Rừng Na Uy
Rừng Na Uy ra đời năm 1987 đã đưa tên tuổi tiểu thuyết gia Haruki Murakami lên một tầm cao mới. Cuốn sách này phổ biến tới mức người ta phải kháo nhau rằng: “Cứ bảy người Nhật thì đã có một người từng đọc Rừng Na Uy”.
Truyện bắt đầu trên chuyến bay sang Đức của nhân vật Toru Watanabe 37 tuổi. Giai điệu ca khúc Rừng Na Uy (The Beatles) vang lên lúc máy bay hạ cánh đã gợi nhắc trong anh những ký ức không thể phai mờ về thuở đôi mươi.
Đó là năm 1960, Toru, Midori và Naoko – ba nhân vật chủ chốt của câu truyện, lúc này đang mắc kẹt trong vòng tròn tình cảm và những ẩn ức của chính mình.
Toru bấy giờ là một chàng sinh viên đại học luôn mang dáng vẻ cô độc và có phần kỳ dị trong mắt người ngoài. Thế giới của anh chỉ gói gọn trong một vài người bạn mà một trong số đó thậm chí đã tự sát từ năm mười bảy tuổi. Toru chưa bao giờ thực sự thoát khỏi quá khứ và cái chết của người bạn này. Vào lúc ấy, Naoko xuất hiện như một biểu tượng của kí ức. Cô là người bạn từ thuở ấu thơ và là người đầu tiên Toru đem lòng yêu thương. Naoko đẹp nhưng cái đẹp của cô gợi nên một nỗi buồn man mác và giá lạnh như hơi thở của mùa đông.
Midori hoàn toàn đối lập với Naoko. Bản thân cái tên Midori (màu xanh lá cây) cũng đã nói lên tính cách con người cô. Nếu như Naoko là biểu tượng của ngày Đông thì Midori chính là mùa Hè ngập nắng. Cô sinh động, thẳng thắn và luôn lạc quan trong mọi tình huống, kể cả khi biết rõ trái tim người mình yêu đang dành cho hình bóng khác.
Thông qua việc khắc họa cá tính và kể câu chuyện về cuộc đời mỗi nhân vật, Haruki đã nói lên hầu hết những nỗi đau và sự bế tắc của người trẻ Nhật Bản năm 1960. Mọi vấn nạn như tự tử, chứng trầm cảm, lạm dụng tình dục, thuốc và rượu… đều được bóc trần dưới một góc nhìn rất khách quan nhưng cũng không kém phần nhân văn.
Không giống như nhiều tiểu thuyết siêu nhiên khác của Haruki, Rừng Na Uy là sự thực về một thế hệ và một giai đoạn của xã hội Nhật. Dù màu sắc ảm đạm, lạnh lẽo gần như là không khí xuyên suốt từ đầu đến cuối truyện, Rừng Na Uy thực ra không cổ súy cho những suy nghĩ tiêu cực và kêu gọi người trẻ tự hủy hoại bản thân. Hành trình vượt qua ánh ảnh quá khứ, vượt qua chính mình của Toru là hành trình chung mà ai trong chúng ta cũng phải trải qua nếu muốn trưởng thành.
Kết luận sau cùng của Toru về cái chết chính là một trong những thông điệp lớn nhất Haruki muốn truyền tải tới độc giả: “Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống” và “Người chết sẽ luôn là người chết, còn chúng ta phải tiếp tục sống.”
Chắn hẳn rằng tất cả những người đã và đang trải nghiệm những mâu thuẫn nội tâm và nỗi cô độc của tuổi trẻ đều sẽ tìm thấy một phần của mình trong Rừng Na Uy.
Bài viết được đóng góp từ độc giả
Hải Âu
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.