nhận ra là nhiều người không thích bà.
Gần đây tôi đọc quyển Patriots: The Vietnam War Remembered From All Sides của Christian G. Appy. Trong quyển này ông Appy phỏng vấn nhiều người rồi viết lại cuộc phỏng vấn. Vì đây là hồi tưởng của người được phỏng vấn nên khó biết những chi tiết trong lời kể chính xác đến mức độ nào. Thời gian có thể làm phai mờ trí nhớ. Ở mức độ tốt nhất thì đây là quan điểm của người kể, về một khía cạnh của lịch sử trong một thời điểm nhất định. Nếu tin được sự hồi tưởng này, thì chúng ta có thể nói, người kể là một nhân chứng của lịch sử. Người đọc có thể đồng ý hoặc không đồng ý với lập luận chính trị của người kể. Có thể tin hay không tin sự chính xác của chi tiết. Tuy nhiên qua hồi tưởng này chúng ta nhìn lại một khoảng thời gian trong lịch sử bằng cái nhìn của người kể. Với tôi, đây là một khám phá mới mẻ và rất hấp dẫn. Hấp dẫn hơn những giờ học lịch sử chán đến độ làm tôi ngủ gục. Một trong những người ông Appy phỏng vấn có bà Le Lieu Browne. Tôi đoán bà tên Lệ Liễu nhưng vì chỉ là phỏng đoán nên không dám dùng tên này và chỉ xin dùng Le Lieu khi cần nhắc đến tên bà. Bà Le Lieu có nói đến bà Nhu, vì thế khi nghe tin bà Nhu qua đời tôi nghĩ ngay đến câu chuyện bà Le Lieu đã kể.
Bà Le Lieu làm việc cho bộ Thông Tin (Ministry of Information) dưới thời Ngô Đình Diệm. Nơi đây bà gặp ký giả Malcom Browne; về sau bà kết hôn với ông. Công việc của bà là kiểm duyệt sách và tạp chí viết bằng ngoại ngữ Anh và Pháp. Bà đọc tiểu thuyết để xem nội dung của những quyển sách này có ủng hộ chế độ Cộng sản hay không. Nếu có, bà sẽ loại bỏ ra khỏi danh sách nộp cho bộ Thông Tin để không cho mang vào Việt Nam. Ông Malcom Browne là ký giả chuyên theo dõi những cuộc biến động xuất phát từ tín đồ Phật giáo và ông đã chứng kiến việc tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức. Ông được giới Phật giáo đánh tiếng ngầm cho biết trước mỗi khi họ tổ chức biểu tình, vì thế ông bị chính quyền của ông Diệm đặt vào phe chống đối. Bà Le Lieu cũng bị quấy nhiễu thường bị Cảnh sát khám xét nhà bà. Vì bà sống chung với Malcom mà chưa thành hôn nên rất sợ bị làm cho xấu hổ. Sau đây tôi xin dịch một đoạn hồi tưởng của bà Le Lieu qua lời văn của Appy.
Cuộc khủng hoảng Phật giáo càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn. Chính quyền Diệm tiếp tục quấy nhiễu những người biểu tình và bắt giam các nhà sư. Báo chí Mỹ tiếp tục theo dõi tình hình đăng tải tin tức và Malcom chụp được ảnh của nhà sư tự thiêu. Em dâu của ông Diệm, Bà Nhu, lúc ấy đang ở Hoa Kỳ để giải thích và bênh vực hành động của chính quyền Việt Nam. Chẳng may, bà gọi nhà sư tự thiêu là “barbecued monk” (nhà sư bị nướng). Điều này làm giới Phật giáo bất mãn cực độ và từ đó đưa đến chỗ chính quyền Diệm và Nhu tan vỡ.
