Uncategorized

Phong vị của tình yêu

d100dc

Tình yêu không có hình thù rõ ràng. Chính vì thế, cách thức nó tồn tại đôi lúc giống như một làn hương. Bất chợt đến, bất chợt đi. Vậy liệu con người có thể giữ được tình yêu nếu như họ biết cách chủ động tạo hương vị riêng cho tình yêu của mình? 

Lạc lõng với xã hội là cảm giác thường có của những người cô đơn. Nhưng, những con người trong thế giới của Yamada Amy không chỉ có vậy. Họ lạc lõng với ngay chính bản thân mình, luôn tự đặt mình trong những mâu thuẫn vì không biết muốn gì, phải làm gì. Một anh công nhân sợ độ cao mỗi khi lên giàn giáo làm việc nhưng khi đào móng ở dưới mặt đất lại chỉ muốn mau xong để được lên cao. Một cậu thanh niên khi học xong cấp 3, không thi vào đại học mà quyết định làm việc cho một trạm xăng chỉ vì nếu nhìn tương lai “xa quá khiến cậu mờ cả mắt”. Một cô sinh viên chưa va vấp nhiều với cuộc sống nhưng lúc nào cũng“muốn sống thật thảnh thơi”…Thế rồi, những con người đó tìm được tình yêu.

Mỗi tình yêu trong tập truyện ngắn Phong vị tuyệt vời đều mang một phong vị riêng. Có khi đó là thứ phong vị đến từ những món ăn mà cô nội trợ cố gắng nấu cho người mình yêu. “Cơ thể anh là do tôi tạo nên. Chỉ hơi ấm bốc lên từ đồ ăn tôi nấu mới sưởi ấm được cơ thể anh. Đó là trách nhiệm của tôi”. Vì mặc cảm mình có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào nên cô tạo những hương vị thật đặc biệt trong món ăn nấu cho người yêu để dù sau này, nếu có bỏ rơi cô, chính thứ hương vị đó sẽ làm anh nhớ đến cô. Đối với cô, hương vị ấy là sợi dây kết nối giữa hai người. Có khi phong vị tình yêu nén chặt trong những viên kẹo caramen, trong những thói quen đến từ văn hóa Mỹ mà một người phụ nữ Nhật luôn cố gắng giữ nó để nhớ đến người yêu cũ của mình. Bà đã nói với người cháu trai vừa bị thất tình rằng kẹo “cũng như khí gas dùng để sưởi ấm vậy. Không chỉ có con gái khi được âu yếm ngọt ngào mới chảy ra đâu”. Ngay cả khi đã biết cách tạo hương vị tình yêu cho riêng mình cũng không có gì đảm bảo rằng con người sẽ giữ được tình yêu. Nhưng khi tình yêu đã mất đi, dường như hương vị còn lại của nó là thứ duy nhất sưởi ấm người ta khi nhớ về thời quá vãng. “Bởi nhớ về quá khứ luôn khiến ta cảm thấy mình đã mất đi một điều gì đó”, do đó nếu phong vị không biến mất cùng tình yêu đã qua, nó sẽ trở thành thứ gắn kết quá khứ và hiện tại. Một thứ nào đó thuộc về quá khứ vẫn còn hiện hữu trong thực tại đôi khi cũng đã là một hạnh phúc.  

f8301567

Vào năm 2006, truyện ngắn “Phong vị tuyệt vời” đã được chuyển thể thành phim điện ảnh với tên là: “Sugar & Spice”. Trên cảm hứng từ tập truyện ngắn của Yamada Amy và tác phẩm điện ảnh, các nhà làm phim Nhật Bản lại một lần nữa chuyển thể nó thành phiên bản truyền hình với tên gọi mới: Mou Hitotsu: Sugar & Spice (One more time: Sugar & Spice)

Những tác phẩm của Yamada Amy trước đây đã được xuất bản ở Việt Nam như: Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường, Sống lưng của Jesse, Trò đùa của những ngón tay đều đào sâu về mối quan hệ tình dục giữa một người phụ nữ Nhật và một người đàn ông Mỹ. Các câu chuyện đó khi kết thúc đều đem lại cho người đọc một cảm giác chua xót. Nhưng Phong vị tuyệt vời lại rất khác với những tác phẩm trước đó. Các câu chuyện kể về cuộc sống của những con người làm những công việc không được nhiều người coi trọng trong xã hội Nhật Bản như: công nhân xây dựng, người gom rác, nhân viên ở trạm xăng, những nhân viên làm dịch vụ như chuyển nhà, xử lí nước thải và cả hỏa táng. Cách Yamada kể chuyện cũng nhẹ nhàng hơn những tác phẩm trước rất nhiều. Điều đó thể hiện rõ ở cách bà kết thúc từng câu chuyện: không đau buồn nhưng cũng không hẳn là kết thúc có hậu. Có lẽ, đó là thứ cảm giác lơ lửng giống như chính hương vị của tình yêu.

Frett

concepted and designed by Nhon Giang