Tác giả “Bên Kia Ranh Giới”: ‘Người tốt nhiều hơn người xấu, đi sẽ thấy’
Bên Kia Ranh Giới của Tôn Nữ Tường Vy không kể về trải nghiệm trên đường du lịch. Vy thường xuyên tham dự những hoạt động thiện nguyện kết hợp học tập ở nước ngoài. Nếu du lịch, cô cũng không đi để giải trí, mà để khám phá và đôi khi thay đổi cuộc sống những người cô gặp. Vì thế, đọc sách của Vy thấy ấm áp và đầy năng lượng.
Nếu được chọn một câu chuyện, một thông điệp để giới thiệu cuốn sách của mình, bạn sẽ nói gì?
Mình sẽ chọn bài Tình nguyện ngoài dự kiến ở Kuala Selangor kể về các gia đình giáo dục tại gia cho con ở Malaysia, cùng nhau tạo nên một nền giáo dục hoàn toàn khác cho con mình thế nào. Theo mình, giáo dục không nên chỉ là đi học chính quy và phụ thuộc vào nó. Hãy đủ dũng cảm và lý trí để thử phương pháp bổ trợ khác.
Không phải ai cũng đủ khả năng và điều kiện du học. Theo bạn, làm thế nào để tận dụng nền giáo dục đại học trong nước?
Chương trình học ở đại học trong nước còn lạc hậu, nhưng đừng chỉ than vãn. Hãy tìm hiểu mình thiếu gì để đọc thêm sách, học các khóa học miễn phí trên mạng, tham gia các tọa đàm… để cập nhật kiến thức và tạo mối quan hệ với các trí thức trong lĩnh vực liên quan.
Ở khoa Ngoại ngữ (Đại học Mở TPHCM), mình học rất nghiêm túc những môn mình thích và có khả năng, môn không thích và không sở trường thì điểm vừa đủ qua là được. Vì mình còn dành thời gian học thêm các lớp bên ngoài trường (như khóa Phiên dịch ở Thông tấn xã Việt Nam, lớp triết học ban đêm của thầy Bùi Văn Nam Sơn), đi nghe bảo vệ luận văn (từ cử nhân tới tiến sĩ) ở trường khác, học IELTS và tham gia các cuộc thi học thuật.
Hoạt động xã hội là một phần không thể thiếu. Mình làm cán bộ Đoàn – Hội, thành lập một tờ báo tiếng Anh để rèn khả năng lãnh đạo, tham gia nhóm truyền thông mới, các chuyến tình nguyện và đăng ký đi tập huấn, trường hè… được đài thọ toàn bộ ở nước ngoài. Mình cũng đi làm thêm để kiếm tiền như viết truyện ngắn cho báo Hoa Học Trò, Áo Trắng và dịch tài liệu công chứng.
Tất cả những việc đó giúp mình bổ sung kiến thức, kỹ năng và mở rộng mối quan hệ. Giúp trưởng thành rất nhanh chóng và vững chắc. Môi trường đại học ở Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ phong phú cho bạn khám phá khi bạn thực sự muốn.
Vì sao bạn quan tâm lịch sử và sau này là giáo dục? Hai mối quan tâm này hỗ trợ cho nhau thế nào?
Cả hai đều ảnh hưởng mật thiết đến tình trạng xã hội: hẹp hòi hay cởi mở, bất an hay bình an, thù hận hay bao dung. Lịch sử và giáo dục là thứ mà con người “kể” cho nhau và về nhau trong xã hội. Nếu “kể” bằng sự áp đặt độc đoán thì sẽ sinh ra một xã hội bất an, hằn học và mầm mống bạo lực (tinh thần, thể chất) luôn chực chờ nổ ra trong bất cứ việc gì, ví dụ “ném đá” nhau trên mạng. Nếu “kể” bằng sự tôn trọng, đa chiều thì sẽ sinh ra một xã hội minh bạch, nhân văn và không bao giờ đứng yên vuốt ve một điều gì đó được cho là bất biến.
Làm sao vượt qua sự e ngại để đi đây đó một mình và bắt quen với người lạ trên đường? Đã lần nào bạn phải hối tiếc vì sự cởi mở của mình?
Nhiều bạn du lịch bụi và mình rút ra một điều là người tốt nhiều hơn người xấu. Đi rồi sẽ thấy. Mình không quá cởi mở hay nhanh chóng “ngoại giao” đâu. Mình thường quan sát kỹ và chỉ chọn một, hai người để nói chuyện với tất cả sự tập trung. Như thế vừa đỡ tốn thời gian làm quen nhiều người hời hợt, vừa có những mối quan hệ đủ sự tin tưởng.
