“Tiếu ngạo giang hồ” – Đôi điều tản mạn
Có thể nói “Tiếu ngạo giang hồ” vẫn là tác phẩm được nhiều người yêu thích nhất trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Kim Dung. Tiếu ngạo giang hồ đã xây dựng nên một câu chuyện chân thực, thú vị và không kém phần gay cấn khi đan xen thật – giả, thiện – ác, chính – tà vào một thế giới võ hiệp sôi nổi.
Suối nguồn tư tưởng Phương Đông
“Tiếu ngạo giang hồ” không chỉ hàm chứa kiến thức về y học, dược học, giải phẫu học, võ học, xã hội học… mà còn chuyển tải cả tư tưởng sâu sắc của triết học phương Đông. Bộ truyện đã lặng lẽ dắt người đọc dấn bước vào cuộc hành trình tìm về cội nguồn tư tưởng phương Đông, một phương Đông lãng mạn bay bổng “Khi lên cao chín ngàn dặm, nương mây cưỡi gió mà bay”. Truyện còn có cái u uẩn, trầm mặc đầy suy niệm của những ngôi chùa, những rừng tùng bách, bóng trăng sáng trên Trường Giang, cơn mưa tuyết mùa đông trên Ngọc Nữ phong.
Bậc kỳ tài cao thủ đích thực hàng ma, phục yêu bằng cái tâm hòa bình, tu chính của người tu hành. Họ áp dụng nguyên tắc “Miên lý tàng châm” (trong cái gối mềm có chứa cây kim). Họ không đánh ai nhưng ai đánh vào họ thì bị kim đâm, càng đánh mạnh vết thương càng nặng. Họ lập ra kiếm trận là để tự giữ mình, chống ngoại địch chứ chẳng bao vây tiêu diệt ai. “Dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu” – nói cách khác là dùng kiếm ý chứ không phải kiếm chiêu, người dụng kiếm cần phong thái ung dung liên tục như nước chảy mây trôi khi giao đấu với địch thủ. Vì vậy, mới có cuộc đấu kiếm kỳ lạ xảy ra giữa Lệnh Hồ Xung và Xung Hư, đấu kiếm mà không cần dùng kiếm, chỉ xuất chiêu qua ánh mắt để phân định thắng thua.
Đọc “Tiếu ngạo giang hồ” có cảm giác như đang xem một vở kịch mà đến phút cuối cùng khi lớp mặt nạ ngụy trang của nhân vật được tháo gỡ, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng. Những kẻ mượn danh “anh hùng chính nghĩa” như Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi cuối cùng lại hiện nguyên hình “tiểu nhân”. Ngược lại, những người bị gắn mác tà đạo như Hướng Vấn Thiên, Khúc Dương mới là hào kiệt chân chính.
Thiên tình sử giang hồ có một không hai
Thêm một điểm nhấn đặc biệt nữa khiến độc giả yêu thích bộ truyện này đó chính là chuyện tình võ hiệp giữa Nhậm Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung. Họ không chỉ bất chấp ranh giới giữa chính đạo – tà đạo để đến với nhau mà còn tự nguyện bao dung nhau trong vòng tròn của tình yêu.
“Người đàn ông uống nước khoáng ướp lạnh, dùng ống hút, từ từ hút hết nước trong chai” – đó là Lệnh Hồ Xung.
“Người phụ nữ yêu một người đàn ông sẽ trở thành cái chai bị hút hết nước mình không còn một giọt” – đó là Nhậm Doanh Doanh.
Thế nhưng đừng lầm tưởng Nhậm Doanh Doanh là một cô gái lụy tình mù quáng, ngược lại cô mạnh mẽ chính trực và cũng rất đỗi chân thành. Vậy nên, dẫu cho Lệnh Hồ Xung “ngốc nghếch” chung tình với Nhạc Linh San, cô vẫn dùng trái tim bao dung để thứ tha, dùng cả cuộc đời mình để kiên nhẫn chờ đợi. Tình yêu của họ đã dũng cảm vượt qua lời chỉ trích của “miệng đời” oan nghiệt và vượt qua cả những ích kỷ cá nhân hẹp hòi.
“Tiếu Ngạo giang hồ” được Kim Dung hoàn thành vào 1963, đến nay đã nhiều lần được chuyển thể thành phim (cả phim truyền hình và bản điện ảnh). Cùng với sự phát triển của công nghệ làm phim, những phiên bản về sau ngày càng có kỹ xảo “mượt mà” khiến khán giả vô cùng mãn nhãn. Thế nhưng, với những fan đích thực của dòng truyện kiếm hiệp thì đọc “Tiếu ngạo giang hồ” vẫn đem lại một cảm giác say mê đặc biệt mà không bộ phim nào có thể thay thế được.
(An Quy tổng hợp)
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.