Lúc ấy, tôi không thể nào tin được bà lại có thể nhẫn tâm và vô tình đến như thế. Tuy nhiên tôi nghĩ bà là nạn nhân của chính sự kém hiểu biết của bà. Bà luôn luôn bị giới truyền thông báo chí bao vây. Ảnh của bà xuất hiện trên báo chí ngoại quốc trên toàn thế giới, cho thấy một “Đệ Nhất Phu Nhân” rất đẹp và đầy uy quyền. Bà bị đám cố vấn bao vây chung quanh bà và mớm cho bà những lời cố vấn sai lầm. Là người miền Nam, bà chân thật đến độ khờ khạo. Bà không giỏi Anh ngữ, vì thế bà phát biểu những lời đầy vẻ lăng mạ rất có thể bởi vì bà không biết dùng những chữ thích hợp. Nếu phát biểu bằng tiếng Việt Bà sẽ chẳng bao giờ xúc phạm hành động tự thiêu của nhà sư bằng chữ “thịt nướng.” Bà không hiểu người Mỹ rất ghê tởm cách dùng ngôn ngữ thô kệch như thế. Mặt khác người Mỹ thì chẳng bao giờ cố tìm hiểu về văn hóa, phong tục, và sự nhạy cảm của người Việt chúng tôi. Chúng tôi bị quyền lực ngoại bang đô hộ trước đây và vì thế không tin cậy vào sự can thiệp của ngoại quốc.
Mặc dù mọi chuyện xảy ra như thế, tôi nể trọng bà Nhu vì những điều bà đã làm cho phụ nữ Việt Nam. Bà gương mẫu ở chỗ bà đã thúc đẩy quan niệm phụ nữ Việt Nam cũng giỏi như nam giới. Suốt gần một trăm năm phụ nữ Việt Nam chúng tôi đã làm việc chung vai sát cánh với nam giới, giữ những công việc đầy trách nhiệm. Chúng tôi có phụ nữ làm bác sĩ, luật sư, chính trị, giáo dục, và thương mại, tuy thế chúng tôi không chứng tỏ là đã được bình đẳng cho đến khi bà Nhu xuất hiện trên chính trường. Bà khuyến khích và hỗ trợ về mặt chính trị để chúng tôi đòi được công nhận.”
Như tôi đã nói, đây chỉ là hồi tưởng của bà Le Lieu. Tôi nhắc lại trên blog này, bởi vì bà Le Lieu nêu ra một vài điều về bà Nhu mà theo bà là đáng khen ngợi. Tôi đang bước đầu lần mò học lại lịch sử Việt Nam nên nhận xét của bà Le Lieu về bà Nhu, trái ngược lại cái nhìn của giới báo chí Mỹ và đa số dân Việt Nam vào những năm 60 (và có lẽ cái nhìn ấy vẫn còn nguyên cho đến bây giờ), là điều hấp dẫn tôi. Bà dám nói thật ý nghĩ của bà để bênh vực một người sa cơ thất thế làm tôi thán phục dù tôi vẫn biết chế độ của ông Ngô Đình Diệm đã làm nhiều điều sai trái.
Malcom Browne đoạt giải Pulitzer trong việc săn tin phong trào tranh đấu Phật giáo. Bà Le Lieu ban đầu công việc của bà là khiển trách Malcom mỗi khi ông vi phạm luật của chính quyền vì tiếp xúc thường xuyên nên trở thành cảm mến và về sau thành vợ chồng. Đổi thù thành bạn đã khó đổi thù thành người yêu thì quả là ông ký giả này thật là tài ba.
Viết thêm ngày 7 tháng 1 năm 2014:
Tôi cũng đồng ý với bà Le Lieu là rất có thể bà Nhu dùng sai chữ, hoặc do yếu Anh ngữ, hoặc trong cơn bối rối đã không tìm được chữ thích hợp, và báo chí Mỹ đã nhân cơ hội thổi gió vào ngọn lửa đang cháy biến một sự phát biểu vụng về thành cơn bão lửa góp phần vào việc thiêu hủy một chế độ. Báo chí Mỹ đã giết nhiều chính khách của Việt Nam.
Bài: Nguyễn Thị Hải Hà
Nguồn: Blog chuyenbangquo.wordpress.com
Lời BTV:
Độc giả quan tâm có thể tìm đọc tác phẩm Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền lực Bà Rồng phiên bản ebook có trên KOMO để hiểu thêm nhiều chuyện mới nhất, chưa kể về chiến tranh Việt Nam. Một cuộc đời sống động. Một thời đại lạ lùng. Một Bà Rồng quyền lực. Một người đàn bà yếu đuối với cõi lòng tan nát nhưng có vai trò hủy diệt trong chiến tranh Việt Nam. Sách viết công phu, hấp dẫn, đầy ắp thông tin, tư liệu có thể khiến những người quen thuộc với lịch sử Việt Nam vẫn thật sự kinh ngạc.
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.