Để vượt qua sự e ngại, chỉ đơn giản là không nghĩ tới nghĩ lui quá lâu, mà cứ đi tới người đó thôi. Đừng bắt đầu kiểu “Chào bạn, mình tên là… Đến từ… Bạn khỏe không?”. Sáo mòn đó có thể làm hai người tắc tị. Mình thường hỏi cái gì đó (bạn nghĩ sao về bài nói chuyện ấy, làm sao để đi từ đây tới bảo tàng XYZ…). Sau khi trả lời thì họ sẽ hứng thú hỏi ngược lại mình và hai người sẽ có đà để tiếp tục câu chuyện.
Vượt ra khỏi vòng an toàn nhưng đừng bước vào vòng nguy hiểm. Mình thường có phương án dự phòng (ví dụ chỉ xin ở homestay với “đại sứ” của khu vực đó – tức người uy tín nhất, hoặc người lớn tuổi sống thành một gia đình lớn, đi đâu với ai xe số mấy thì phải luôn báo cho chủ nhà và người mình tin tưởng ở khu vực đó).
Bạn đánh giá thế nào về phẩm chất, hạn chế và cả một viễn cảnh cho thanh niên Việt Nam trong mối tương quan với ASEAN?
Thanh niên Việt Nam có lợi thế về ý chí vươn lên. Khó khăn giúp các bạn ham học hỏi hơn và muốn trau dồi hơn nữa. Đôi khi nó còn thúc đẩy tinh thần cạnh tranh của các bạn.
Hạn chế lớn nhất là chưa thấy mình đang đứng ở đâu, mình có gì, thiếu gì. Cho nên một mặt, nhiều người quá tự tin và phản ứng mạnh mẽ bất chấp lý lẽ vì sĩ diện hão về dân tộc. Một mặt thì tự ti, nhìn đâu cũng thấy cái xấu và than thở luẩn quẩn.
Khi đã dám bước ra khỏi vòng an toàn quen thuộc, các bạn sẽ lập tức thấy mình đang như thế nào so với thanh niên các nước. Khi đã tới bước này (sốc, tổn thương, hiểu mình) thì lợi thế của người Việt sẽ trỗi dậy: khát khao thay đổi, trau dồi bản thân. Trong bối cảnh hội nhập, thanh niên Việt Nam, bất kể có điều kiện kinh tế hay không, sẽ thêm nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi bạn bè quốc tế qua các chương trình trao đổi được đài thọ, du lịch miễn visa hoặc đi làm ở nước khác.
Việc đầu tiên và cần kíp nhất là học tiếng Anh. Một anh học trò “ruột” của mình đã hai con, làm kế toán trưởng, bận ngập đầu nhưng vẫn siêng năng đi học tiếng Anh dù nhà ở tít Nhà Bè, với ước mơ trở thành giám đốc tài chính và giao tiếp tốt với người nước ngoài. Người trẻ chưa vướng bận con cái nhà cửa, cớ gì lại không cố gắng được như người ta? Thứ nữa là tập thói quen tự học, như đọc sách, báo, tra cứu thông tin, thảo luận trò chuyện với người khác quan điểm. Khi đó ta sẽ trau dồi kiến thức, làm cuộc sống phong phú, vui vẻ hơn, biết tôn trọng sự khác biệt hơn trong thời đại đầy thay đổi này.
ASEAN đang chuyển mình rất ghê gớm. Các bạn Thái Lan, Singapore, Malaysia… chuẩn bị sớm hơn ta rất nhiều, thậm chí Giáo dục ASEAN trở thành môn học từ năm 2012 cho học sinh cấp 1-2 ở Thái Lan. Do đó, mình không ngạc nhiên khi đầu năm 2016, Thái Lan nhanh chóng thâu tóm các chuỗi siêu thị lớn ở Việt Nam. Từng đứa trẻ, thanh niên và doanh nhân Thái đều được giáo dục, chuẩn bị kỹ lưỡng nên họ nhanh nhạy và năng động, sáng tạo như thế.
Thanh niên Việt, ai cũng nên thử bước ra thế giới một lần, ví dụ du lịch Thái Lan, Malaysia, thấy thiên hạ khẩn trương thế nào. Từ đó, tự mỗi người sẽ biết mình cần làm gì.
“Thay vì chỉ phụ thuộc vào ý chí cá nhân và phó mặc cho may rủi, sẽ tốt hơn nhiều nếu xã hội được thiết kế sao cho khơi gợi được tiềm năng của từng người, buộc người đó phải nỗ lực trong chính trực, từ đó họ có niềm tin vào sự tử tế, công bằng đối với năng lực, nhân phẩm của mình. Khi đó đất nước ta sẽ có một câu chuyện khác để kể”.
Trích Bên Kia Ranh Giới – Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục? của Tôn Nữ Tường Vy
Theo N.M.Hà
Nguồn: Tienphong.vn
Lời BTV:
Độc giả quan tâm có thể tìm đọc tác phẩm Bên Kia Ranh Giới của Tôn Nữ Tường Vy qua phiên bản ebook có tại KOMO ở đây: https://komo.vn/ben-kia-ranh-gioi-p5298.html.
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.