Đọc lại: Thói quen hay thú vui?
Số lượng đầu sách xuất bản hàng năm đang ở mức khổng lồ, trong khi thời gian chúng ta dành cho đọc sách ngày càng ít. Thế nhưng vẫn có người, thậm chí nhiều người, giữ thói quen đọc đi đọc lại những cuốn sách mình yêu thích. Đây đơn giản chỉ là thói quen hay thú vui lạ kỳ?
Khi còn nhỏ, ta có thể đọc đi đọc lại hết nhiều cuốn sách nhưng càng lớn, niềm vui và thói quen này càng bị lãng quên. Có nhiều lý do: chúng ta có quá ít thời gian rảnh rỗi để đọc, có quá nhiều đầu sách (đáng phải đọc), nên dù bạn có lên kế hoạch tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi, mỗi ngày đọc một cuốn thì cũng chẳng đáng là bao so với lượng sách khổng lồ được xuất bản và việc đọc lại lại càng không thể.
Tuy nhiên, theo nhà báo Hephzibah Anderson (BBC), vẫn có một bộ phận độc giả giữ thói quen đọc lại những cuốn sách mình yêu thích và việc đọc lại một cuốn sách cũng mang đến những điều kỳ diệu bất ngờ. Có người đọc The Lord of the Rings (Chúa nhẫn) hàng năm như một nghi lễ; có người thường xuyên đọc lại Devotees of The Great Gatsby (Những người hâm mộ đại gia Gatsby), Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) hay Tess of the D’Urbervilles (Cô gái dòng họ Urberville) vì đơn giản đó là những cuốn sách họ yêu thích. Một người bạn của Hephzibah Anderson kể, nàng Emma của Jane Austen vẫn khiến anh ngạc nhiên, hết lần này đến lần khác, dù anh đã đọc nó… hơn năm chục lần.
Trong hai cuốn hồi ký của nhà báo Rebecca Mead, cô đều đề cập thói quen đọc đi đọc lại và những thành công cô có được nhờ thói quen này. Rebecca Mead là người Anh, nhưng cô sống ở New York đã khá lâu. Lần đầu tiên cô đọc Middlemarch (một nghiên cứu về cuộc sống) của George Eliot là năm mười bảy tuổi. Sau đó, cứ năm năm, cô đọc lại một lần. Có điều đặc biệt là mỗi lần đọc, dù đọc lại, rất nhiều điều mới mẻ đã đến với cô. Mỗi chương trong cuộc đời của mình; khi cô ra ở riêng, khi cô đến Mỹ, khi cô yêu đơn phương, khi cô làm người mẹ… cô lại đọc với một tâm trạng khác, đón nhận những điều trong đó với cảm xúc khác. Bây giờ, khi đang ở tuổi bốn mươi, Mead vẫn đọc Middlemarch nhưng cô muốn đọc để tìm hiểu xem việc viết tiểu thuyết này có ý nghĩa như thế nào với Eliot, cũng như đọc cuốn sách ấy có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống của cô. Cô đã ghi lại tất cả những điều này trong The Road to Middlemarch (Đường tới Middlemarch, xuất bản tại Mỹ dưới tên My Life in Middlemarch), một cuốn hồi ký giọng văn sắc sảo vừa như tán gẫu, vừa mẫu mực (của một nhà giáo).
Nhà viết kịch Samantha Ellis là một trường hợp khác. Cô đọc Wuthering Heights (Đỉnh gió hú) lần đầu tiên năm mười hai tuổi, sau này, mỗi dịp sinh nhật, cô đều đọc lại. Và năm nay, sau hơn hai mươi lần đọc lại Đỉnh gió hú, cô đã cho ra đời How to be a Heroine (Cách trở thành nhân vật nữ chính), lấy cảm hứng từ những lần đọc lại ấy. Quyết định cho ra đời How to be a Heroine bắt nguồn từ cuộc tranh luận (xem Jane Eyre hay Cathy Earnshaw tốt hơn) giữa Ellis và người bạn thân trong chuyến trở về Yorkshire (Anh). Ellis nhận ra rằng, cô đã cố gắng để trở thành Cathy sau khi đọc Đỉnh gió hú. Điều này thôi thúc cô thực hiện một hành trình, quay về với những cuốn sách đã cho cô ý tưởng để sống, làm việc trong suốt những năm tháng trước đó. Cô nhận ra rằng, câu chữ trong những cuốn sách cô từng đọc đi đọc lại nhiều lần ấy không hề thay đổi nhưng cô vẫn thấy khác, đơn giản là cách cô đọc nó đã thay đổi.
Đọc lại không đơn thuần là tìm lại thông tin, luôn có sự chuyển động ngay cả trên những con chữ bất động trong từng trang sách, và mỗi lần đọc lại là một lần cảm nhận chuyển động ấy, trong tư duy của chính người đọc. Với trẻ em, việc đọc đi đọc lại hay nghe đi nghe lại một cuốn sách, câu chuyện (trước giờ đi ngủ), thường chỉ là tìm về những gì thân thuộc để sưởi ấm tâm hồn, tự đưa mình vào giấc ngủ. Nhiều người lớn cũng có thói quen này nhưng cảm xúc với nó phức tạp hơn. Nhà văn Larry McMurtry chia sẻ: “Nếu trước đây tôi đọc với cảm xúc phiêu lưu (là chủ yếu), thì bây giờ tôi đọc với thái độ thôi thúc gìn giữ. Thật tuyệt vời khi ta có thể trở lại với những thứ ta biết chắc sẽ không bao giờ thay đổi”.
Sự cũ kỹ và bất biến vốn không có sức hút với con người, vậy nên, đương nhiên đọc lại nếu không tìm thấy sự mới mẻ, thú vị thì sẽ không có ai đọc lại. Nhà văn Vladimir Nabokov tin rằng, quá trình đưa mắt từ trái sang phải, từ hàng trên xuống hàng dưới, từ trang này sang trang kia (khi đọc sách), nếu là lần đầu, nó cũng chỉ giống như công việc của một phiên dịch viên mà thôi (chuyển từ ngữ từ văn bản/sách vào đầu); nhưng khi đọc đến lần thứ tư thì mọi thứ sẽ khác. Trong một nghiên cứu gần đây tại Mỹ và New Zealand, các nhà khoa học đã kết luận, việc đọc lại có tác dụng rất tốt đến tinh thần (cảm xúc) của chúng ta. Trong lần đọc đầu tiên, trong đầu chúng ta chỉ quanh quẩn với các câu hỏi: Cái gì? Tại sao? Phải đến lần thứ hai, cảm xúc với con chữ, nhân vật mới xuất hiện. Theo nhà nghiên cứu Cristel Russell (đại học Mỹ), “đọc lại để thấy sự mới mẻ, tươi tắn không chỉ với nhân vật, sự việc, mà cả với người đọc”.
Một số độc giả có thói quen ghi chú bên lề hay những khoảng trống trên trang sách thì đọc hay xem lại những cuốn sách cũ sẽ gợi nhớ rất nhiều về quá khứ, những kỷ niệm (đẹp). Do vậy, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta không chỉ thay đổi nhờ kinh nghiệm sống mà còn nhờ cả kinh nghiệm đọc. Có người từng nói như thế này, nhà văn là người tạo ra một cuốn sách nhưng chính người đọc và cách đọc mới tạo ra một cuốn sách hay.
Minh Hà – Theo BBC
Nguồn: Người Đại Biểu
Theo Thoidaibooks.com
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.